400 thanh niên thảo luận quyền tình dục

21:14 | 27/11/2017;
Sáng ngày 27/11, hơn 400 thanh niên của 100 tổ chức đến từ 45 quốc gia đã cùng tham dự một hội nghị thảo luận về các chủ đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe và tình dục tại Hạ Long, Quảng Ninh.
_mg_1517.jpg

Trao đổi với các đại biểu thanh niên, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) đã thẳng thắn thừa nhận những tồn tại: “Các bằng chứng cho thấy hầu hết thanh niên Việt Nam còn thiếu kiến thức, kỹ năng thương thuyết ra quyết định để có quan hệ tình dục an toàn và sự đồng thuận. Chương trình giáo dục tình dục toàn diện tại các trường học vẫn còn hạn chế và bất cập cả về nội dung và phương pháp truyền thụ kiến thức. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, vẫn còn 1/3 thanh niên Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận với thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) và các kỹ năng bảo vệ, phòng tránh các nguy cơ đến SKSS, đặc biệt đối với thanh niên di cư, thanh niên nông thôn và thanh niên là người dân tộc thiểu số..."

_dsc9570.JPG
Theo ông Vũ Đăng Minh: "Nhu cầu về phương tiện tránh thai của thanh niên chưa có gia đình chưa được đáp ứng trong khi Chương trình CKSS/SKTD/KHHGĐ vẫn ưu tiên các cặp vợ chồng (nhận thức chung là vấn đề này chỉ tập trung truyền đạt cho những người đã có gia đình – còn đối với người chưa có gia đình mà đề cập đến chuyện đó là không lành mạnh)”.
_dsc9516.JPG
Hội nghị Thanh niên diễn ra vào ngày đầu tiên của Hội nghị châu Á Thái Bình Dương về sức khỏe và quyền sinh sản và Tình dục lần thứ 9 (APCRSHR9) là không gian cởi mở của thanh niên để họ trao đổi và nâng cao năng lực của mình trong việc chủ động tham gia vào những chính sách và những hoạt động xã hội để thúc đẩy quyền sinh sản và tình dục, đẩy mạnh mục tiêu phát triển bền vững quy mô khu vực và toàn cầu. Hội nghị tập trung đối thoại về những sáng kiến tiến bộ, từ đó thanh niên có thể tham gia trực tiếp trong việc đặt ra chính sách.

Ông Bjorn Andersson, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNFPA cũng cho biết: “Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mỗi năm có khoảng 10.000 trẻ em gái vị thành niên tử vong do các biến chứng liên quan tới thai nghén; Hàng năm có 5.2 triệu trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên. Ở một số quốc gia, tỷ lệ trẻ em gái mang thai ở độ tuổi vị thành niên đang gia tăng mặc dù tỷ lệ này đang có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu… Việc thiếu đầu tư – đặc biệt là đầu tư vào CSSK/SKSS, tình dục và quyền – trong những giai đoạn quan trọng của cuộc sống đối với thanh niên và vị thành niên đã và sẽ gây ra những tác động tiêu cực trong lĩnh vực y tế và giáo dục; trong các cơ hội việc làm và triển vọng tương lai của thanh niên và vị thành niên; xét ở góc độ tổng thể hơn, việc thiếu đầu tư này sẽ gây các tác động bất lợi tới sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia… Và, chúng ta cần nghe được nhiều ý kiến của thanh niên và vị thanh niên hơn nhằm mục đích tăng cường công tác tuyên truyền vận động tại tất cả các quốc gia trong khu vực đồng thời cần khuyến khích thanh niên và vị thành niên hành động vừa với tư cách là những người đồng hành/đối tác vừa là những người có vai trò lãnh đạo”.

img_20171127_162936.jpg
Đại diện nhóm thanh niên quốc tế thảo luận về giáo dục giới tính toàn diện, hành vi có hại và kết hôn trẻ em, sự cô lập (nhóm dân số trẻ, người khuyết tật, người nhập cư trẻ); HIV/AIDS (tiếp cận những công nghệ phòng tránh và điều trị mới); Sức khỏe và quyền sinh sản và tình dục trong khủng hoảng nhân đạo; Phá thai an toàn...
_dsc9640.JPG

 

23961046_925794244252235_777934301_o.jpg
Đại diện cho thanh niên Việt Nam, bạn trẻ Vũ Thị Quyên đến từ Hà Nội cho biết:" Thanh niên Việt Nam đặc biệt là thanh niên thuộc nhóm khuyết tật hầu như không được tiếp cận bất kỳ dịch vụ hay chuyên gia tư vấn nào liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục theo một cách đặc thù cho nhóm. Nếu được đào tạo năng lực, cung cấp kiến thức, người trẻ sẽ hiểu rõ về cơ thể mình, hiểu về quyền của mình để biết cách bảo vệ và nói chuyện về nó một cách cởi mở, tự do hơn, để xã hội hiểu rằng tình dục không có gì là bậy bạ, tội lỗi, không phải là những điều mang hàm nghĩa tiêu cực… Thanh niên cần được tạo cơ hội để biết để hiểu đúng về cơ thể của mình và biết cách bảo vệ cũng như có được sự an toàn cho chính mình. Em hy vọng tại hội nghị này sẽ có thể nói lên được tiếng nói của thanh niên và chủ động tham gia vào những chính sách và những hoạt động xã hội để thúc đẩy quyền sinh sản và tình dục. 

 APCRSHR9 năm nay có chủ đề “Không ai bị bỏ lại phía sau! Công lý trong sức khỏe sinh sản và tình dục”, diễn ra từ 27-30/11 tại Hạ Long, Quảng Ninh với sự tham dự của nhiều đại biểu trung ương, địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và khoảng 700 đại biểu là các nhà khoa học, lãnh đạo của các tổ chức quốc tế đến từ 40 quốc gia trên thế giới.

Đây là diễn đàn khoa học về sức khỏe, quyền sinh sản và tình dục do các tổ chức xã hội dân sự khởi xướng và duy trì hai năm một lần từ 2001 đến nay. APCRSHR9 do Hội Y tế Công Cộng Việt Nam là đầu mối đăng cai tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, UBND Tỉnh Quảng Ninh, các Sở ban ngành cùng các tổ chức xã hội trong nước, quốc tế và là hội nghị khu vực lớn nhất tổ chức tại Việt Nam về lĩnh vực liên quan.

Nội dung hội nghị tập trung vào thanh niên với nội dung SKSS/SKTD và Quyền trong chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và sự tham gia của thanh niên… và chương trình thực địa thăm quan mô hình thực hành tốt về chăm sóc SKSS/SKTD và bình đẳng giới tại Tp. Hạ Long, Quảng Ninh; cùng 4 chủ đề chính: (1) Vượt qua các rào cản xã hội, văn hóa & tôn giáo trong SKSS và tình dục; (2) Hướng tới một cơ cấu kinh tế công bằng cho SKSS và tình dục; (3): Cải thiện công lý cho quyền SKSS và tình dục; (4): Chương trình giáo dục SKSS và tình dục chất lượng tốt cho tất cả mọi người; (5) Thúc đẩy công lý và công bằng trong SKSS và tình dục, và chăm sóc sức khỏe.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn