Trong đó, đường bộ xảy ra 8.889 vụ, làm chết 4.027 người, bị thương 6.997 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 568 vụ (-6.01%), giảm 04 người chết (-0.10%), giảm 893 người bị thương (-11.32%).
Đường sắt xảy ra 62 vụ, làm chết 53 người, bị thương 28 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 14 vụ (-18.42%), giảm 12 người chết (-18.46%), giảm 02 người bị thương (-6.67%). Đường thuỷ nội địa xảy ra 40 vụ, làm chết 22 người, bị thương 02 người.
“So với 6 tháng của năm 2017, số vụ tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí khi giảm 594 vụ (giảm 6,19%), số người chết giảm 31 người (giảm 0,75%), số người bị thương giảm 908 người (giảm 11,44%)”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, so sánh.
Theo ông Hùng, có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 9 địa phương giảm trên 20% số người chết là Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu, Yên Bái, An Giang, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Đắc Lắc. Đặc biệt, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu giảm trên 30% số người chết do tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20% là Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh, trong đó, có 4 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.
Qua phân tích trên 6.804 vụ tai nạn giao thông đường bộ cho thấy, 26% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 8,77% do vi phạm tốc độ xe chạy; 8,86% do chuyển hướng không chú ý; 6,23% do không nhường đường; 5,97% do vượt xe sai quy định; 7,82% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; 2,32% do tránh xe; 4,23% do sử dụng rượu bia…
Về tai nạn giao thông đường sắt, Ủy ban ATGT đánh giá, nhiều địa phương chưa tổ chức triển khai cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn do không bố trí được nguồn kinh phí; nguồn vốn do Nhà nước cấp hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đường ngang, xây dựng hàng rào đường gom, hàng rào hộ lan...
Vốn đầu tư thiếu và giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến tiến độ thi công của một số công trình, dự án an toàn giao thông chậm, thậm chí dừng, giãn tiến độ dẫn đến việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường sắt còn do ý thức người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường dân sinh dẫn đến va chạm với tàu; vi phạm khoảng giới hạn đường sắt và người đi bộ đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý hơn 2 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 1.262 tỷ đồng.