Để đưa ra kết luận này, theo ông Phong, các chuyên gia đã căn cứ vào triệu chứng lâm sàng mà các bệnh nhân ngộ độc gặp phải.
Cũng theo ông Phong, không phải 100% vụ ngộ độc ở Việt Nam và trên thế giới đều xác định được nguyên nhân. Trước đây, đã có những vụ ngộ độc thực phẩm không tìm được nguyên nhân trực tiếp là loại hóa chất gì, vi sinh vật nào gây ra, nhưng có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng để kết luận.
Kết quả phân tích các mẫu thức ăn trước đó cho thấy, trong 4 mẫu chất nôn có 1 mẫu có vi khuẩn tụ cầu. Tuy nhiên, trong phân của mẫu này lại không có loại vi khuẩn tụ cầu. Ngoài ra, trong mẫu củ đậu có vi khuẩn coliform vượt ngưỡng cho phép, nhưng sự vượt ngưỡng lại không tương xứng với dấu hiệu lâm sàng. Đến nay, Bộ Y tế và Sở Y tế Hải Phòng mới thống nhất được nguyên nhân gây ngộ độc.
Bác sĩ BV Đa khoa Thủy Nguyên thăm khám cho công nhân bị ngộ độc thực phẩm
Ông Phong cho biết: "Với vụ việc ở Hải Phòng, chúng tôi thấy đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty TNHH Suất ăn công nghiệp Bảo Châu (huyện Thủy Nguyên) đủ điều kiện để bị xử lý do vi phạm ATTP. Ví như, theo quy định, rau phải có chứng nhận an toàn và hợp đồng mua bán, thịt phải đóng dấu, nhưng sau khi kiểm tra, doanh nghiệp không xuất trình được những giấy tờ trên. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất bữa ăn của họ rất tốt. Toàn bộ thiết bị đều bằng inox sạch bóng và sản xuất theo dây chuyền một chiều đủ tiêu chuẩn. Do đó, có thể nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu không đảm bảo".
Theo quy định, toàn bộ chi phí xử lý vụ ngộ độc, đơn vị cung cấp suất ăn phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả việc trả lương cho công nhân những ngày nghỉ, chi phí điều trị...
Ngày 28/12/2015, gần 1.000 công nhân Công ty TNHH Regina Micracle có triệu chứng ngộ độc sau khi dùng bữa trưa. 17 xe cứu thương đã được huy động để đưa công nhân đến 3 BV trên địa bàn thành phố Hải Phòng cấp cứu. Đến 31/12/2015, tất cả số công nhân bị ngộ độc đều đã xuất viện.