5 bất thường ở bụng đang cảnh báo ung thư nhưng ít người chú ý

10:33 | 09/05/2023;
Tế bào ung thư rất giỏi “ẩn nấp”. Trong giai đoạn đầu, chúng nằm lẫn với tế bào bình thường và không gây chèn ép hay đau đớn nên rất khó phát hiện. Ung thư các bộ phận ở vùng bụng như ung thư dạ dày, tuyến tụy, gan, đại tràng… càng dễ nhầm lẫn với bệnh vặt khác.

Phía sau lớp da và mỡ, phần bụng của chúng ta tập trung rất nhiều các cơ quan nội tạng quan trọng. Từ gan, túi mật, tuyến tụy, lá lách, thận, bàng quang, tử cung, buồng trứng, tuyến tiền liệt, dạ dày, ruột… Tất cả các bộ phận này đều có thể bị bệnh ung thư tấn công.

Trước khi hình thành khối u, tế bào ung thư sẽ “ngụy trang” cùng các tế bào khỏe mạnh khác để thoát khỏi sự theo dõi và đào thải của hệ thống miễn dịch. Chờ đến khi cơ thể suy yếu, hệ miễn dịch có lỗ hổng sẽ lập tức bùng phát và nhân lên nhanh chóng. Quá trình này thường mất nhiều thời gian và giai đoạn đầu ít khi có triệu chứng rõ ràng.

Nhưng điều đáng lo ngại là các triệu chứng ung thư của các cơ quan nằm trong ổ bụng rất dễ bị xem nhẹ hoặc bỏ qua. Bởi vì chúng rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh vặt hoặc rối loạn tiêu hóa. Trong đó có 5 bất thường ở vùng bụng rất có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư nhưng ít người chú ý đến như:

1. Hay đau bụng không rõ nguyên nhân

photo-3

Ảnh minh họa

Cơn đau bụng do ung thư rất dễ bị nhầm lẫn với khó chịu đường tiêu hóa hoặc ảnh hưởng từ chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng nếu điều này lặp lại thường xuyên, ngay cả không trong kỳ kinh hoặc ăn uống lành mạnh, đã uống thuốc tiêu hóa nhưng không khỏi thì nên nhanh chóng đi tầm soát ung thư.

Y học chỉ ra rằng cảm giác đau ở vùng bụng là 1 trong những triệu chứng phổ biến nhất và cũng thường xuyên bị bỏ qua nhất của các bệnh ung thư. Tuy nhiên, mỗi loại bệnh ung thư khác nhau lại có thể gây ra các cơn đau vùng bụng khác nhau.

Ví dụ như khi bị ung thư dạ dày hoặc ung thư tuyến tụy, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy đau ở vùng bụng giữa, phía trên rốn. Cơn đau này không quặn thắt mà thường đau âm ỉ liên tục nhiều ngày, đi kèm là triệu chứng đầy hơi hoặc khó tiêu, 1 vài bệnh nhân còn buồn nôn, mệt mỏi.

Nếu vùng bụng trên, bên phải bị đau co thắt từng cơn hoặc đau tại 1 điểm sau đó lan tỏa ra xung quanh thì có thể là triệu chứng của ung thư gan. Cơn đau sẽ đi kèm với sốt, chán ăn, đầy hơi, buồn nôn, da mặt sạm đen và ra nhiều mồ hôi.  Đặc biệt, 1 số bệnh nhân ung thư gan đôi khi còn có thể bị tê ở lưng giống như bị điện giật.

Còn nếu ở thường đau vùng bụng giữa và bụng dưới, có cảm giác sưng tấy và cơn đau âm ỉ thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư ruột.

2. Bụng to lên bất thường

Trừ việc mang thai ở nữ giới, có 2 lý do chính dẫn tới tình trạng bụng to nhanh chóng. Một là béo bụng do dư thừa lượng mỡ nội tạng quá nhiều, 2 là bị cổ trướng do ung thư cơ quan nội tạng xâm lấn ổ phúc mạc. Phổ biến nhất là ung thư gan, ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư ruột kết và ung thư buồng trứng.

Bởi vì thể tích khối u phát triển tạo ra hiện tượng phình to bất thường và kết dính các cơ quan dẫn đến tăng kích thước vùng bụng. Thường sẽ đi kèm với các cơn đau và nhiều triệu chứng đặc hiệu khác.

Hoặc ung thư khiến tràn dịch màng bụng xảy ra, bụng của bệnh nhân sẽ trở nên căng lên và bệnh nhân sẽ cảm thấy trướng bụng, khó chịu. Đặc biệt, đối với bệnh nhân trung niên và cao tuổi bị xơ gan cổ trướng không rõ nguyên nhân cần đề cao cảnh giác với ung thư.

Tuy nhiên, không phải lúc nào sưng hoặc phình bụng cũng là dấu hiệu ung thư, có thể đó là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng khác như suy thận, viêm gan, nên tốt nhất hãy đến bệnh viện khám chữa kịp thời.

3. Da bụng có sự thay đổi khác lạ

Ung thư cũng có thể gây ra những thay đổi ở da, bao gồm cả da ở vùng bụng nhưng ít ai để ý tới.

Đối với các bệnh ung thư liên quan tới cơ quan chuyển hóa như gan, mật, tuyến tụy, thận thì da bụng có thể trở nên vàng hơn hoặc sạm đen đi. Các khối u liên quan tới tiêu hóa như dạ dày, đại tràng thì thường khiến da vùng bụng căng lên và cứng hơn, giảm đàn hồi khi nhấn vào. Với bệnh ung thư hạch, rất nhiều bệnh nhân có triệu chứng ngứa da vùng bụng ở nhiều mức độ khác nhau.

Ngoài ra, ở một số bệnh nhân, ung thư còn gây ra sự suy giảm khả năng miễn dịch. Từ đó dẫn đến những bất thường về da, chẳng hạn như sự xuất hiện của bệnh zona, mẩn đỏ hay mụn bất thường. Điều này cũng có thể diễn ra ở vùng bụng.

4. Tiêu chảy, buồn nôn thường xuyên

Ngoài đau bụng, việc thường xuyên mắc các bệnh đường tiêu hóa hay bị buồn nôn đi kèm mệt mỏi hay toát mồ hôi mà không rõ lý do cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư. Phổ biến nhất là: ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư tuyến tụy…

Đối với ung thư ruột, bạn sẽ cảm thấy đau bụng và tiêu chảy kéo dài, đi ngoài ra máu, đi ra phân đen. Hay ung thư tuyến tụy gây khó chịu, tức bụng, buồn nôn, tiêu chảy và phân nổi kèm theo chán ăn, sụt cân nhanh.

photo-1

Ảnh minh họa

Điểm khác biệt giữa rối loạn tiêu hóa thông thường và do nguyên nhân ung thư là chúng tồn tại trong thời gian dài, không thể thuyên giảm bằng các phương pháp điều trị bệnh đường tiêu hóa thông thường và hay tái phát lại. Vì vậy, tốt nhất là hãy rèn luyện lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, khám sức khỏe thường xuyên để phòng tránh.

5. Xuất hiện các cục rắn, khối u

Thông thường, ung thư ở giai đoạn đầu rất ít có dấu hiệu bên ngoài bụng, nếu bạn sờ thấy 1 vùng hoặc khối cứng ở khu vực này, nghĩa là khối u đã phát triển ở giai đoạn nặng.

Các khối này sẽ tạo ra cảm giác đau âm ỉ vùng bụng, hoặc đau khi dùng tay nhấn vào. Còn nếu nhấn vào mà hoàn toàn không thấy đau, khả năng cao liên quan đến ung thư giai đoạn muộn, giai đoạn cuối.

Ví dụ như khi ung thư gan phát triển đến 1 giai đoạn nhất định, vị trí bụng trên bên phải sẽ có thể sờ thấy khối u. Hay khi phát hiện cục rắn, khối u ở phần bụng dưới, có nghĩa là bạn đang phải chống chọi với bệnh ung thư ruột hoặc ung thư buồng trứng.

Lời khuyên tốt nhất là ngay khi cảm thấy vùng bụng xuất hiện các vùng rắn, cục rắn bất thường, hãy đến cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và chữa trị kịp thời.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn