5 bất thường trên da cảnh báo nhiều loại ung thư nhưng thường bị xem nhẹ

20:57 | 31/05/2023;
Nhắc tới dấu hiệu ung thư, nhiều người nghĩ ngay tới cảm giác đau. Trong khi đó, những bất thường trên da thì lại dễ bị xem nhẹ hoặc bỏ qua.

Trên thực tế, có rất nhiều bệnh tật, bao gồm cả ung thư có thể gây ra bất thường trên làn da. Tuy nhiên, đa số chúng ta thường xem nhẹ hoặc hiểu lầm chúng là các bệnh về da liễu. Trong khi đó, không chỉ ung thư da mà ung thư phổi, gan, dạ dày, buồng trứng, tuyến tụy… đều có thể khiến làn da thay đổi bất thường.

Vì vậy, nếu thường xuyên bắt gặp 5 bất thường sau đây ở da thì tốt nhất là nên đi thăm khám sớm:

1. Ngứa da khó hiểu

Hệ thống Y tế Johns Hopkins tại Mỹ đã công bố một nghiên cứu cuối năm 2018 từ khảo sát trên 16.000 bệnh nhân trong 2 năm cho biết: Người bị ngứa toàn thân có khả năng bị ung thư cao hơn so với những bệnh nhân không nhận thấy ngứa.

photo-3

Ảnh minh họa

Người bỗng nhiên cảm thấy ngứa, da bứt rứt khó chịu dù không bị tổn thương gì bất thường có thể là triệu chứng ngầm cảnh báo ung thư. Cảm giác ngứa cũng xuất hiện không theo quy luật nào ở nhiều nơi trên cơ thể hoặc ngứa toàn thân, gãi cũng không hết. Ngứa ngáy sẽ kéo dài trên 2 tuần và nghiêm trọng hơn về ban đêm.

Tình trạng này có liên quan đến việc kích thích các dây thần kinh ngoại biên của da bằng histamin và các enzyme phân giải protein được sản xuất bởi các tế bào khối u. Điểm khác biệt với ngứa da thông thường nữa là ngứa da do ung thư rất khó thuyên giảm bằng cách gãi da hay dùng thuốc da liễu. Ngứa da thường đi kèm các triệu chứng khác như chán ăn, mệt mỏi, sụt cân, có thể đau ở nhiều bộ phận khác nhau…

Các loại bệnh ung thư gây ngứa da phổ biến nhất gồm: Ung thư liên quan đến máu (ví dụ như bệnh bạch cầu và ung thư hạch), ung thư tụy, ung thư ống mật, ung thư túi mật, ung thư gan và phổ biến nhất là ung thư da.

2. Màu da thay đổi

Màu da đột nhiên thay đổi cũng có thể là một dấu hiệu khi trong cơ thể có các khối u ác tính. Nhất là các loại ung thư có liên quan tới các cơ quan làm nhiệm vụ chuyển hóa như ung thư gan, ung thư thận, ung thư tuyến tụy, ung thư ống mật…

Bởi vì khối u khiến cho các cơ quan này bị suy giảm, mất đi chức năng. Chất độc bị tích tụ ở nhiều nơi trên cơ thể, bao gồm cả làn da dẫn tới da dễ chuyển sang màu vàng hoặc đen.

Ví dụ như với ung thư gan hoặc mật, dẫn tới nồng độ bilirubin tăng cao trong máu và khối u chèn ép gây gián đoạn ống mật, khiến da ngày càng vàng. Vàng da của 2 bệnh này thường đi kèm với vàng mắt, nước tiểu sẫm màu hơn.

Nếu màu da chuyển màu xanh xao hoặc trắng bệch thì hãy cẩn trọng với ung thư đường ruột, ung thư máu, một số khối u về thần kinh, ung thư phổi. Nếu chỉ một vài vùng da đột nhiên đổi màu, xuất hiện các mảng da màu đen hoặc đỏ nhưng không mẩn… thì có thể là do ung thư da.

3. Da nổi mụn, mẩn đỏ khác thường

Một số loại tổn thương, u do ung thư da rất dễ bị hiểu lầm là mụn hay viêm loét thông thường nên cần hết sức cẩn trọng. Hãy đến bệnh viện ngay nếu phát hiện thấy nốt u tròn trên cơ thể với những đặc điểm sau:

- Hơi mềm, có hình dạng tròn như ngọc

- Trong mờ, hơi có độ bóng giống sáp

- Dễ nhầm lẫn với mụn nhưng ở giữa lõm và không có nhân

Ung thư da cũng có thể được phát hiện nhờ những u nhỏ nhìn giống mụn nhọt, có 1 trong các màu: đỏ thẫm, xanh, tím, đỏ như thịt tươi và có thể bị lõm xuống ngay tại trung tâm.

Còn có 1 loại ung thư da hiếm gặp có tên gọi ung thư biểu mô tuyến bã nhờn thường đặc trưng bởi các mụn cứng có màu vàng. Nốt mụn ở dạng này có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như đầu, cổ, thân mình hoặc quanh bộ phận sinh dục.

Ngoài ra, nếu da thường xuyên bị mẩn đỏ ở các vị trí nhất định và lặp đi lặp lại thì cũng nên cẩn trọng với một số bệnh ung thư. Ví dụ như ung thư gan, do suy giảm chức năng gan dẫn tới những mạch ở bàn tay người bệnh có xu hướng giãn nở nhiều hơn và dẫn đến ửng đỏ lòng bàn tay. Điểm khác biệt của những nốt ban, ửng đỏ lòng bàn tay do bệnh gan là chúng sẽ biến mất khi bạn ấn mạnh xuống, da tay tái nhợt đi và chúng lại xuất hiện sau khi ngừng ấn.

Ung thư gan còn có thể khiến da nổi nhiều mụn bất thường, nhất là da vùng mặt. Bởi chất độc bị tích tụ và gây mất cân bằng nội tiết, sau đó sinh ra nhiều mụn trứng cá.

4. Nốt ruồi bất thường trên da

Nốt ruồi bất thường chính là đặc điểm dễ nhận biết nhất và cũng phổ biến nhất của bệnh ung thư da. Mặc dù đa số chúng ta đều có ít nhất 1 nốt ruồi trên cơ thể nhưng rất có thể đó là ung thư nếu có các bất thường sau:

- Nốt ruồi dần phát triển thành các đốm nâu thẫm kèm theo các vệt lốm đốm sậm màu.

- Nốt ruồi đột ngột thay đổi kích thước hoặc màu sắc, có thể nhói đau hoặc chảy máu khi chạm vào.

- Hoặc nốt ruồi có các đặc điểm như: méo mó, không đối xứng, viền không đều, màu sắc không đồng nhất…

photo-2

Ảnh minh họa

Những người mắc bệnh gan ở giai đoạn nặng, bao gồm viêm gan cấp tính, xơ gan và nhất là ung thư gan thường xuất hiện nốt ruồi hình nhện trên da. Đó được gọi là sao mạch.

Bởi ung thư gan khiến máu khó lưu thông qua các tĩnh mạch nhỏ ở thực quản về tĩnh mạch lớn, dần dần gây ra giãn tĩnh mạch và hình thành sao mạch. Điều này cũng lý giải tại sao sao mạch thường xuất hiện nhiều nhất ở những nơi dày đặc các mao mạch như mặt, cổ, bàn tay và ngực…

5. Da hay bong tróc, viêm loét bất thường

Theo các chuyên gia, đa số bệnh nhân ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư buồng trứng có thể kèm theo viêm cơ và thay đổi tính chất da. Các bộ phận bị thay đổi thường thấy ở các khớp liên đốt, đầu gối, lòng bàn tay và những nơi dễ bị ma sát khác.

Ung thư gan, ung thư tuyến tụy, ung thư máu cũng thường dẫn tới hiện tượng da dễ bong tróc, nhạy cảm và dễ bị viêm loét, bị thương cũng như vết thương lâu lành hơn. Còn bất kỳ đốm tối màu nào trông kỳ lạ, đặc biệt khi nó xuất hiện đột ngột, có bất thường về màu sắc, khi chạm vào thấy đau đều có thể là dấu hiệu ung thư da. Đặc biệt là các khu vực như lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu ngón tay hoặc ngón chân, quanh âm đạo và hậu môn.

photo-1

Ảnh minh họa

Một dấu hiệu của ung thư da khác mà bạn cần lưu ý là trên da xuất hiện những vùng tổn thương màu đỏ, cứng, xỉn màu. Chúng sẽ dần lan rộng ra, có phần trung tâm lõm xuống hay bị loét. Khu vực bị loét thường có 1 số đặc điểm như mãi không lành, phát triển thêm 1 vòng mô khác bên trong khu vực ban đầu hoặc có các chấm màu rất khác thường.

Tuy nhiên, các bất thường vừa kể trên cũng có thể là bệnh lý khác ngoài ung thư. Tốt nhất là không nên chủ quan hay tự xử lý mà đến bệnh viện thăm khám kịp thời.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn