5 'bẫy' chết người khi xài thẻ tín dụng

17:06 | 15/10/2015;
Ngay khi bạn vừa vay tiền từ thẻ tín dụng thì bạn đã phải trả lãi suất kèm theo khoản vay gốc nhưng gần như bạn không ý thức được về việc mình đang tiêu tiền đi vay.
Thẻ tín dụng (credit card) khác thẻ ATM. Với thẻ ATM, bạn chỉ được tiêu tiền trong giới hạn số tiền mình đang có trong tài khoản. Còn với thẻ tín dụng, bạn được phép vay tiền của ngân hàng để chi tiêu ngay cả khi tài khoản của bạn hết sạch tiền. Đã vay thì ắt phải trả. Ngay khi bạn vừa vay thì bạn đã phải trả lãi suất kèm theo khoản vay gốc. Những “cạm bẫy” nguy hiểm mà chủ thẻ dễ mắc phải chính là ở đây.

1. Để lộ thông tin chủ thẻ

Các loại thẻ tín dụng thường được gắn công nghệ “chip” hiện đại nên không cần nhập mã PIN (mật khẩu) khi thanh toán tại các quầy thanh toán bằng thẻ. Hơn thế, chỉ cần có đầy đủ thông tin ở 2 mặt trước và sau của thẻ tín dụng, thì người dùng (không phân biệt có phải chủ thẻ hay không) đều có thể thực hiện các thanh toán trực tuyến. Bởi vậy, người dùng cần tuyệt đối giữ bí mật thông tin về chủ thẻ.
Bạn gần như bạn không ý thức được về việc mình đang tiêu tiền đi vay. Ảnh minh họa: Internet

2. Không ý thức về việc mình đang tiêu tiền đi vay

Đứng trước những món đồ hấp dẫn hay một bộ váy hàng hiệu đang được giảm giá, bạn khó lòng cưỡng lại được ý muốn sở hữu nó ngay lập tức. Ngay khi rút thẻ tín dụng và thanh toán món đồ, bạn quên không ý thức được mình đang thanh toán bằng tiền đi vay trước từ ngân hàng, bạn cảm thấy thoải mái chi tiêu mà không lo bị hết tiền.

Sau không quá 45 ngày, chủ thẻ tín dụng phải thanh toán cho ngân hàng khoản tiền đã vay gồm cả gốc lẫn lãi. Lãi suất của các khoản vay này được ngân hàng tính ở mức khá cao. Bởi thế, các thống kê thực tế cho thấy, không ít người dùng thẻ tín dụng chỉ thanh toán số dư tối thiểu để không bị khóa thẻ rồi trả dần với một mức lãi suất cao, thay vì thanh toán hết toàn bộ số tiền phải trả ngay trong tháng. Nếu bạn không muốn lún sâu vào nợ nần, hãy luôn tỉnh táo khi thanh toán bằng thẻ tín dụng.

3. Sở hữu quá nhiều thẻ tín dụng cùng lúc

Đây sẽ là một “cạm bẫy” rất lớn vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ví tiền của bạn. Phí thường niên của thẻ tín dụng thường chỉ miễn phí năm đầu tiên, hơn nữa phí dịch vụ liên quan đến thẻ tín dụng thường đắt hơn nhiều so với các loại thẻ thông thường khác. Vì thế, không nên nghe theo những quảng cáo “miễn phí phát hành”, “miễn phí thường niên”... mà tự làm khổ mình, bởi ngay cả khi bạn chưa sử dụng thì bạn đã phải trả phí. Theo lãnh đạo một ngân hàng, mỗi người chỉ nên có tối đa 2 thẻ tín dụng. Còn nếu bạn được cấp hạn mức khá lớn, bạn chỉ cần 1 chiếc thẻ là đủ.

4. Không nhớ hạn chót cần thanh toán với ngân hàng

Phí bị phạt khi trả chậm cũng không hề thấp chút nào. Thêm vào đó, lãi suất sẽ bắt đầu được tính với các khoản chi tiêu trong tháng theo các nấc bậc thang. Hơn nữa, bạn sẽ rất dễ bị rơi vào nhóm “nợ xấu” nếu đến hạn mà chưa thanh toán tiền dư nợ tối thiểu cần phải trả. Do đó, luôn lưu ý thanh toán sớm nhất ngay khi có thể các khoản chi tiêu từ thẻ tín dụng.

5. Dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt

Tính năng chính của thẻ tín dụng là dùng để thanh toán không sử dụng tiền mặt, chứ không phải để rút tiền mặt từ các cây ATM. Tất cả các ngân hàng phát hành đều tính phí rút tiền mặt khá cao (lên tới 3-4% số tiền rút). Hơn nữa, khoản tiền này sẽ được tính như khoản vay cá nhân với lãi suất khá cao ngay từ thời điểm rút tiền. Điều đó có nghĩa là “phí chồng phí” trên mỗi khoản tiền mặt mà bạn rút. Bởi thế, nếu không muốn bị mất tiền và rơi vào vòng xoáy nợ nần thì bạn nên hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn