5 bệnh lý gây ra tình trạng ho mãi không dứt và cách khắc phục

10:54 | 04/10/2022;
Ho mãi không dứt có thể cảnh báo cơ thể bạn có thể đang mắc phải bệnh lý nào đó. Tình trạng này vừa ảnh hưởng đến sức khoẻ lại làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, nên có biện pháp cải thiện triệu chứng sớm.

Ho đôi khi có thể gây khó chịu, nhưng đây là phản ứng có lợi cho con người. Khi ho, những chất nhầy và vật lạ từ đường thở được đẩy ra ngoài.

Ho có thể là phản ứng của tình trạng viêm nhiễm hoặc bệnh tật. Hầu hết các cơn ho đều diễn ra trong thời gian ngắn khi bạn bị cảm lạnh hoặc cúm, ho trong vài ngày hoặc vài tuần, sau đó bạn sẽ bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, một số trường hợp ho mãi không dứt, giống như tình trạng ho mãn tính. Đây có thể là triệu chứng của một số bệnh lý về hô hấp.

Tình trạng ho mãn tính có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, khiến bạn tỉnh táo vào ban đêm và mất tập trung vào công việc và cuộc sống xã hội. Do đó, nên có những biện pháp để điều trị tình trạng ho mãn tính.

1. 5 bệnh lý gây ra tình trạng ho mãi không dứt

1.1. Hen suyễn và dị ứng

Hen suyễn là một chứng rối loạn hô hấp, khi đường thở bị viêm, gây ra các đợt khó thở tái phát.

Các chất gây dị ứng từ môi trường có thể khiến một người có phản ứng dị ứng ở bất kỳ vị trí nào trên đường hô hấp. Các chất gây dị ứng có thể gây ra bệnh hen suyễn. Tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 60% những người bị hen suyễn.

5 bệnh lý gây ra tình trạng ho mãi không dứt và cách khắc phục - Ảnh 1.

Ho do hen suyễn và dị ứng thường kéo dài dai dẳng (Ảnh: Internet)

Một số triệu chứng phổ biến của bệnh hen suyễn như:

- Ho, đặc biệt là vào ban đêm, khi tập thể dục hoặc khi cười. Các cơn ho thường kéo dài cho đến khi bệnh hen suyễn được kiểm soát.

- Khó thở

- Tức ngực

- Thở khò khè

1.2. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thường được gọi là COPD, là một nhóm các bệnh phổi tiến triển. Các bệnh này thường gặp nhất là khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính.

Nếu không được điều trị, COPD có thể dẫn đến sự tiến triển nhanh hơn của bệnh, các vấn đề về tim và nhiễm trùng đường hô hấp tồi tệ hơn.

5 bệnh lý gây ra tình trạng ho mãi không dứt và cách khắc phục - Ảnh 2.

Ban đầu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ho nhẹ nhưng tái phát (Ảnh: Internet)

Lúc đầu, bệnh xuất hiện các triệu chứng nhẹ, dễ nhầm lẫn với cảm lạnh như ho nhẹ nhưng tái phát, thở gấp, hắng giọng thường xuyên, đặc biệt là vào buổi sáng.

Khi bệnh tiến triển, phổi bị tổn thương nhiều hơn bạn có thể gặp một vài triệu chứng như khó thở, thở khò khè, tức ngực, mệt mỏi, ho mãn tính, thường xuyên bị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm.

1.3. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng chất từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Trào ngược axit xảy ra khi LES (cơ vòng thực quản dưới) của bạn không thắt chặt hoặc đóng lại đúng cách. Điều này cho phép dịch tiêu hóa và các chất khác từ dạ dày trào lên thực quản.

Nguyên nhân gây bệnh do thường xuyên ăn các bữa lớn, nằm luôn sau khi ăn hoặc thoát vị Hiatal.

Một số triệu chứng của bệnh GERD như buồn nôn, tức ngực, đau khi nuốt, khó nuốt, ho mãn tính, giọng nói khàn, hơi thở hôi.

5 bệnh lý gây ra tình trạng ho mãi không dứt và cách khắc phục - Ảnh 3.

Ngoài ho mãn tính, trào ngược dạ dạy gây ra tình trạng buồn nôn, tức ngực, khó nuốt (Ảnh: Internet)

1.4. Nhiễm trùng đường hô hấp

Nhiễm trùng đường hô hấp là một bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến hệ hô hấp trên (xoang, dây thanh quản) và hệ hô hấp dưới (dây thanh quản, phổi).

Nhiễm trùng này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, người lớn tuổi và những người bị rối loạn hệ thống miễn dịch.

Nếu bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp, có thể sẽ gặp một vài triệu chứng như tắc nghẽn trong xoang mũi hoặc phổi, sổ mũi, ho, viêm họng, nhức mỏi cơ thể, mệt mỏi.

1.5. Ho gà

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng do một loại vi khuẩn có tên là Bordetella pertussis gây ra. Tình trạng nhiễm trùng gây ra những cơn ho dữ dội, không kiểm soát được và có thể khiến bạn khó thở.

Trong khi bệnh ho gà có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nó có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

5 bệnh lý gây ra tình trạng ho mãi không dứt và cách khắc phục - Ảnh 4.

Ho gà gây ra những cơn ho dữ dội, không kiểm soát được và có thể khiến bạn khó thở (Ảnh: Internet)

Theo CDC Trusted, thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi nhiễm ban đầu đến khi xuất hiện các triệu chứng) đối với bệnh ho gà là khoảng 5 đến 10 ngày, nhưng các triệu chứng có thể không xuất hiện lâu nhất đến 3 tuần.

Các triệu chứng ban đầu giống với cảm lạnh thông thường, bao gồm sổ mũi, ho và sốt. Trong vòng hai tuần, ho khan và dai dẳng có thể phát triển khiến việc thở rất khó khăn.

Tình trạng ho nặng có thể gây ra nôn mửa, da xanh hoặc tím quanh miệng, mất nước, sốt nhẹ, khó thở

1.6. Một số lý do khác gây ra tình trạng ho kéo dài

Ngoài các nguyên nhân về bệnh lý, tình trạng ho mãn tính có thể một số nguyên nhân bên ngoài như:

- Ô nhiễm không khí: Khói bụi ngoài không khí có thể gây ra các cơ ho dai dẳng khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt những người bị hen suyễn và dị ứng, các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn khi hít phải các tác nhân này.

Ngoài ra, các nấm bào phát triển trong môi trường sống cũng như ngoài cộng đồng có thể xâm nhập vào cơ thể và gây ra các bệnh hô hấp, làm các cơn ho khó thuyên giảm.

5 bệnh lý gây ra tình trạng ho mãi không dứt và cách khắc phục - Ảnh 5.

Hút thuốc cũng có thể gây ho mãn tính (Ảnh: Internet)

- Hút thuốc: Những người hút thuốc thường bị ho. Tình trạng ho này là do cơ thể đào thải các chất hóa học xâm nhập vào đường thở và phổi thông qua việc sử dụng thuốc lá. Mặc dù cơn ho có thể bắt đầu như một cơn ho khan, sau đó phát triển có thể tạo ra đờm.

Theo một nghiên cứu về các quân nhân trẻ cho thấy hơn 40% người tham gia hút thuốc hàng ngày và 27% thỉnh thoảng hút thuốc bị ho mãn tính và tạo đờm.

2. Làm thế nào để cải thiện tình trạng ho mãi không dứt

Để điều trị và cải thiện tình trạng ho mãn tính, điều cần thiết là tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân từ các bệnh lý, các bạn nên thăm khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Tuy nhiên, khi các cơn ho gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, các bạn có thể thử một số mẹo sau để hỗ trợ làm giảm ho, giúp cuộc sống dễ chịu hơn:

- Uống nhiều nước hoặc nước trái cây, trà sẽ giúp làm loãng các chất nhầy trong họng, làm dịu cổ họng của bạn.

- Ngậm thuốc ho

5 bệnh lý gây ra tình trạng ho mãi không dứt và cách khắc phục - Ảnh 6.

Uống nhiều nước sẽ giúp làm giảm các cơn ho hiệu quả (Ảnh: Internet)

- Nếu bạn bị trào ngược axit, tránh ăn quá nhiều và ăn trong vòng hai đến ba giờ trước khi đi ngủ.

- Bật máy tạo độ ẩm phun sương để bổ sung độ ẩm cho không khí hoặc tắm nước nóng và hít thở hơi nước.

- Sử dụng nước muối sinh lý xịt mũi hoặc dụng cụ nhỏ mũi. Nước muối sẽ giúp làm tiêu chất nhầy khiến bạn bị ho.

- Bỏ thuốc lá, nhất là khi đang bị ho, khó thở

- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, tránh để nấm mốc, vi khuẩn xâm nhập làm nặng thêm các triệu chứng.

Lưu ý, nếu các cơn ho kéo dài trên 3 tuần và không có dấu hiệu thuyên giảm, xuất hiện thêm triệu chứng như giảm cân đột ngột, sốt, ho ra máu hoặc khó ngủ nên đến bệnh viện kiểm tra sớm nhất có thể.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn