Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi thọ của dân số thế giới đang tăng lên. Mọi quốc gia trên thế giới đều đang trải qua sự tăng trưởng cả về quy mô và tỷ lệ người cao tuổi trong dân số.
Đến năm 2030, cứ 6 người trên thế giới thì có 1 người trên 60 tuổi, Tổng dân số thế giới nhóm trên 69 tuổi có thể tăng lên tới 1,4 tỉ người. Đến năm 2050, dân số thế giới từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng lên khoảng 2,1 tỷ người. Số người từ 80 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần từ năm 2020 đến năm 2050, đạt 426 triệu người.
WHO nhận định, ở cấp độ sinh học, lão hóa dẫn đến sự suy giảm dần dần năng lực thể chất và tinh thần, nguy cơ mắc bệnh ngày càng tăng và cuối cùng là tử vong. Cùng với sự phát triển của người già là sự gia tăng các vấn đề sức khỏe liên quan đến lão hóa. Tiến sĩ Renuka Tipirneni, bác sĩ nội khoa và trợ lý giáo sư tại Khoa Y học tổng quát tại Đại học Michigan (Hoa Kỳ) cho biết, từ sau 50 tuổi, một số bệnh mãn tính thường bắt đầu xuất hiện. Các bệnh này xuất hiện và phát triển khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào di truyền, lối sống, chủng tộc và các yếu tố khác.
Theo một nghiên cứu năm 2017 của các nhà khoa học tại Israel và Hoa Kỳ, đăng trên tạp chí Frontiers in Public Health, thì có người trên 50 tuổi mắc phải nhiều bệnh nhưng cũng có người đã bước sang tuổi 80 mà khả năng thể chất và tinh thần vẫn trẻ khỏe như tuổi 30. Nghiên cứu cho biết: "62% người Mỹ trên 65 tuổi mắc nhiều hơn một bệnh mãn tính và tỷ lệ mắc nhiều bệnh mãn tính đang tăng lên do dân số già đi, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cũng ngày càng tăng".
Các bệnh phổ biến ở người lớn tuổi bao gồm mất thính giác, đục thủy tinh thể và tật khúc xạ, đau lưng và cổ và viêm xương khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tiểu đường, trầm cảm, mất trí nhớ. Khi mọi người già đi, họ có nhiều khả năng gặp phải một số bệnh cùng một lúc.
1. Huyết áp cao
Theo Blue Cross Blue Shield (Hiệp hội Chữ thập Xanh), hơn 70 triệu người Mỹ bị huyết áp cao hoặc tăng huyết áp. Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ, đau tim, bệnh thận và các vấn đề khác có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh trở nên phổ biến hơn ở những người trên 60 tuổi bởi ở tuổi này, các mạch máu trở nên kém đàn hồi hơn.
Nghiên cứu trên Frontiers in Public Health cho biết: "Tăng huyết áp, nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch, là bệnh mãn tính phổ biến nhất ở người lớn tuổi và có liên quan đến tỷ lệ tử vong".
Các chuyên gia y tế tại bệnh viện Mayo Clinic (tại Hoa Kỳ) khuyên những người từ 40 tuổi trở lên nên kiểm tra huyết áp ít nhất hàng năm. Nếu bạn bị tăng huyết áp, có thể bạn nên kiểm tra thường xuyên hơn theo hướng dẫn của bác sĩ.
2. Cholesterol cao
Theo nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Public Health, bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở người lớn tuổi, mặc dù tỷ lệ tử vong đã giảm trong 20 năm qua.
Cholesterol cao có thể dẫn đến xơ vữa động mạch và tắc nghẽn mạch máu nếu không được điều trị. Nghiên cứu cho biết xơ vữa động mạch gây viêm và những thay đổi mạch máu khác làm tăng nguy cơ biến cố tim, mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên, suy giảm nhận thức và tổn thương các cơ quan khác.
Cholesterol cao có thể được kiểm soát thông qua thay đổi lối sống và dùng thuốc.
3. Viêm khớp
Trong kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Frontiers in Public Health, các tác giả tại Israel và Hoa Kỳ kết luận rằng, viêm xương là tình trạng mãn tính phổ biến thứ hai ở người lớn tuổi ở Mỹ và là nguyên nhân phổ biến gây đau mãn tính cũng như tàn tật. Nghiên cứu cho biết khoảng 52% người 85 tuổi mắc bệnh và phụ nữ có tỉ lệ mắc cao hơn nam giới.
Tiến sĩ Renuka Tipirneni gọi viêm khớp là loại bệnh "hao mòn". Cô ấy nói thêm: "Bệnh có thể rất trầm trọng ngay cả với bệnh nhân chưa đến 50 tuổi". Béo phì là một yếu tố nguy cơ của thoái hóa khớp. Tỷ lệ viêm khớp hông và khớp gối nghiêm trọng tăng lên khi bệnh nhân già đi.
4. Bệnh tiểu đường
Tỷ lệ bệnh tiểu đường ngày càng tăng khi dân số già đi và trở nên thừa cân hơn. Đây là kết luận của một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Public Health. Bệnh tiểu đường có liên quan đến các biến chứng bao gồm bệnh động mạch ngoại vi và bệnh thần kinh ngoại vi. Căn bệnh này khi phát ra biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến gây loét và phải cắt cụt chi.
Ở giai đoạn sớm nhất, bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát bằng những thay đổi trong lối sống. Kate Lorig, giáo sư danh dự tại Trường Y khoa Đại học Stanford và là đối tác tại Trung tâm Tài nguyên Tự quản lý cho biết: Đôi khi chúng ta cũng cần thêm một số loại thuốc để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
5. Loãng xương
Lão hóa dẫn đến mất mật độ xương ở cả nam và nữ giảm đi, thường gặp nhất là sau tuổi 50 thường gặp phải tình trạng này nhất. Với phụ nữ, đây là thời kỳ mãn kinh, cơ chế sản xuất hormone bị ảnh hưởng nên người phụ nữ càng có nguy cơ loãng xương cao hơn.
Tiến sĩ Lucy McBride, bác sĩ nội khoa tại Washington cho biết: "Khi bạn ngừng sản xuất estrogen ở thời kì mãn kinh, mật độ xương của bạn thường giảm xuống". Theo các chuyên gia tại Mayo Clinic, phụ nữ được chẩn đoán mãn kinh trung bình ở tuổi 51. Còn theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, khoảng 20% phụ nữ trên 50 tuổi bị loãng xương. Theo nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Public Health, chứng loãng xương có liên quan đến tỷ lệ gãy xương gia tăng.
Theo WHO, môi trường vật chất và xã hội có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hoặc tác động đến hành vi sức khỏe của con người. Duy trì các hành vi lành mạnh trong suốt cuộc đời, đặc biệt là ăn một chế độ ăn uống cân bằng, tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên, không sử dụng thuốc lá... đều góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, cải thiện năng lực thể chất lẫn tinh thần, làm chậm sự lão hóa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn