Chị Nguyễn Huyền là mẹ của bé Bơ (tên thật là Thành Long). Năm nay bé hơn 3 tuổi. Nhận xét về con trai của mình, chị Huyền cho biết, đó là một cậu bé hay cười, nhanh nhẹn, luôn hiếu kỳ với mọi thứ xung quanh. Con cũng không tránh được những lúc bất ổn tâm lý ở các tuần khủng hoảng. Tuy nhiên, nhiều lần chơi với con, mẹ trẻ bỗng cảm thấy lo lắng khi con trai mình đang nhạy cảm quá mức.
Chị chia sẻ: "Con có khi chăm chú nhìn thật lâu một em bé đang khóc và tự hỏi tại sao. Có khi con lại để ý một người đang ngồi một mình mà không chơi cùng những người khác. Lúc 2 tuổi, con còn dễ khóc khi người lớn nói to, dù đó là vì giọng của người đó to chứ không phải đang mắng con. Hay con buồn khi bị cô mắng, con trầm hơn nếu buổi học có gì khiến con không vui... Và mình từng thoáng lo lắng rằng, liệu con có nhạy cảm quá, yếu đuối quá không. Mình thật sự không muốn con dễ xúc động giống mình, dễ "mít ướt" như mình".
Trước đây mỗi lần con khóc, chị Huyền đều sử dụng những câu cửa miệng ra lệnh như: "Con nín ngay", "con trai mà khóc nhè à", "nín đi tí mẹ cho cái này"... Nhưng chị nhận thấy rằng những cách đó càng khiến con khóc to hơn, mè nheo hơn. Cuối cùng mẹ trẻ quyết định quan sát con thật lâu để tìm ra cách giúp con vượt qua cảm xúc tiêu cực. Chỉ khi con là một cậu bé vui vẻ, con mới mạnh mẽ, hoạt bát và hạnh phúc.
Những lần cùng con ra ngoài, quan sát khi con tương tác với bạn khác, chị Huyền hiểu, con không yếu đuối. Con thậm chí còn rất dũng cảm, biết "đòi quyền lợi", biết nhắc nhở khi người khác không tuân thủ quy tắc. Mẹ trẻ nhận thấy chỉ là con chưa biết cách vượt qua những cảm xúc trầm của mình mà thôi. Vì thế chị đã áp dụng quy tắc 5 điều cải thiện tâm trạng của bé:
Ví dụ như sáng nay, khi con bảo không muốn đến lớp vì cô mắng con, mình thay vì nghĩ hay phán xét "chắc con làm gì sai đúng không?", mình - với một thái độ bình thường hỏi "thế à, cô mắng như thế nào?" để nghe được sâu hơn câu chuyện của con. Mình biết có rất nhiều người lớn tin tưởng thầy cô, bạn bè, người ngoài hơn là con của họ. Một em bé về kể với mẹ rằng "con bị cô đánh", người mẹ ngay lập tức phớt lờ "chắc lại làm gì sai chứ gì, lại phạm lỗi chứ gì"… mà chẳng kịp để con nói. Nhưng bằng câu này, chúng ta đã vô tình khiến con "không muốn kể tiếp".
Khi con đã thuật lại lời cô mắng, mình sẽ hỏi cảm xúc của con. Bơ được gợi mở cách diễn đạt cảm xúc từ lúc 2 tuổi nên đến giờ, con đã biết bày tỏ khá rõ ràng những cảm xúc cơ bản: giận, buồn, vui, sợ, thích thú, lo lắng, đau. Khoa học về gắn kết và tâm lý học tích cực cho thấy dù là cảm xúc nào cũng đều quan trọng như nhau, cần thiết như nhau, việc nhận diện và gọi tên cảm xúc chính là bước đầu để vượt qua cảm xúc tiêu cực. Bởi chỉ khi nhận diện được điều gì đang diễn ra bên trong, ta mới biết được nguyên nhân và cách để vượt qua nó. Như trong tình huống con bị cô mắng, mình hỏi thì con bảo "con buồn", mình hỏi con có sợ không, con bảo có.
Có lần Bơ bảo Bơ giận mẹ đấy (vì mẹ mắng), khi được hỏi thế con giận có nhiều không, câu trả lời của con từ "giận rất to" đến "còn một tí thôi", rồi dần dần là "Bơ thích chơi cùng mẹ". Mình đã nhắc lại để con nhận ra rằng con đã lớn hơn rồi, con biết là mình đang giận và dần dần không còn giận mẹ nữa, khi con giận, con có thể không muốn chơi cùng mẹ, không sao cả, khi hết giận, con lại thích chơi cùng mẹ. Cảm xúc cứ đến rồi đi, nếu cảm thấy giận, khó chịu, con cứ nói, bố mẹ sẽ đồng hành cùng con.
Chính là khi mình giúp con hiểu cảm xúc tiêu cực cũng không phải là xấu, là khi cho con biết bố mẹ luôn bên con. "Bố mẹ sẽ đồng hành cùng em, bố mẹ luôn bên em nhé" là câu mình luôn lặp lại mỗi giờ con ngủ, mỗi khi con có cảm xúc tiêu cực, lo lắng hay sợ hãi.
Đây có lẽ là bước khó nhất với bố mẹ, bởi nhiều khi chúng ta vì nóng vội, lo lắng mà sốt ruột muốn con phải thay đổi ngay, phải tốt lên ngay, phải dừng ngay những hành động, suy nghĩ tiêu cực. Tuy vậy, những gì thuộc về suy nghĩ, cảm xúc, thói quen tốt quả thật cần rất nhiều thời gian để xây dựng. Ngay cả với người lớn, để thiết lập một thói quen, để học cách bình tĩnh, biết giải tỏa cơn giận cũng cần học, thực hành, quan sát, huống gì với trẻ, con chỉ đang học cách làm quen với thế giới này mà thôi.
Đã có lần vì bị bạn đánh mà về nhà trông con ỉu xìu. Mình biết có chuyện gì đó nhưng gặng hỏi thì con không kể, hoặc chỉ nói là con vui dù vẻ mặt con thì không. Nhưng khi mình mở lời "nếu có chuyện gì, dù vui hay buồn, hãy cứ kể với bố mẹ nhé, bố mẹ cũng muốn nghe chuyện của con và sẽ đồng hành cùng con", và kiên nhẫn đợi con tự kể thì con dần mở lòng hơn.
Hiện tại, con không còn giấu giếm mỗi khi có chuyện không vui mà thoải mái chia sẻ về các hoạt động quanh con, những câu chuyện ở nhà, ở trường, chuyện về bạn bè con.
Việc nói ra được những cảm xúc tiêu cực như buồn, giận, lo lắng giúp con vượt qua nó một cách nhẹ nhàng hơn. Cũng có khi con vùng vằng, mếu máo nhưng thay vì la hét liên tục, ăn vạ hay gào khóc thật lâu thì con biết diễn tả bằng lời nói và nhanh lấy lại bình tĩnh hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn