Đối với bất kỳ mối quan hệ nào, nhận được sự yêu quý, thiện cảm của đối phương luôn khiến chúng ta thấy tự tin hơn. Trừ thời gian ngủ và nghỉ ngơi, có thể nói công sở chính là nơi ta dành thời gian nhiều nhất. Đây là nơi khó tránh khỏi những va chạm hay bất đồng quan điểm với cả cấp trên và đồng nghiệp.
Có được sự quý mến của cấp trên sẽ là một trong những điểm cộng, giúp công việc thêm phần thuận lợi. Một chút tinh ý trong tác phong làm việc và khéo léo trong ứng xử, bạn sẽ trở thành nhân viên được sếp yêu quý mà không cần chiêu trò nịnh nọt.
Đi làm sớm
Theo nghiên cứu của Michael G. Foster tại Trường kinh doanh của Đại học Washington (Mỹ), người lao động đến văn phòng làm việc sớm sẽ được cấp trên nhìn nhận, đánh giá tích cực hơn người hay đến muộn.
Giữa cấp trên và nhân viên hay giữa nhân viên với nhau có thể có sự thoải mái, thân thiện như những người bạn, người anh em song cần nhớ, mục đích chính ta đến công sở là để làm việc. Luôn cần có sự chuyên nghiệp ở nơi đây. Hãy đi làm sớm một chút để luôn đảm bảo khởi đầu ngày mới diễn ra trong suôn sẻ, không vội vàng.
Hỏi xin tư vấn
Nhiều người nghĩ rằng việc hỏi ý kiến, xin tư vấn từ cấp trên sẽ khiến bạn trở nên ngốc nghếch song sự thật không phải vậy. Nghiên cứu từ Trường kinh doanh của Đại học Havard cho thấy việc được hỏi ý kiến, xin tư vấn sẽ khiến đối phương cảm thấy bạn là người có năng lực, có tinh thần cầu thị. Người lãnh đạo nào cũng muốn có được những người nhân viên ham học hỏi, luôn hứng thú với điều mới mẻ.
Đáp ứng điều sếp cần
Hãy để ý xem cấp trên của bạn quan tâm đến nhất điều gì và tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu ấy.
Dave Kerpen, CEO và nhà sáng lập của công ty phần mềm Likable Local, đã lấy ví dụ về việc ông không quan tâm nhiều đến việc giờ giấc của nhân viên. Họ có thể đi muộn, về sớm hay thậm chí không xuất hiện ở văn phòng làm việc, miễn là mỗi sáng thứ 2 họ có thể đặt trên bàn ông bản báo cáo mà ông muốn.
Mỗi người lãnh đạo sẽ có những phong cách làm việc khác nhau và chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ biết điều sếp mình thực sự cần.
Nói lời cảm ơn
Lời cảm ơn thể hiện sự trân trọng, biết ơn ta dành cho đối phương song trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cho rằng lời cảm ơn khá khó để nói ra hay thừa thãi. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Nam California cho biết, việc nhắn nhủ lời cảm ơn hay phản hồi lại thông tin từ cấp trên (thậm chí cả tiêu cực) sẽ giúp bạn giành được cảm tình dễ dàng hơn.
Phản hồi ý kiến của đối phương cũng là một trong những quy tắc giao tiếp cơ bản song không phải ai cũng nắm được hay làm được. Đừng bao giờ nhận được email, tin nhắn hay đoạn chat mà không trả lời. Bất kể câu trả lời là có hay không, đồng ý hay phản đối, có thể tham gia hay không, hãy nhắn để đối phương biết được suy nghĩ của bạn.
Nói ra ý kiến của mình
Jenna Lyons, chủ tịch và giám đốc sáng tạo của J. Crew Group, chia sẻ rằng bà muốn tất cả mọi người chia sẻ ý kiến của mình khi cùng suy nghĩ về một vấn đề. Việc mọi người giữ im lặng khiến bà cảm nhận rằng có thể họ không hề muốn tham gia vào cuộc đối thoại.
Bà Lyons cũng cho rằng nhiều người đã sai lầm khi sợ rằng việc mình đưa ra ý kiến nào đó có thể khiến bản thân trở nên thật ngốc nghếch. Khi bạn không chia sẻ, bạn sẽ không thể biết được đó có phải là ý tưởng tuyệt vời hay không. Đừng ngại nói ra suy nghĩ của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn