Thạc sĩ Lưu Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, loại cục máu đông này có thể sẽ vỡ ra thành các cục nhỏ hơn, di chuyển khắp cơ thể, làm chặn các dòng máu đến các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Nếu cục máu đông ngăn chặn dòng máu đến các cơ quan quan trọng, có thể sẽ gây tử vong.
Bất cứ ai cũng có thể có nguy cơ hình thành cục máu đông. Có khoảng 80% số người sẽ phát triển cục máu đông ở chân (còn được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu) nếu có ít nhất một hoặc nhiều các yếu tố nguy cơ dưới đây:
Yếu tố di truyền và tuổi: Bất cứ giới tính nào cũng có thể phát triển cục máu đông. Người da đen, người cao tuổi, người có các nhóm máu A, B, AB và những người có một số đột biến gen nhất định hoặc di truyền các thiếu hụt về protein sẽ dễ phát triển cục máu đông hơn.
Mang thai và sinh đẻ: Những người mang thai hoặc mới sinh đẻ gần đây sẽ có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng cơ thể sẽ tăng khả năng đông máu như một cơ chế bảo vệ trước tình trạng mất quá nhiều máu trong khi sinh.
Sử dụng các biện pháp tránh thai có chứa hormone: Thuốc tránh thai có chứa hormone có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân hoặc trong phổi lên từ 3-9 lần. Một số biện pháp trị liệu sử dụng estrogen và progestin ở những người chuyển giới và mãn kinh cũng có thể gây cục máu đông. Sử dụng những biện pháp này càng lâu, nguy cơ hình thành cục máu đông sẽ càng tăng lên.
Phẫu thuật: Bất cứ loại phẫu thuật nào cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, nguy cơ sẽ tăng cao hơn nếu phẫu thuật kéo dài hoặc bạn bị hôn mê trong thời gian dài hoặc nếu bạn là người cao tuổi, có tiền sử hình thành cục máu đông.
Chấn thương: Bất cứ chấn thương nào với cơ thể cũng sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Ở những người bị hạ huyết áp, suy tim tắc nghẽn hoặc gãy xương chậu, nguy cơ hình thành cục máu đông sẽ cao hơn trong vòng 48 giờ sau chấn thương.
Có tiền sử hình thành cục máu đông: Nếu bạn đã từng bị hình thành cục máu đông trước đây, bạn sẽ có nhiều khả năng hình thành cục máu đông hơn.
Du lịch: Nếu bạn đi du lịch và cần có một chuyến bay dài hoặc phải ngồi tàu hỏa trong thời gian dài, nguy cơ hình thành cục máu đông cũng tăng từ 2 đến 4 lần.
Duy trì cân nặng: Thừa cân béo phì có liên quan sẽ làm tăng áp lực bên trong ổ bụng, khiến bạn ít vận động hơn và gây viêm kéo dài trong cơ thể. Tất cả những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Hãy nói chuyện với bác sĩ về các cách giảm cân lành mạnh, nếu cần.
Tích cực vận động: Thường xuyên luyện tập thể thao sẽ làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Nếu bạn từng ít vận động trong một thời gian dài, thì hoạt động ở mức độ vừa hoặc nhẹ có thể là lựa chọn tốt hơn việc vận động mạnh. Nếu bạn không chắc chắn về mức độ hoạt động nào là phù hợp với bạn, bạn có thể trao đổi với bác sĩ.
Uống đủ nước: Mất nước sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Do vậy, việc uống nhiều nước mỗi ngày rất quan trọng, đặc biệt là nếu bạn có các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông khác.
Không ngồi quá nhiều: Nếu tính chất công việc của bạn yêu cầu bạn cần phải ngồi trong một thời gian dài, thì việc thường xuyên đứng lên đi lại là một việc vô cùng quan trọng để dự phòng hình thành cục máu đông. Theo CDC Hoa Kỳ, bạn nên đứng dậy, kéo dãn bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân. Cố gắng đứng lên di chuyển 2-3 tiếng một lần.
Hạn chế dùng muối: Đây có thể là yếu tố then chốt trong việc dự phòng hình thành cục máu đông. Quá ít hoặc quá nhiều muối đều có thể dẫn đến việc hình thành cục máu đông.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn