5 cách phòng tránh lây nhiễm từ người bệnh viêm phế quản

15:47 | 14/03/2020;
Viêm phế quản có lây không? Viêm phế quản lây qua đường nào? Theo các chuyên gia cho biết, viêm phế quản là bệnh lý xảy ra do cơ thể bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, bên cạnh đó có thể là do một số lý do khác.

Viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp có tỷ lệ mắc phổ biến trong cộng đồng hiện nay. Tổn thường đặc trưng của bệnh là sự viêm nhiễm của niêm mạc phế quản của người bệnh. Bệnh viêm phế quản có thể xảy ra đột ngột, cấp tính nhưng cũng có thể kéo dài dai dẳng, mãn tính.

Tuy nhiên, hầu hết chúng ta lại chưa nắm rõ được các thông tin cụ thể về bệnh, dẫn đến tồn tại rất nhiều thắc mắc về bệnh viêm phế quản. Trong đó, vấn đề được quan tâm hàng đầu chính là viêm phế quản có lây được không?

1. Viêm phế quản có lây được không?

Trước khi đi tìm hiểu về vấn đề viêm phế quản có lây được không, ta hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân gây viêm phế quản thường gặp.

Chúng ta cần biết rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau có khả năng gây nên viêm phế quản cấp như hóa chất, bụi, các yếu tố nghề nghiệp, các loại vi sinh vật gây bệnh (virus, vi khuẩn),... Trong đó, vi sinh vật là nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản được biết đến phổ biến nhất, và virus được ghi nhận là hung thủ chịu trách nhiệm cho hơn 90% ca bệnh viêm phế quản.

Khi bị mắc viêm phế quản do vi virus hay vi khuẩn, những tác nhân gây bệnh này có thể dễ dàng tồn tại trong các loại dịch tiết của bệnh nhân như nước mũi, nước bọt, đờm nhầy,... và lan ra ngoài môi trường thông qua các phản xạ của người bệnh như ho, hắt xì, hoặc nói chuyện.

Mầm bệnh có trong môi trường do người bệnh đào thải ra có khả năng xâm nhập vào các cơ thể lành, phát triển và gây bệnh. Hai con đường chính để tác nhân gây bệnh di chuyển từ bệnh nhân sang người lành là do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (giao tiếp, hít phải dịch tiết,...), hoặc thông qua các vật dụng trung gian (ly uống nước, khăn tắm, khăn mặt, bàn chải,...)

Do vậy, với câu hỏi viêm phế quản có lây được không thì cầu trả lời là hoàn toàn có khả năng này, thậm chí tỷ lệ lây lan của viêm phế quản là khá cao nếu không được kiểm soát tốt.

2. Phòng tránh lây nhiễm viêm phế quản như thế nào?

Do nguy cơ lây nhiễm viêm phế quản từ người bệnh sang người lành là rất lớn, vì vậy dự phòng lây nhiễm viêm phế quản trong cộng đồng luôn là một nội dung quan trọng.

Để dự phòng lây nhiễm viêm phế quản từ người bệnh, có thể thực hiện một số biện pháp dự phòng như sau:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh: Viêm phế quản có thể lây dễ dàng từ người sang người thông qua sự tiếp xúc trực tiếp giữ người bệnh nhờ các loại dịch tiết của người bệnh. Do đó, để phòng tránh viêm phế quản lây nhiễm hiệu quả, cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Nếu yêu cầu tiếp xúc trực tiếp, hãy sử dụng các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang,...

Ảnh 3.

Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh (Ảnh: Internet)

- Xử lý tốt các chất tiết của người bệnh: Xử lý tốt các chất tiết của người bệnh bao gồm nước bọt, nước mũi, đờm,... là một nội dung quan trọng trong phòng chống lây nhiễm viêm phế quản. Các loại vật dụng có thể dính chất tiết của bệnh nhân cũng là những vật dụng cần được xử lý tốt trước khi sử dụng cho người lành.

- Tăng cường sức khỏe bản thân: Tăng cường sức khỏe của bản thân là một trong các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm viêm phế quản hiệu quả. Hãy tự tạo cho bản thân một chế độ dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên và nghỉ ngơi đầy đủ để luôn luôn khỏe mạnh hơn.

Ảnh 4.

Tăng cường sức khỏe bản thân với chế độ ăn uống lành mạnh (Ảnh: Internet)

- Tiêm phòng cúm: Do nguyên nhân gây viêm phế quản chủ yếu là virus, do vậy nên chủ động tiêm phòng cúm để giúp cơ thể có miễn dịch chủ động với tác nhân gây bệnh là virus, từ đó hạn chế nguy cơ lây nhiễm viêm phế quản.

  • Tham khảo thêm

    Tìm hiểu chung về tiêm phòng virus cúm

- Thăm khám sớm khi có triệu chứng của bệnh: Cần tiến hành thăm khám và chẩn đoán sớm ngay khi có các triệu chứng của bệnh (ho, sốt, đau ngực, khó thở,...) để được điều trị kịp thời bằng các phương pháp thích hợp.

Do vậy có thể khẳng định rằng, với câu hỏi viêm phế quản lây nhiễm được không thì câu trả lời chắc chắn là có. Tuy nhiên nếu có biện pháp dự phòng chủ động thì chúng ta hoàn toàn có thể làm giảm tỷ lệ nguy cơ lây nhiễm đến mức thấp nhất.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn