Cảm cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy... là một vài bệnh lý thường gặp và dễ lây lan ở trẻ. Mặc dù bị ốm cũng là cách để trẻ "tích lũy miễn dịch" nhưng có nhiều cách cha mẹ có thể thực hiện để tăng cường hàng rào đề kháng này, giúp trẻ khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ tiến triển nghiêm trọng khi mắc bệnh cũng như giảm thời gian phục hồi nếu nhiễm bệnh.
Trẻ có hệ miễn dịch yếu thường có các dấu hiệu như: trẻ hay bị nhiễm trùng, nhiễm trùng kéo dài hoặc khó chữa lành, mệt mỏi thường xuyên, rối loạn tiêu hóa, tăng cân không giải thích được hoặc sụt cân và phát ban da. Nếu nhận thấy các dấu hiệu này, nên đưa trẻ đến bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn cụ thể.
Theo Parents, dưới đây là 5 thay đổi nhỏ giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ có thể tham khảo:
Chế độ dinh dưỡng luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe tổng thể. Theo đó, để tăng cường miễn dịch cho trẻ, cha mẹ cần:
- Bổ sung nhiều trái cây và rau củ "màu sắc" hơn
Tiến sĩ William Sears, tác giả của The Family Nutrition Book, cho biết các loại thực phẩm có màu sắc rực rỡ như cà rốt, dâu tây, kiwi, việt quất, rau có lá màu xanh đậm, nho, ớt chuông, bông cải xanh... giàu các hợp chất thực vật có đặc tính chống oxy hóa, chẳng hạn như carotenoid, anthocyanin, flavonoid, resveratrol...
Các hợp chất này đã được chứng minh có tác dụng chống lại các gốc tự do gây tổn thương cho tế bào dẫn tới bệnh tật và thúc đẩy tăng cường miễn dịch hiệu quả nhờ khả năng tăng thúc đẩy sản xuất tế bào bạch cầu chống lại các nhiễm trùng và interferon của cơ thể (hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể chống lại virus và sự phát triển bất thường của tế bào).
Nghiên cứu năm 2021 trên NCBI cũng cho thấy, chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có thể bảo vệ chống lại các bệnh mãn tính như ung thư và bệnh tim ở tuổi trưởng thành.
Theo đó, hãy cố gắng cho trẻ ăn khoảng 5 khẩu phần trái cây và rau củ mỗi ngày. Nhưng cần lưu ý rằng, không phải trẻ ăn càng nhiều càng tốt mà cần bổ sung một cách hợp lý.
- Bổ sung thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch
Ngoài rau củ và trái cây, theo WebMD, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm 4 loại thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ bao gồm:
+ Sữa chua: Sữa chua chứa các vi khuẩn có lợi được gọi là probiotic. Những sinh vật này sống trong ruột của trẻ và có thể cải thiện cách cơ thể sử dụng thức ăn. Nhưng chúng cũng quan trọng trong việc giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Một nghiên cứu cho thấy trẻ em uống sữa chua có nguy cơ mắc cảm lạnh, nhiễm trùng tai và viêm họng liên cầu khuẩn thấp hơn 19% so với nhóm trẻ không có thói quen này.
+ Óc chó: Óc chó giàu axit béo omega-3 tốt cho cơ thể của trẻ theo nhiều cách. Một nghiên cứu nhỏ cho thấy omega-3 làm giảm số lượng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em.
+ Thịt nạc: Thịt nạc giàu protein là một thành phần rất quan trọng để duy trì sức mạnh. Thứ hai, thịt nạc cũng chứa kẽm, cần thiết để giúp các tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng.
+ Vitamin D từ các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá mòi hay lòng đỏ trứng... Vitamin D là một dưỡng chất thiết yếu cho hoạt động của hệ miễn dịch. Bao gồm việc thúc đẩy phản ứng miễn dịch bằng cách tăng cường chức năng của tế bào miễn dịch, như tế bào T và đại thực bào. Bên cạnh đó, vitamin D còn giúp tăng cường phản ứng miễn dịch qua đặc tính kháng viêm, điều hòa miễn dịch và chức năng kích hoạt sự phòng thủ của hệ miễn dịch.
- Chế độ ăn cần bằng, đầy đủ nhóm chất
Các chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch của cơ thể là: chất đạm, vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, selen, sắt, kẽm, flavonoid và omega 3. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần đa dạng thực phẩm sao cho đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm chất bao gồm: nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và chất khoáng trong bữa ăn của trẻ.
Thiếu ngủ có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn do tế bào tiêu diệt tự nhiên (Natural killer cell) hay còn gọi là tế bào NK bị suy giảm dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng cao hơn với các bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp trên, suy giảm miễn dịch đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển thần kinh và thể chất của trẻ.
Tế bào tiêu diệt tự nhiên là một bạch huyết bào trong hệ miễn dịch tự nhiên, có khả năng phản ứng nhanh với các tế bào nhiễm virus và tế bào dị biệt bao gồm các tế bào có khả năng hình thành ung thư.
Trẻ ngủ bao lâu là đủ? Ở mỗi một độ tuổi thì thời gian ngủ cần thiết ở trẻ là khác nhau. Nhưng nhìn chung, trẻ 1 - 2 tuổi cần ngủ 11 - 14 giờ (bao gồm cả giấc ngủ trưa), và trẻ 3 - 5 tuổi cần ngủ 10 - 13 giờ (bao gồm cả giấc ngủ trưa) trong cả ngày 24 giờ. Nếu trẻ gặp khó khăn khi ngủ sớm ban đêm, cha mẹ có thể cân nhắc cho trẻ ngủ ít hơn vào buổi trưa.
Thời buổi hiện đại, nhiều trẻ có xu hướng xem ti vi, xem điện thoại và ít vận động hơn - chính điều này góp phần làm suy giảm sức đề kháng ở trẻ, khiến trẻ yếu ớt hơn và dễ nhiễm bệnh do miễn dịch kém.
Ngược lại, vận động thường xuyên có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, qua đó giúp nâng cao sức đề kháng của trẻ. Khi trẻ hoạt động, cơ thể sẽ tăng cường sản xuất các tế bào miễn dịch và phát triển hệ miễn dịch một cách tự nhiên đồng thời thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu. Điều này giúp trẻ có khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn. Ngoài ra, vận động cũng giúp trẻ phát triển cơ bắp, cải thiện sức mạnh và sự dẻo dai cũng như hỗ trợ sức khỏe tinh thần và giảm stress.
Tùy từng độ tuổi mà cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ thử sức với các môn thể thao sức bền như bơi lội, chạy bộ hoặc võ thuật, múa, khiêu vũ, bóng rổ, cầu lông, đạp xe... Lưu ý, cần bổ sung đủ nước cho trẻ khi hoạt động ngoài trời, tránh nguy cơ mất nước ảnh hưởng tới sức khỏe.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay thường xuyên đặc biệt quan trọng, ngay cả khi trẻ ở trường học.
Khi bàn tay bị bẩn, trẻ em rất dễ bị nhiễm vi sinh vật và các vi khuẩn gây bệnh như: tiêu chảy, lỵ, thương hàn, tay - chân - miệng, giun sán, cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm khác. Rửa tay sạch sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn và virus có hại từ tay, qua đó giảm nguy cơ trẻ mắc phải các bệnh truyền nhiễm. Rửa tay thường xuyên cũng giúp ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh từ trẻ này sang trẻ khác.
Quy trình rửa tay thường quy bao gồm:
- Bước 1: Làm ướt bàn tay bằng nước, lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau
- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.
- Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
- Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng vào các thời điểm quan trọng như: Sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đùa ngoài trời, sau khi hắt hơi, sổ mũi, trước khi vào bữa ăn hay trước khi chế biến đồ ăn, sau khi thay đồ và tiếp xúc với người bệnh.
Thật may mắn rằng hệ thống tiêm chủng phát triển, khi trẻ được tiêm phòng đầy đủ sẽ giúp tăng cường tối đa khả năng phòng ngừa bệnh tật.
Qua việc tiêm vaccine, trẻ sẽ phát triển được kháng thể mà không cần phải tích lũy thông qua việc bị ốm, giúp hệ miễn dịch của trẻ nhận biết và tiêu diệt nhanh chóng các mầm bệnh tương ứng nếu sau này tiếp xúc chẳng hạn như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não, viêm não, thủy đậu, sởi, quai bị....
Điều này làm giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu trẻ vẫn mắc phải, và cũng góp phần bảo vệ cộng đồng bằng cách giảm sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.
Ngoài 5 cách giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ kể trên, cha mẹ cũng nên thận trọng khi sử dụng kháng sinh nếu trẻ bị ốm; không nên tự ý cho trẻ uống vitamin và khoáng chất dưới dạng thực phẩm bổ sung khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn