Thời điểm Giáng sinh và năm mới cận kề là khoảng thời gian mà hầu hết chúng ta đều mong chờ. Tuy nhiên, với một số người, đây lại là thời điểm buồn tủi và cô đơn nhất trong năm. Với một gia đình đã có sẵn khó khăn tài chính hay xung đột tình cảm, ngày lễ có thể làm các vấn đề này thêm trầm trọng. Việc lựa chọn quà cáp để biếu họ hàng gia đình đôi khi cũng trở thành gánh nặng trong mắt nhiều người.
Những nghiên cứu gần đây đều cho thấy các vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng đáng kể vào dịp lễ.
Chúng ta đang ưu tiên và không ưu tiên điều gì?
Trong các dịp nghỉ lễ, dù muốn hay không, đôi khi ta cũng bị cuốn vào các cuộc chơi và tiệc tùng liên miên cùng bạn bè. Tần suất diễn ra quá dồn dập khiến ta không có nhiều thời gian để ngồi xuống chất vấn với bản thân và nhận diện các vấn đề tinh thần mình gặp phải.
Đối với người có sẵn các chứng rối loạn lo âu, mỗi dịp tụ tập lễ Tết có thể chẳng mấy vui vẻ, hào hứng. Trong các cuộc khảo sát trên mạng, có khoảng 38-70% người báo cáo mức độ lo âu tăng cao hơn trong các dịp lễ.
Tuy nhiên, có một số phương pháp bạn có thể chủ động áp dụng để bảo vệ sức khỏe tinh thần ngay cả trong những kỳ nghỉ lễ bận rộn nhất. Dưới đây là 5 cách để duy trì sức khỏe tinh thần của bạn:
1. Đặt mục tiêu cho các kỳ nghỉ
Trước khi lên kế hoạch cụ thể cho các kỳ nghỉ lễ, bạn hãy dành một khoảng thời gian tự hỏi bản thân rằng bạn muốn tận hưởng kỳ nghỉ này như thế nào. Bạn muốn dành toàn bộ thời gian cho gia đình? Bạn muốn có một kỳ nghỉ lễ yên bình, không làm gì quá khác biệt so với thường ngày? Hay bạn muốn tổ chức một bữa tiệc linh đình để mọi người quây quần bên nhau?
Nếu mục tiêu của bạn là dành toàn bộ thời gian cho gia đình, thay vì đi chơi với bạn bè, bạn có thể ở nhà trang trí nhà cửa, nấu những món ăn ngon cùng người thân yêu. Còn nếu mục tiêu của bạn là tổ chức một buổi họp mặt lớn, bạn có thể từ chối lời mời khác để hoàn toàn tập trung chuẩn bị cho bữa tiệc.
Việc xác định rõ ràng mục tiêu sẽ giúp bạn lên danh sách những việc nên và không nên làm. Tất nhiên đôi khi sẽ xảy ra trường hợp bất khả kháng buộc bạn phải phá vỡ lịch trình định sẵn. Tuy vậy, đặt mục tiêu cụ thể vẫn là một trong những cách để bạn hạn chế tối đa tình trạng “vỡ kế hoạch”.
2. Quản lý thời gian
Bạn tốn rất nhiều thì giờ để trang trí nhà cửa hay chuẩn bị đồ ăn, trong khi có thể bạn chỉ mất 3 tiếng để hoàn thiện tất cả. Vấn đề ở đây là chúng ta thường có tâm lý muốn làm thật nhiều việc một lúc, dẫn đến việc nào cũng không hiệu quả. Không xử lý gọn gàng công việc cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căng thẳng trong kỳ nghỉ lễ. Giải pháp cho vấn đề này là thiết lập một khoảng thời gian nhất định cho từng việc và có kế hoạch dự phòng khi thời gian đã hết mà vẫn chưa làm xong việc.
Nếu bạn thường dành ngày này qua ngày khác tại cửa hàng đồ lưu niệm để lựa chọn món quà cho người thân yêu, hãy thử đặt thử thách hoàn thiện mọi thứ trong 2 giờ. Bạn không nhất thiết phải dành trọn 2 giờ đi vòng quanh cửa hàng, hãy tận dụng sức mạnh công nghệ. Chẳng hạn, bạn lên trang web của cửa hàng và dành 1 giờ để tìm kiếm món đồ mình thích. Khi đã xác định món quà bạn sẽ mua, bạn đến trực tiếp cửa hàng, dành 1 giờ để đánh giá chất lượng thực sự của sản phẩm và quyết định có nên mua hay không, cũng như nhìn ngắm thêm một số món.
Nếu trong vòng 1 giờ vẫn chưa thể chọn xong đồ mình thích thì bạn mua tạm món khác (kế hoạch dự phòng). Việc giới hạn bản thân trong một khoảng thời gian nhất định giúp bạn tập trung và thực hiện công việc đó một cách hiệu quả.
Bạn cũng có thể làm điều này cho các công việc khác, bên cạnh mua sắm. Ví dụ, đặt giới hạn về số giờ bạn dành ra để trang trí nhà cửa, nấu ăn. Cố gắng xử lý các công việc lặt vặt từng chút một, tránh để rơi vào tình trạng quá tải khi làm mọi thứ một lúc.
3. Lên kế hoạch cho các hoạt động lành mạnh
Lên kế hoạch cụ thể cho kỳ nghỉ giúp bạn tránh khỏi việc chồng chéo thời gian do phát sinh các hoạt động bên ngoài. Nhưng cũng đừng quên dành thời gian cho các thói quen lành mạnh giúp cơ thể luôn duy trì năng lượng tích cực, sẵn sàng đương đầu với căng thẳng. Những hoạt động đơn giản như xem các bộ phim yêu thích hay đọc một cuốn sách cũng giúp cải thiện tâm trạng rất nhiều.
4. Hạn chế các hoạt động không tốt cho sức khỏe tinh thần
Vào các ngày lễ, chúng ta thường có xu hướng buông lỏng bản thân bằng việc ăn uống quá nhiều hay chi tiêu quá mức, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Ví dụ, vào dịp lễ Tết, bạn muốn mua sắm quần áo thả ga vì nghĩ rằng một năm qua mình đã vất vả và đây là lúc để bù đắp. Sau đó bạn hối hận, cảm thấy quá áp lực vì hết tiền chi trả cho các chi phí sinh hoạt khác.
Hoặc bạn ăn quá nhiều đồ ngọt trong các buổi tụ tập khiến cơ thể uể oải, thiếu sức sống. Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt cũng làm tăng nguy cơ phát triển các chứng rối loạn sức khỏe.
Phía trên là hai ví dụ để minh họa cho thấy những “cạm bẫy” nghỉ lễ có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn ra sao. Nhưng kể cả khi bạn không ra ngoài thì áp lực vẫn xuất hiện trên mạng xã hội. Trong những kỳ nghỉ lễ nhàm chán, bạn không biết làm gì ngoài việc dành hàng giờ xem người khác làm gì trên mạng xã hội. Bạn tin rằng người khác đang tận hưởng một kỳ nghỉ lễ tuyệt vời, trong khi bạn “nhốt” mình trong phòng.
Vì vậy, hãy cảnh giác với những cám dỗ xung quanh. Bạn vẫn có thể ra ngoài mua đồ, ăn chơi, hoặc ở nhà lướt mạng, nhưng hãy giữ ở mức độ vừa phải.
5. Đừng quá áp lực về chuyện phải tạo ấn tượng tốt
Hiệu ứng nổi bật (Spotlight effect) hay hiệu ứng ánh đèn sân khấu dùng để mô tả hiện tượng tâm lý khi con người quá đề cao việc ai đó đánh giá thế nào về mình. Ví dụ bạn đứng trước đám đông và sợ rằng khán giả sẽ ghi nhớ, nhận diện tất cả mọi khuyết điểm bạn thể hiện trên sân khấu. Tương tự, trong những dịp lễ, mỗi khi tặng quà hay trang trí nhà cửa, bạn nghĩ mọi người sẽ đánh giá và ghi nhớ mọi công sức, thành ý của bạn. Để giảm bớt áp lực, hãy thử niệm một câu thần chú “Người ta sẽ không nhớ kỹ đến vậy đâu”.
Hãy hình dung đơn giản thế này, liệu có bao nhiêu người nhớ món quà bạn đã tặng họ vào năm ngoái? Liệu năm tới còn ai sẽ nhớ những món ăn bạn đã nấu ngày hôm nay? Giờ hãy thử áp dụng tư duy này cho hoạt động trang trí nhà. Nếu bạn tự ép mình phải trang trí thật hoàn hảo vào dịp Tết, hãy tự hỏi xem Tết năm ngoái hàng xóm đã trang trí nhà họ ra sao, có thể bạn không nhớ được. Vì vậy có khả năng là chỉ cần qua một năm thôi, sẽ rất ít người nhớ được năm nay bạn trang hoàng ngôi nhà cầu kỳ thế nào.
Bất cứ khi nào bạn gặp áp lực phải làm nhiều hơn để gây ấn tượng với người khác, hãy nhìn nhận tổng quan mọi việc bằng cách đặt câu hỏi trong sự tham chiếu với quá khứ, hiện tại, và tương lai. Điều này phần nào giúp bạn bớt nghiêm trọng hóa mọi thứ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn