Sáng 23/6, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ xác nhận tàu lặn Titan đã phát nổ dưới biển khiến 5 người có mặt thiệt mạng. Như vậy, sau 5 ngày mất tích, số phận của con tàu này đã sáng tỏ. Tuy nhiên, xung quanh vụ tai nạn đáng tiếc này vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.
Robot thám hiểm đã phát hiện nhiều mảnh vỡ của tàu Titan cách mặt biển hơn 3.000m. Chuẩn Đô đốc John Mauger của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết những mảnh vỡ trên phù hợp với một vụ nổ thảm khốc dưới áp suất cao.
Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến vụ nổ trên vẫn chưa được xác định. Trước mắt, cơ quan có thẩm quyền sẽ thu thập nhiều mảnh vỡ nhất có thể từ con tàu xấu số, từ đó dự đoán điều gì đã xảy ra.
Ngày 22/6, khoảng 2 ngày kể từ thời điểm tàu Titan mất tích, lực lượng cứu hộ được cho nghe thấy những tiếng động giống tiếng có người đang đập quanh khu vực mất tích. Một máy bay của Canada cũng phát hiện ra âm thanh này trong lúc tiến hành tìm kiếm.
Theo truyền thông Anh, âm thanh này được phát ra cách nhau 30 phút, kéo dài trong khoảng 2 ngày. Điều này làm dấy lên những hy vọng về việc 5 thành viên của tàu vẫn còn sống.
Đại úy Jamie Frederick của Lực lượng cứu hộ bờ biển Mỹ cho biết các chuyên gia đã nhanh chóng vào cuộc để xác định nguồn gốc của âm thanh. Tuy nhiên, ngày 22/6, Chuẩn Đô đốc cho biết âm thanh trên "không có bất kỳ liên hệ nào với khu vực tìm ra mảnh vỡ tàu Titan".
"Không ai biết những âm thanh giống tiếng đập đó phát ra từ đâu", truyền thông Anh nhận định.
Tàu Titan bắt đầu hành trình khám phá xác tàu Titanic vào lúc 4h ngày 18/6 (theo giờ địa phương). Trải qua gần 2 giờ dưới biển, tàu lặn mất liên lạc với OceanGate - đơn vị đứng ra tổ chức chuyến đi.
Dù đây là tình huống nghiêm trọng nhưng phải đến khoảng 13h40 cùng ngày, Lực lượng cứu hộ bờ biển Mỹ mới nhận được thông tin tức mất gần 8 tiếng. Con tàu được cho có thể đã nổ tung trước thời điểm đơn vị cứu hộ bắt tay vào tìm kiếm.
Chia sẻ trên tờ Telegraph, người thân một nạn nhân thừa nhận 8 tiếng là quá lâu. "Họ đã mất quá lâu để cuộc giải cứu được bắt đầu. Tôi nghĩ tối đa chỉ mất 3 tiếng", người này nhận định.
OceanGate chưa đưa ra lý giải về sự chậm trễ này.
Trong quá khứ, độ an toàn của chuyến thám hiểm tham quan xác tàu Titanic của OceanGate bị đặt dấu hỏi. David Lochridge - kỹ sư từng lái tàu - đã bị sa thải sau khi bày tỏ những lo ngại của bản thân về chuyến đi.
Vụ việc sau đó được đưa ra tòa. OceanGate cho rằng Lochridge phải "chịu trách nhiệm vì tiết lộ những thông tin mật liên quan đến tàu Titan". Phía đối diện, Lochridge cho rằng quyết định sa thải từ OceanGate là sai vì ông chỉ lên tiếng về những vấn đề của tàu Titan.
Mike Reiss, người từng tham gia nhiều chuyến tham quan cùng OceanGate khẳng định "tàu gần như lần nào cũng mất liên lạc". Hiệp hội Công nghệ Hàng hải cũng từng gửi thư cảnh báo OceanGate về hiểm họa có thể xảy ra trong những chuyến đi xuống đại dương.
David Pogue, phóng viên của tờ CBS từng đi trên tàu Titan, tiết lộ con tàu từng bị lạc vào năm ngoái. Lúc này, Pogue đề nghị OceanGate bổ sung thiết bị phát tín hiệu khẩn cấp. Khi được kích hoạt, thiết bị này sẽ gửi tín hiệu đến Hệ thống tìm kiếm và cứu hộ. Nhờ đó, lực lượng cứu hộ có thể nắm được vị trí chính xác của con tàu gặp nạn để tiến hành giải cứu.
"Tàu lặn Titan không có thiết bị nào giống như thế", Pogue chia sẻ. "Trông chuyến đi của tôi hồi năm ngoái, con tàu bị lạc và chúng tôi đã thảo luận về việc bổ sung thiết bị này".
Tuy nhiên, Pogue không hiểu vì sao tàu Titan vẫn chưa được thêm thiết bị này trong chuyến thám hiểm vừa qua.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn