5 chấn thương thường gặp khi chơi Pickleball và cách phòng tránh

15:44 | 19/11/2024;
Bộ môn Pickeleball vẫn chưa ngừng hot, tuy nhiên đi kèm với các lợi ích đối với sức khỏe khi chơi Pickleball thì hoạt động này cũng có thể đem lại một số rủi ro chấn thương khi chơi tăng lên.

Thời gian gần đây, có rất nhiều trường hợp gặp chấn thương khi chơi Pickleball như bị té ngã, trật cổ tay, bong gân tràn dịch bàn chân, bị bóng va vào mặt dẫn tới dập mũi, bầm tím mặt mũi hay thậm chí là trường hợp một nam giới (ở Thanh Hóa) bị đột quỵ khi đang chơi Pickleball. Điều này đòi hỏi bạn khi chơi Pickleball cần chú ý một số vấn đề để giảm nguy cơ chấn thương cũng như các rủi ro khác đối với sức khỏe.

1. Chấn thương khi chơi Pickleball thường gặp là gì?

Giống như các bộ môn vận động thể chất khác thì chấn thương khi chơi Pickleball là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi bị chấn thương, tốt nhất nên dừng chơi và nghỉ ngơi, thực hiện các biện pháp giảm đau hoặc sơ cấp cứu tùy từng trường hợp. Nếu các chấn thương không có dấu hiệu giảm nhẹ triệu chứng hoặc tăng nặng hơn, kèm theo sốt, ớn lạnh, biến dạng khớp thì cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

5 chấn thương thường gặp khi chơi Pickleball và cách phòng tránh- Ảnh 1.

Chấn thương khi chơi Pickleball thường gặp là gì? Ảnh: ST

Các chấn thương khi chơi Pickleball thường gặp bao gồm:

- Chấn thương bong gân và căng cơ

Bong gân được hiểu là tình trạng dây chằng bị kéo căng hoặc rách; còn căng cơ xảy ra khi cơ hoặc gân bị kéo căng hoặc rách. Đây là dạng chấn thương khi chơi Pickleball thường gặp nhất. Các vị trí thường bị bong gân hoặc căng cơ chủ yếu là căng cơ gân kheo và bắp chân, bong gân mắt cá chân, bong gân khớp gối hoặc bong gân khớp cổ tay, khuỷu tay.

Nguyên nhân là do trong quá trình chơi, việc di chuyển liên tục trên sân và phải đổi hướng đột ngột để đánh bóng hay xoay đảo cổ tay có thể khiến tình trạng căng cơ và bong gân dễ xảy ra hơn nếu cơ thể bạn chưa sẵn sàng cho loại chuyển động đó. Đó là chưa kể đến việc chơi quá sức có thể dẫn tới các chấn thương do sử dụng quá mức các cơ và gân hay chọn vợt chơi Pickleball không phù hợp, vợt quá nặng so với sức tay dẫn tới căng thẳng cho cổ tay ảnh hưởng tới dây chằng.

5 chấn thương thường gặp khi chơi Pickleball và cách phòng tránh- Ảnh 2.

Bong gân và căng cơ là dạng chấn thương khi chơi Pickleball thường gặp nhất (Ảnh: ST)

Nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn tới tổn thương gân nghiêm trọng do gân bị viêm, khó phục hồi trở thành các tổn thương mãn tính, thoái hóa, xơ gân, thậm chí là đứt gân ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt thường ngày.

Dấu hiệu bong gân, căng cơ thường gặp là sưng đau, bầm tím đôi khi cơn đau nhói lên như bị giật, sức cầm nắm giảm, khó khăn và đau khi di chuyển.

- Đau thắt lưng

Cũng là một chấn thương khi chơi Pickleball phổ biến, nhất là ở những người ít có thói quen tập luyện khiến cơ cốt lõi thiếu sức mạnh, không chịu được áp lực từ các hoạt động thể chất cường độ lớn và chuyển động nhanh, nhiều động tác vung vợt, xoay người và cúi người liên tục như khi chơi Pickleball. Hơn nữa, tư thế chơi Pickleball không đúng cách, chẳng hạn như quá cúi, cũng dễ khiến vùng lưng dưới bị tổn thương do dây chằng hoặc cơ lưng bị căng.

Đặc biệt, người có sẵn các tình trạng viêm đau khớp vùng lưng cũng dễ dàng gặp chấn thương loại này khi chơi Pickleball hơn, chẳng hạn như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm,... Nếu đang có các bệnh vùng lưng và cột sống, tốt nhất hãy hỏi bác sĩ về việc bạn có nên chơi Pickleball hay không để nhận được lời khuyên phù hợp.

Cơn đau thắt lưng có thể đến rồi đi nhưng cũng có thể kéo dài thành đau thắt lưng mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt. Do vậy, nếu chơi Pickleball và đột ngột bị đau lưng, cần thận trọng. Đặc biệt, một cơn đau lưng đột ngột kèm theo cảm giác tê yếu một bên cơ thể, khó thở, nhịp tim nhanh,... có thể cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi chơi Pickleball rất nguy hiểm và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

- Gãy xương

Đây là một chấn thương khi chơi Pickleball nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Tương tự như các bộ môn thể thao khác, khi thực hiện các bước di chuyển đột ngột, hay xoay đánh sai tư thế, va chạm với thiết bị trên sân người chơi có thể bị tới té ngã dẫn tới gãy xương. Trong đó cổ tay là vị trí dễ bị gãy xương nhất khi chơi Pickeleball, theo Everyday Health.

Khi bị gãy xương, dấu hiệu đầu tiên sẽ là đau đớn đột ngột và dữ dội nhất là khi di chuyển hoặc chạm vào vùng bị thương. Tại vị trí gãy sẽ thấy xương bị lồi lên, dị dạng cong/xoắn kèm theo tấy đỏ, sưng phồng lên với cảm giác nóng ran. Càng để lâu thì vùng bị gãy xương càng sưng nề hơn.

- Chấn thương phần thân trên

Mặc dù ít phổ biến hơn các chấn thương khi chơi Pickleball kể trên nhưng chấn thương thân trên vẫn có thể gặp do các chuyển động khi chơi bóng yêu cầu vận dụng các cơ nằm ở vai, khuỷu tay. Do vậy người chơi dễ dàng bị đau ở những vùng này, gây đau nhức, nhất là khi thời gian chơi kéo dài quá mức, lặp đi lặp lại mà thiếu sự nghỉ ngơi để cơ phục hồi.

- Bầm tím và trầy xước

Chấn thương loại này thường không quá nghiêm trọng và có thể xảy ra ở bất kì vị trí nào trên cơ thể. Xảy ra do té ngã, va chạm với bóng,... Các vết bầm tím có thể được xử lý bằng việc chườm lạnh và nghỉ ngơi. Nếu bị trầy xước, chảy máu thì nên khử trùng vết thương đúng cách bằng nước muối và sát khuẩn, băng lại tránh nhiễm trùng.

Ngoài 5 chấn thương khi chơi Pickleball phổ biến kể trên thì người chơi cũng có thể bị viêm gan Achilles, chấn thương cơ gấp hông hoặc cơ mông,...

2. Cách phòng tránh chấn thương khi chơi Pickleball

Các chấn thương khi chơi Pickleball có thể phòng tránh được. Các mẹo giảm chấn thương này bao gồm:

- Khởi động kỹ và đúng cách trước khi chơi giúp làm nóng cơ, giãn cơ cổ vai, chân, tay giảm nguy cơ chấn thương do căng thẳng cơ quá mức. Bạn có thể chạy bộ nhẹ nhàng trong thời gian ngắn hoặc nhảy bật cóc trong 30 giây.

- Lựa chọn giày phù hợp để nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể và giảm áp lực cho mắt cá chân, từ đó giảm rủi ro chấn thương do té ngã hoặc áp lực. Ngoài ra, nên trang bị một số phương tiện bảo hộ như băng đai gối, băng cổ tay, cổ chân giúp tăng cường vững chắc các khớp tránh những chấn thương do khởi động không kỹ.

- Biết giới hạn của bản thân, không nên tập quá mức chịu đựng, hãy nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt và cho cơ thể có thời gian phục hồi cho những lần chơi tiếp theo.

5 chấn thương thường gặp khi chơi Pickleball và cách phòng tránh- Ảnh 3.

May mắn là các chấn thương khi chơi Pickleball có thể phòng tránh được (Ảnh: ST)

- Trong khi chơi, cần chú ý uống đủ nước. Hãy uống nhiều nước trước, trong và sau buổi chơi Pickleball để đảm bảo bạn đang cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể và giảm nguy cơ gặp phải tình trạng mất nước do chơi thể thao.

- Chơi đúng kỹ thuật là điều rất quan trọng để giảm rủi ro gặp phải chấn thương khi chơi Pickleball. Nếu mới chơi, hãy tìm kiếm người hướng dẫn để được hướng dẫn cách chơi đúng, bao gồm cả tư thế đứng, cách vung vợt, cách xoay chuyển cổ tay và cổ chân,...

- Ngoài chơi Pickleball bạn nên tập thêm các bộ môn khác để tăng cường sức mạnh cho cơ cốt lõi và phần thân trên, điều này sẽ giúp việc chơi Pickleball hiệu quả hơn cũng như nhận được thêm nhiều lợi ích sức khỏe khác. Tập thể dục là một thành phần quan trọng để duy trì sức khỏe và bạn nên cố gắng tập thể dục cường độ vừa phải 150 phút mỗi tuần.

Đối với người mới chơi Pickleball thì nên chơi 1 lần/tuần, sau đó nâng lên 2 lần/tuần. Khi đã quen với bài tập này bạn có thể chơi 3 lần/tuần. Lịch trình này giúp bạn có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi cơ thể giữa các trận đấu.

Cuối cùng, Pickleball là một bộ môn thể thao tốt cho sức khỏe. Điều quan trọng là bạn biết được khi nào chấn thương khi chơi Picklenall là trường hợp cần được chăm sóc y tế, đặc biệt là người từng mắc các bệnh lý tim mạch. Hãy dừng chơi nếu cảm thấy đau đớn, khó thở, nhịp tim đập nhanh quá mức, chóng mặt, đau đầu đột ngột và dữ dội, tê liệt một bên cơ thể,... và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn