Ở Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ngày một gia tăng và trẻ hóa, mỗi năm có hơn 230.000 người bị đột quỵ. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, đột quỵ không phải là bệnh chỉ gặp ở người già mà hiện nay đang có chiều hướng gia tăng ở người trẻ. Theo một số thống kê, tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ đã tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua.
Đặc biệt, bệnh thường có nguy cơ gặp cao ở những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, những người bị béo phì...
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây đột quỵ ở người trẻ như: Người có dị dạng mạch máu não; Một số bệnh rối loạn nhịp tim, rung nhĩ.
Nguyên nhân đột quỵ gia tăng ở người trẻ còn liên quan tới chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh như: Hút thuốc lá, chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, lạm dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích,…
Bác sĩ CKI Đào Duy Khoa, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho hay, trước kia, tỷ lệ người bị đột quỵ được đưa tới bệnh viện cấp cứu thường gặp ở nhóm người cao tuổi nhưng hiện nay, số lượng người trẻ được đưa vào viện cấp cứu do đột quỵ đã gia tăng hơn trước.
Đột quỵ là cấp cứu y tế khẩn cấp, nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh có thể bị tàn phế, thậm chí tử vong. Do vậy, việc phát hiện sớm đột quỵ có ý nghĩa rất lớn đối với các bệnh nhân. Một số dấu hiệu bị đột quỵ cần lưu tâm như:
- Người bệnh đột ngột tê hay yếu liệt mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể;
- Đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói;
- Đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hoặc cả hai bên;
- Đột ngột rối loạn khả năng vận động, đi đứng loạng choạng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác;
- Đột ngột đau đầu nhiều không rõ nguyên nhân...
Khi bệnh nhân có những dấu hiệu trên cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu để được vận chuyển tới bệnh viện an toàn.
Theo bác sĩ Khoa, ngoài điều trị thông mạch cấp cứu, điều trị phòng ngừa đột quỵ tái phát hoặc đột quỵ tiến triển cũng rất quan trọng vì mỗi khi bệnh tái phát hoặc tiến triển, bệnh nhân thường bị yếu liệt nặng hơn, dẫn đến tàn phế nhiều hơn. Thông thường, với bệnh nhân đột quỵ không do huyết khối từ tim, thuốc chống huyết khối được khuyên dùng là thuốc chống tiểu cầu.
Điển hình là tường hợp bệnh nhân N.T.T (72 tuổi ở Đồng Tháp), bệnh nhân được người nhà đưa tới bệnh viện cấp cứu do đột quỵ yếu 1/2 người phải. Khi vào viện, bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ và nhanh chóng cho dùng thuốc kháng tiểu cầu kép lộ trình 21 ngày sau đó chuyển sang kháng tiểu cầu đơn.
Rất may mắn do bệnh nhân được đưa tới viện sớm nên sau khi dùng thuốc bệnh nhân dần lấy lại được chức năng vận động. Sau 7 ngày, bệnh nhân ra viện và không có tình trạng tái phát sau đó.
Hay như trường hợp bệnh nhân N.V.N (nam 76 tuổi, quê Tiền Giang) cũng nhập viện do tự dưng chân phải yếu không đi được. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được dùng thuốc kháng tiểu cầu đơn. 5 ngày sau, bệnh nhân đã xuất viện và không tái phát sau đó.
Bác sĩ Khoa cho biết, khi bệnh nhân đột quỵ được can thiệp thuốc sớm để phòng ngừa tái phát thì sẽ giảm được nguy cơ trở nặng hoặc tái phát.
Thuốc chống tiểu cầu dùng trong đột quỵ là một loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông do ức chế sự kết tập tiểu cầu (là một loại tế bào trong máu, có vai trò trong sự hình thành cục máu đông). Do đó, thuốc có tác dụng phòng ngừa đột quỵ thiếu máu não cục bộ tái phát.
Theo bác sĩ Khoa, có nhiều loại thuốc chống tiểu cầu. Nhìn chung, các thuốc chống tiểu cầu có hiệu quả phòng ngừa cục máu đông tương tự nhau. Mỗi loại đều có nhược điểm và tác dụng phụ riêng. Do đó, tùy vào từng tình huống cụ thể mà bác sĩ sẽ chọn loại thuốc phù hợp nhất.
Phương pháp dùng thuốc chống tiểu cầu đã sử dụng rộng rãi hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới để phòng ngừa đột qụy thiếu máu não cục bộ tái phát. Thuốc thường dùng cho các bệnh nhân bị đột quỵ không do huyết khối từ tim.
Bác sĩ Khoa khuyến cáo thêm, đối với các loại thuốc phòng ngừa và điều trị đột quỵ, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng vì có thể có các tác dụng phụ đặc thù. Thuốc chống tiểu cầu có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là tác dụng phụ gây chảy máu. Do đó, người bệnh không nên tự ý dùng các loại thuốc này mà phải sử dụng theo sự kê đơn của bác sĩ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn