Uống tinh bột nghệ, uống nghệ mật ong hay nghệ với gừng có tác dụng kháng khuẩn, thúc đẩy tăng cường miễn dịch nhờ hợp chất curcumin có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm cao, kết hợp với các thành phần như gingerol trong gừng hay axit phenolic và flavonoid trong mật ong đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên uống quá nhiều nghệ hay sử dụng quá nhiều nghệ lại có thể đem lại nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
Uống quá nhiều nghệ có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe. Sau đây là các tác dụng phụ có thể gặp khi uống nghệ mà bạn cần chú ý:
- Rối loạn tiêu hóa
Tác dụng phụ phổ biến nhất khi uống quá nhiều nghệ là các rối loạn tiêu hóa như chướng bụng, táo bón, khó tiêu, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn mửa, trào ngược axit dạ dày hoặc ợ nóng, đại tiện phân vàng.
- Chảy máu
Nghệ có đặc tính làm loãng máu, có thể chặn trực tiếp đường dẫn truyền tín hiệu canxi, yếu tố cần thiết để hình thành cục máu đông và bình thường hóa lưu lượng máu trong cơ thể.
Dùng quá nhiều nghệ có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, bao gồm dễ bị bầm tím, chảy máu bất thường (chảy máu mũi, chảy máu nướu răng) và có lẫn máu trong phân hay nước tiểu. Đặc biệt, nguy cơ chảy máu sẽ cao hơn ở người đang dùng thuốc chống đông máu hoặc người bị rối loạn chảy máu.
- Giảm đường huyết
Một tác dụng của nghệ là giúp giảm lượng đường trong máu, đặc biệt là ở người có tiền sử tiểu đường type 2 bằng cách lấy glucose từ máu và chuyển tới cơ xương để sử dụng làm năng lượng. Điều này giúp cải thiện insulin và kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Nhưng uống quá nhiều nghệ có thể khiến một người bị hạ đường huyết, đặc biệt là người đang sử dụng thuốc kiểm soát lượng đường trong máu như insulin hay thuốc điều trị tiểu đường khác. Khi lượng đường trong máu xuống quá thấp có thể gây ra các triệu chứng hạ đường huyết như nhịp tim nhanh, bồn chồn, đau đầu và thay đổi trạng thái tinh thần.
- Triệu chứng tổn thương gan
Uống quá nhiều nghệ có thể gây ra một tác dụng phụ nghiêm trọng là tổn thương gan. Theo Health, một báo cáo năm 2024 cho thấy, tổn thương gan có thể xảy ra khi sử dụng curcumin ở liều cao từ 250 - 1.800 miligam (mg) mỗi ngày.
Các tổn thương gan bao gồm viêm gan, ứ mật với những triệu chứng phổ biến bao gồm vàng da, màu vàng ở lòng trắng mắt, đau bụng, buồn nôn và nước tiểu sẫm màu.
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn
Liều dùng với lượng từ 450 mg trở lên có thể gây đau đầu và buồn nôn ở một số ít người uống nghệ.
Ngoài các dấu hiệu cảnh báo uống quá nhiều nghệ kể trên thì nghệ cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ cần lưu ý khi dùng nghệ như:
+ Dị ứng: Curcumin có thể ức chế sự giải phóng các chất liên quan đến phản ứng dị ứng, bao gồm histamine và kháng thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bột nghệ tiếp xúc với da có thể gây ra các phản ứng dị ứng như phát ban. Nếu thấy bị phát ban hay mẩn ngứa khi bôi bột nghệ, tốt nhất hãy dừng lại ngay lập tức và nói chuyện với bác sĩ.
+ Vấn đề về thận: Oxalat có trong thực phẩm và chất bổ sung, bao gồm nghệ và chất bổ sung nghệ. Quá nhiều oxalate có thể gây ra sỏi thận. Những người áp dụng chế độ ăn ít oxalate nên hạn chế dưới 50 mg mỗi ngày.
+ Vấn đề túi mật: Với người có bệnh túi mật như sỏi mật, việc bổ sung nghệ hay các sản phẩm bổ sung chứa curcumin có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các cơn co thắt và làm tăng áp lực bên trong túi mật. Điều này sẽ làm cho việc loại bỏ bất kỳ viên sỏi mật nào trở nên khó khăn hơn.
+ Thiếu sắt: Tiêu thụ nghệ quá mức có thể ức chế sự hấp thụ sắt. Vì vậy, những người bị thiếu sắt cần lưu ý không nên bổ sung quá nhiều nghệ trong bữa ăn hàng ngày, vì nó có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.
Không có khuyến nghị chính thức nào về việc sử dụng nghệ và mức dung nạp tối đa cũng chưa được xác định.
Theo Healthline, Ủy ban Chuyên gia Quốc tế về Phụ gia Thực phẩm (JECFA) của FAO/WHO đã đưa ra mức tiêu thụ curcumin chấp nhận được là 3 mg/1 kg cân nặng cơ thể mỗi ngày. Nghĩa là, nếu một người trưởng thành khỏe mạnh nặng 81 kg thì lượng curcumin người này có thể tiêu thụ mỗi ngày khoảng 249 mg. Cần ghi nhớ rằng, tất cả các chất bổ sung có nguồn gốc thảo dược nên được sử dụng một cách thận trọng.
Nhưng nhìn chung, nếu sử dụng nghệ, hãy sử dụng theo khuyến nghị được ghi trên sản phẩm để tránh uống quá nhiều nghệ hoặc sai chỉ định. Tiêu thụ một lượng nhỏ bột nghệ hoặc nghệ tươi với piperine có trong hạt tiêu đen có thể giúp tăng khả năng hấp thụ curcumin của cơ thể lên tới 2000%.
Theo Healthline, nghệ chứa curcumin có thể đem lại các lợi ích như sau:
- Giảm viêm: Viêm mãn tính có liên quan tới nhiều bệnh và việc bổ sung curcumin có thể giúp giảm dấu hiệu viêm cũng như hỗ trợ điều trị, giảm nhẹ các tình trạng sức khỏe gây viêm nhiễm như viêm ruột, viêm khớp, bệnh vẩy nến, trầm cảm và xơ vữa động mạch.
- Đặc tính chống oxy hóa: Nghệ chứa curcumin và các curcuminoid khác có đặc tính chống oxy hóa mạnh, có tác dụng bảo vệ chống lại các tổn thương tế bào do gốc tự do gây ra, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim và ung thư.
- Cải thiện chức năng mạch máu: Các nghiên cứu cho thấy bổ sung curcumin có thể thúc đẩy sự giãn nở của mạch máu, giúp tăng lưu lượng máu và hỗ trợ giảm huyết áp.
- Giảm nguy cơ đau tim: Tiêu thụ nghệ giàu curcumin có thể giúp cải thiện mức cholesterol trong cơ thể, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, từ đó giảm rủi ro mắc bệnh tim hay các biến cố sức khỏe có liên quan tới xơ vữa động mạch.
- Hỗ trợ sức khỏe thần kinh: Curcumin có tác dụng hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng và chứng mất trí.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn