5 dấu hiệu chứng tỏ bạn sở hữu trí thông minh cảm xúc cao

11:58 | 14/10/2022;
Học để trở thành một người thông minh về mặt cảm xúc là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho chính mình. Thông minh hơn về mặt cảm xúc là nền tảng cho một cuộc sống cân bằng.

Năm 1983, Howard Gardner, một nhà tâm lý học và giáo sư Harvard đã giới thiệu 8 loại trí thông minh trong cuốn sách “Frames of Mind”. Theo đó, mỗi loại trí thông minh chỉ ra một khả năng đáng chú ý để một người có thể xử lý thông tin tốt nhất.

Ví dụ: Một người có trí thông minh âm nhạc sẽ có sự nhạy cảm hơn so với những người khác về nhịp điệu âm nhạc, cao độ, âm sắc và giai điệu. Một người có trí thông minh ngôn ngữ sẽ nhạy cảm hơn với ý nghĩa của các từ, thứ tự giữa các từ và âm thanh, nhịp điệu...

Trí thông minh cảm xúc theo cách phân loại của Gardner là Trí thông minh thấu hiểu nội tâm, nói đến khả năng diễn giải cảm xúc và sự lo lắng của một người.

Nếu bạn không có ước mơ trở thành một ngôi sao nhạc pop hoặc một nhà soạn nhạc, có lẽ bạn không cần trí thông minh âm nhạc. Và điều này cũng tương tự đối với nhiều loại trí thông minh khác, không ai bắt bạn phải chịu trách nhiệm khi không giỏi toán học nhất phòng.

Nhưng một người có trí thông minh cảm xúc thấp sẽ khó nhận được sự chú ý cũng như yêu mến từ những người xung quanh. Một người biết đề cao trí tuệ cảm xúc thường có khác biệt lớn trong cách ứng xử với bản thân. Ngay cả khi bạn chưa nhận thức được điều đó, mọi người cũng nhìn thấy những dấu hiệu này ở bạn:

1. Bạn hiểu rằng suy nghĩ chỉ là suy nghĩ

Rất nhiều người rơi vào trạng thái rối loạn tinh thần và cảm xúc không cần thiết vì không thể tách rời suy nghĩ của họ khỏi con người của họ. Đây là lý do tại sao nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần Viktor Frankl nói: “Giữa sự kích thích và sự phản ứng có một khoảng nghỉ. Khoảng không đó là quyền của chúng ta lựa chọn phản ứng. Cách thức mà chúng ta đáp lại thể hiện sự trưởng thành và sự tự do của chúng ta.”

Những người thông minh về cảm xúc hiểu rằng suy nghĩ chỉ là suy nghĩ. Chỉ vì bạn nghĩ rằng bạn không thể hoàn thành một bài thuyết trình không có nghĩa là bạn không thể. Sự lo lắng của bạn chỉ có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn quan tâm đến việc làm sao cho đúng. Suy nghĩ chỉ là suy nghĩ.

2. Bạn suy nghĩ bằng cả cái đầu và trái tim

Bạn có thể suy ngẫm về những cảm xúc và những lựa chọn của mình, cho dù chúng có dữ dội đến đâu và đánh giá hậu quả của những quyết định đó. Bạn nghĩ xem những gì bạn làm có thể ảnh hưởng ra sao đến tương lai của mình cũng như những người xung quanh.

Đặc điểm nổi bật của một người có trí thông minh cảm xúc cao là họ biết kiềm chế cảm xúc của chính họ. Khi tranh luận, thay vì trở nên nóng nảy và nhạy cảm với cái tôi, họ có thể nhanh chóng điều chỉnh cảm xúc của mình và lắng nghe đối phương, đặc biệt là khi họ nhận ra mình có thể sai.

Nếu bạn không biết sử dụng cái đầu và trái tim của mình khi suy nghĩ, sẽ chỉ có cảm xúc dẫn lối bạn và bất kỳ quyết định nào được đưa ra hoàn toàn dựa trên cảm xúc sẽ là điều viển vông.

3. Đồng cảm

Theo Tiến sĩ Travis Bradberry, đồng tác giả của cuốn sách “Trí tuệ cảm xúc 2.0”, những người có trí thông minh cảm xúc cao thường tò mò về người khác. Điều này là bởi mối quan hệ tốt với cảm xúc của chính họ khiến họ đồng cảm một cách tự nhiên với người khác.

Nếu bạn đã quen với việc không đánh giá bản thân khi thấy buồn hoặc lo lắng, bạn có nhiều khả năng sẽ cởi mở và lịch sự tương tự với người khác khi họ đang trong trạng thái bất ổn.

4. Bạn không đánh giá cảm xúc của mình

Theo nhà tâm lý học Amy Vigliotti: "Nhận thức về cảm xúc giúp chúng ta tiến lên trong khi sự kìm nén khiến chúng ta mắc kẹt." Đó là lý do những người kém trí tuệ cảm xúc thường bị mắc kẹt trong vòng xoáy của căng thẳng, lo lắng, thậm chí là trầm cảm. Thay vì nhận ra cảm xúc và hiểu chúng, họ luôn cảm thấy tồi tệ về điều đó.

Ví dụ: Một người có trí thông minh cảm xúc thấp sẽ cảm thấy tồi tệ khi lo lắng và sự tự đánh giá này thường sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, khiến họ trở nên tức giận, cáu kỉnh sau đó vì lo lắng.

Xu hướng đánh giá cảm xúc của chúng ta là lý do tại sao chúng ta bị ám ảnh bởi hạnh phúc. Những người thông minh về cảm xúc không nghĩ rằng họ đau khổ đơn giản chỉ vì những cảm xúc thoáng qua. Họ sẽ không giữ chặt hay đè nén nó, chỉ đơn giản là nhận thức cảm xúc của mình.

Nhà tâm lý học Nick Wignall cho rằng: “Sự sẵn sàng cảm nhận cảm xúc của bạn là một dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc”.

5. Bạn biết (và chấp nhận) điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình

Bạn đã từng gặp những người không thấy có vấn đề khi nhận ra mình không giỏi một số thứ chưa? Họ thậm chí có thể nói đùa về điều đó.

Những người thông minh về cảm xúc hiểu điểm mạnh của mình và thừa nhận điểm yếu. Mức độ nhận thức cao về bản thân cũng giúp họ biết rằng có một số kiểu người mà họ sẽ không hòa nhập, tránh xa.

Trong khi đó, những người trí tuệ cảm xúc kém không có mức độ tự nhận thức này. Họ có thể dễ dàng lên mây với một lời khen hay trở nên tức giận chỉ vì vài câu đùa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn