Do bệnh nhân tiểu đường gặp các vấn đề liên quan tới suy giảm hệ miễn dịch nên khi đối mặt với Covid-19 thì nhóm này sẽ có nguy cơ cao gặp các biến chứng nhiễm trùng nặng, thậm chí là tử vong. Hoặc, cũng có thể họ dễ gặp phải một số dấu hiệu của Covid-19 hay biến chứng của Covid-19 hơn do nền bệnh.
Mức đường huyết kém có tác động tới quá trình sản xuất insulin của cơ thể cũng như ức chế khả năng miễn dịch ở bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, khi bị tiểu đường một số sẽ gặp vấn đề trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng dẫn tới quá trình trao đổi chất, lưu thông máu kém và ảnh hưởng tới khả năng cũng như thời gian hồi phục.
Đối với Covid-19 cũng vậy, bệnh tiểu đường có thể khiến việc chống trọi lại sự xâm nhập của virus trở nên khó khăn hơn và còn kéo theo nhiều biến chứng bệnh lý khác. Theo các bác sĩ, bệnh nhân tiểu đường ngoài rủi ro nhập viện cao hơn thì còn gặp phải các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác như tim mạch, bị suy giảm hô hấp hay các bệnh phổi mãn tính.
Bên cạnh các triệu chứng Covid-19 cổ điển được CDC công bố đợt đầu tiên thì gần đâu những dấu hiệu bất thường được ghi nhận nhiều hơn bao gồm cả phát ban hay dị ứng trên da. Cụ thể là ngón chân, ngón tay Covid, các nốt phát ban đều có thể là dấu hiệu khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhất là chúng có thể phổ biến hơn ở người bị rối loạn đường huyết.
Thông thường, khi người bệnh tiểu đường gặp các chấn thương như bầm tím hay các vết thương hở sẽ chậm lành hơn so với nhóm người khác. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao có thể làm tăng khả năng bị viêm cùng sưng tấy, mụn nước,.. tất cả những điều này đều phát triển song song khi nhiễm virus Covid-19.
Vì vậy mà bệnh nhân đái tháo đường nên cực kì cẩn thận trong việc kiểm soát và chăm sóc sức khỏe cũng như để ý những triệu chứng bất thường trong danh sách Các triệu chứng Covid-19.
Viêm phổi có thể trở thành một yếu tố nguy cơ nghiêm trọng và là một mối đe dọa nguy hiểm đối với bệnh nhân tiểu đường. Với mức độ viêm nhiễm cao và mức đường huyết rối loạn sức khỏe đường hô hấp ở người bệnh có thể bị tổn hại ở mức nghiêm trọng và có thể dẫn tới những hệ quả bất lợi.
Theo các bác sĩ, lượng đường huyết trong máu cao khiến virus dễ dàng phát triển trong cơ thể, lây lan tới các vùng khác và gây ra các tổn thương. Nguy cơ này là như nhau ở người bị tiểu đường type 1 và type 2.
Độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (Saturation of peripheral oxygen - SpO2) giảm là một trong những biến chứng lớn nhất mà bệnh nhân Covid-19 có thể gặp phải.
Với tình trạng nhiễm trùng và ức chế hệ miễn dịch như bệnh tiểu đường thì nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, bệnh nhân bị rối loạn đường huyết hay suy giảm miễn dịch có khả năng cao bị thiếu oxy và các triệu chứng liên quan bao gồm khó thở, thở gấp, đau tức ngực hay các vấn đề về phổi khác.
Mucormycosis là một dạng bệnh nhiễm trùng do nấm mucor thường thấy ở trong đất và rau bị thối rữa gây ra. Nhiễm trùng nấm đen ảnh hưởng đến các hốc xoang, não, phổi, da và thận. Triệu chứng bệnh như thế nào sẽ phụ thuộc vào vị trí nấm phát triển trong cơ thể.
Tình trạng bệnh nhân Covid bị nhiễm nấm đen đang trở thành mối lo ngại đối với Ấn Độ. Người bệnh bị biến dạng mặt, sưng tấy, đau nhức đầu, nhất là ở những người bị bệnh tiểu đường hay đang điều trị bằng thuốc steroid.
Giáo sư y khoa Paul Griffin của Đại học Queensland cho biết Mucormycosis thường tấn công mạnh nhất vào những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu do mắc các bệnh truyền nhiễm khác.
“Sở dĩ chúng ta không thường xuyên thấy các dấu hiệu nhiễm trùng do nấm mucor bởi chúng chỉ có thể gây bệnh ở những vật chủ tương đối nhạy cảm và có sức đề kháng rất kém. Các bệnh nhân mà chúng tôi thường gặp là những người đã cấy ghép một bộ phận nào đó trong cơ thể, đang mắc một căn bệnh hoặc đang dùng một loại thuốc mạnh khiến hệ thống miễn dịch của họ bị suy giảm”.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, lượng đường trong máu cao cũng tạo ra một môi trường phát triển hoàn hải cho nấm mucor sinh sôi tương tự như virus. Bên cạnh đó là yếu tố ức chế hệ miễn dịch ở người bệnh và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như nấm đen.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn