5 điều cần "chuẩn bị sẵn sàng" khi mùa cúm bắt đầu

10:43 | 23/09/2024;
Bệnh cúm có thể xảy ra vào mọi thời điểm trong năm nhưng thường phổ biến hơn khi giao mùa và thời điểm khi trẻ vừa quay trở lại trường học.

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan qua đường hô hấp, dịch tiết người bệnh và là bệnh do virus cúm gây ra. Có 3 loại virus cúm ảnh hưởng đến con người, gồm virus cúm A, B và C. Trong đó, virus cúm A và cúm B là những tác nhân gây cúm phổ biến và có khả năng dẫn đến nhiều đợt dịch bùng phát trên diện rộng.

Bệnh cúm hoàn toàn có thể phòng ngừa được và có một số lưu ý giúp bảo vệ bản thân và cách thành viên trong gia đình, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ, người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện thì việc phòng ngừa cúm đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp giảm nguy cơ bệnh nặng phải nhập viện do biến chứng và tốc độ phục hồi.

1. Đầu tiên hãy tiêm vaccine phòng cúm

Tiêm phòng cúm là biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cúm nói chung tới 90% và giảm khả năng bị bệnh nặng nếu nhiễm bệnh. Vaccine phòng cúm không chỉ bảo vệ bạn mà còn bảo vệ cả cộng đồng xung quanh.

Với độ tuổi tiêm vaccine phòng cúm ở trẻ nhỏ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên rằng trẻ nên tiêm vaccine phòng cúm từ khi được 6 tháng tuổi và trong giai đoạn từ 6 tháng tới 8 tuổi, trẻ cần được tiêm nhắc lại ít nhất một lần nữa nhằm đảm bảo hàng rào phòng vệ được được tăng cường tốt hơn. Tuy vậy, nếu có thể, cha mẹ nên đưa trẻ tiêm nhắc lại mũi vaccine phòng cúm hàng năm để giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ khỏi các chủng cúm mùa mới được cập nhật hàng năm.

Do mùa cúm thường phổ biến hơn vào thời điểm giao mùa từ tháng 9 - 10 và mũi vaccine cúm cần ít nhất 2 - 3 tuần để có thể tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm hoàn toàn và khả năng bảo vệ là 50 - 80% (có nghĩa là 50 - 80% người tiêm phòng virus cũm sẽ không bị cúm sau khi tiêm). Do vậy, cha mẹ cần cân nhắc tiêm cho trẻ vào thời điểm phù hợp.

5 điều cần

Tiêm phòng cúm cần được nhắc lại hàng năm để tiếp cận các chủng mới (Ảnh: ST)

CDC Hoa Kỳ cũng khuyên rằng, chủng ngừa cúm vào tháng 10 khi mùa cúm bắt đầu là tốt nhất. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là việc tiêm phòng cúm muộn không có tác dụng phòng bệnh. Người được tiêm phòng ngừa cúm sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus cúm khi bị nhiễm.

2. Khẩu trang

Mặc dù sau đại dịch COVID-19, việc đeo khẩu trang đã dần trở nên phổ biến hơn nhưng vẫn có nhiều người chủ quan, bỏ thói quen đeo khẩu trang khi tới những nơi công cộng đông người tiếp xúc gần, nơi có điều kiện thông gió kém,...

5 điều cần

Khẩu trang là vật dụng cần thiết hàng ngày (Ảnh: ST)

Khẩu trang là một trong những biện pháp giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và lây lan không chỉ bệnh cúm mà còn có các bệnh hô hấp khác. Khẩu trang có thể giữ cho giọt bắn chứa virus không được phát tán vào không khí và ngăn chặn việc hít phải chúng từ người khác.

Điều này đặc biệt quan trọng trong các cộng đồng đông đúc hoặc trong những không gian kín, nơi nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm bệnh cao hơn.

3. Nước rửa tay khô

Nước rửa tay không phải lúc nào cũng có ở mọi nơi, vì thế nên chuẩn bị dung dịch sát khuẩn mang theo bên cạnh sẽ rất cần thiết, đặc biệt là vào mùa cúm.

Nước rửa tay khô nên có nồng độ cồn tối thiểu là 60% (thường được liệt kê trên nhãn với tên gọi là ethanol, cồn ethyl, isopropanol, hoặc 2-propanol) để loại bỏ vi khuẩn và virus có nguy cơ bám dính trên tay hiệu quả nhất.

5 điều cần

Nước rửa tay khô nên có nồng độ cồn tối thiểu là 60% (Ảnh: ST)

Virus cảm cúm có thể sống trên bề mặt cứng trong thời gian lên tới 48 giờ. Phần lớn virus cảm cúm tồn tại ở những phân tử nước lơ lửng trong không khí. Những khu vực có nguy cơ tồn tại phân tử nước chứa virus cúm hay các loại vi sinh vật gây bệnh khác có thể kể đến như: Mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, công tắc điện,...

4. Tủ thuốc gia đình

Mặc dù bệnh cúm là bệnh do virus gây ra nhưng các triệu chứng bệnh cúm có thể khiến nhiều người khó chịu và cần tới các thuốc giúp giảm nhẹ triệu chứng. Các triệu chứng cúm có thể kể đến như: Mệt mỏi, sốt đột ngột (thường trên 100 ° F tương đương khoảng 38 ° C), ngứa hoặc đau họng, ho, ớn lạnh, đau cơ hoặc cơ thể, sổ mũi,...

5 điều cần

Tủ thuốc gia đình nên chuẩn bị sẵn một số loại thuốc không kê đơn (Ảnh: ST)

Các thuốc nên chuẩn bị sẵn có trong tủ thuốc gia đình nên là một số loại thuốc không kê đơn, bao gồm: Thuốc hạ sốt, nước muối sinh lý, thuốc ho thảo dược, thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, dung dịch điện giải,... Một số loại thuốc xịt thông mũi, thuốc kháng histamine có thể cần tới tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

5. Nắm vững các triệu chứng cho thấy bệnh cúm chuyển nặng và cần thăm khám bác sĩ

Các triệu chứng cúm thường kéo dài khoảng 7 - 10 ngày và giảm dần. Trong đó, bệnh cúm có thể gây ra một vài triệu chứng nghiêm trọng nhất chỉ xảy ra trong 2 - 3 ngày. Sau thời gian đó, cơ thể có thể tiếp tục cảm thấy mệt mỏi, suy nhược và bị ho trong khoảng 1 - 2 tuần nữa sau khi phục hồi.

Tuy nhiên, nếu có một số triệu chứng dưới đây chứng tỏ bệnh cúm trở nặng và có thể diễn biến nghiêm trọng hơn, cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để thăm khám và được can thiệp đúng cách:

- Đối với trẻ nhỏ, triệu chứng cảm cúm nặng bao gồm: Thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực, thở gắng sức, khó thở; đau tức ngực; bỏ bú và quấy khóc; da tái nhợt; có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng như khô miệng, trũng thóp, không tiểu tiện trong 8 giờ, khóc không có nước mắt; mệt mỏi, li bì, khó đánh thức; sốt trên 40 độ; co giật; các triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài trên 1 tuần; sốt trên 3 ngày không hết hoặc sốt không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường.

5 điều cần

Nắm vững các triệu chứng cho thấy bệnh cúm chuyển nặng và cần thăm khám bác sĩ (Ảnh: ST)

- Đối với người trưởng thành, triệu chứng bệnh cúm trở nặng cần khám sớm bao gồm: Đau tức ngực và bụng; khó thở, thở nông; các dấu hiệu mất nước (như trên); cảm thấy choáng váng, chóng mặt kéo dài; lú lẫn, mất dần ý thức; mệt mỏi cực độ dù đã được nghỉ ngơi; đau nhức cơ nghiêm trọng; sốt trên 3 ngày không hết hoặc không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường; triệu chứng bệnh cúm trở nên nghiêm trọng hơn.

Có thể liệt kê một số biến chứng của cúm bao gồm viêm phổi do cúm hoặc bội nhiễm, biến chứng về thần kinh như viêm não và viêm màng não, nhiễm trùng ở tai và xoang, tổn thương cơ như viêm cơ và hội chứng tiêu cơ vân cũng như tổn thương đa phủ tạng, ví dụ như suy thận hoặc suy hô hấp. Đồng thời, bệnh cúm cũng có thể làm nặng thêm các tình trạng bệnh lý mãn tính sẵn có như suy tim sung huyết, bệnh hen phế quản và tiểu đường.

Nên việc phát hiện sớm và quan sát các bất thường của cơ thể khi bị nhiễm cúm là rất quan trọng để ngăn ngừa những hệ quả sức khỏe nghiêm trọng. Đặc biệt là nhóm trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và đang cho con bú.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn