Đau mắt đỏ là bệnh lý về mắt thường gặp hàng đầu trên thực tế, có thể gây nên do nhiều nguyên nhân khác như vi khuẩn, virus, hoặc do dị ứng. Bệnh có thể nhận biết tương đối dễ dàng nhờ các triệu chứng như đỏ mắt (cương tụ ngoại vi), tiết ghèn mắt, nhức mắt, cộm mắt,...
Vậy khi nghi ngờ bị đau mắt đỏ hoặc bị đau mắt đỏ thì nên xử lý như thế nào?
Bệnh đau mắt đỏ là bệnh tương đối lành tính, đôi khi có thể tự lành mà không cần điều trị trong trường hợp bệnh do nguyên nhân virus gây nên. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa người bệnh đau mắt đỏ có thể chủ quan khi có các biểu hiện của bệnh.
Hoàn toàn ngược lại, thăm khám và chẩn đoán sớm đau mắt đỏ là cơ sở để có các điều trị kịp thời nhằm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, giúp người bệnh dễ chịu hơn, tiêu diệt tác nhân gây bệnh, rút ngắn thời gian điều trị.
Vì vậy, nếu người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ đau mắt đỏ như đỏ mắt, tăng tiết ghèn, nhức mắt, cộm mắt,... thì việc đầu tiên nên làm là đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn tiến hành thăm khám sớm nhất có thể.
Có nhiều phương pháp truyền miệng, phương pháp dân gian khác nhau được cho là có thể chưa trị tình trạng đau mắt đỏ như đắp các loại lá trầu, lá dâu lên mắt,... Tuy nhiên, đây là những phương pháp chưa được kiểm chứng khoa học cụ thể, việc tự ý sử dụng các phương pháp này chẳng những không thể đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh mà còn có thể chính là nguyên nhân gây nên các tổn thương mới cho mắt làm bệnh nặng nề hơn.
Do đó, người bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không nên quá lo lắng về tình trạng bản thân mà tự ý sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào nếu chưa có sự chỉ định chuyên môn từ bác sĩ.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ đau mắt đỏ thì việc giữ vệ sinh cho mắt là vô cùng quan trọng vừa giúp ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn, dự phòng các biến chứng thứ phát cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các điều trị khác.
Người bệnh có thể giữ vệ sinh mắt sạch sẽ bằng các biện pháp khác nhau như sử dụng các loại mắt kính bảo hộ mắt, rửa mắt thường xuyên bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo, lau chùi ghèn mắt bằng khăn sạch hoặc gạc y tế, rửa tay bằng xà phòng trước khi tra thuốc nhỏ mắt, không dụi tay lên mắt, hạn chế hoạt động trong các môi trường nhiều khói bụi,...
Đau mắt đỏ là bệnh có thể lây lan thành dịch, đặc biệt trong các trường hợp đau mắt đỏ do virus. Chính vì thế, một vấn đề cần lưu ý là phòng ngừa lây nhiễm bệnh từ người nghi bệnh hoặc người bệnh sang người lành.
Một số các biện pháp dự phòng lây nhiễm đau mắt đỏ như đeo khẩu trang và kính bảo hộ khi tiếp xúc với người bệnh; hạn chế các hoạt động thân mật như ôm hôn, âu yếm; nếu làm việc và học tập trong môi trường đông người thì tạm thời nên nghỉ ở nhà; không sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh như khăn tắm, khăn mặt,...
>> Những con đường lây nhiễm đau mắt đỏ: Nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ có lây không?
Sử dụng thuốc đúng kỹ thuật là yếu tố vô cùng quan trọng để thuốc có thể phát huy được hết tác dụng, đặc biệt đối với các thuốc điều trị đau mắt đỏ chủ yếu được bào chế dưới dạng nhỏ mắt hoặc tra mắt thì vấn đề sử dụng thuốc đúng kỹ thuật lại càng cần phải chú ý nhiều hơn.
Các lưu ý cần nhớ khi sử dụng thuốc điều trị đau mắt đỏ:
- Sử dụng thuốc đúng loại, đúng liều và đúng giờ.
- Không sử dụng chung một lọ thuốc cho cả bên mắt bệnh và bên mắt lành.
- Nên tiến hành sử dụng thuốc từ bên mắt bị nhẹ trước, rồi sau đó đến mắt bị nặng sau.
- Không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt.
- Chỉ nên sử dụng thuốc trong vòng 1 tháng kể từ khi mở nắp lọ thuốc.
Trên đây là một số điều mà người nghi bệnh hoặc bệnh nhân đau mắt đỏ cần nhớ để có thể phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn