Việc cách ly trẻ với kẻ xâm hại cần được thực hiện đầu tiên. Có thể cần chuyên gia tâm lý để hỗ trợ trẻ tốt nhất. Lưu giữ những vật chứng liên quan như đồ lót dính máu, vết tinh dịch, vật lạ bám trên quần áo, cơ thể trẻ… và chụp ảnh các vết thương trên cơ thể trẻ. Đồng thời ghi âm lại những cuộc trò chuyện với trẻ ban đầu làm tư liệu và cũng tránh cho trẻ phải kể đi kể lại nhiều lần.
Bố mẹ cần kết nối công an nơi mình cư trú, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã hoặc phòng LĐTBXH huyện, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111… Cha mẹ cần luôn ở bên con khi trẻ tiếp xúc với bất kỳ ai. Làm việc với công an cũng nên ở nơi kín đáo. Cha mẹ cũng có thể nhờ luật sư khi tiếp xúc với công an, báo chí…
Cha mẹ cần yêu cầu công an đưa trẻ đi giám định hoặc đưa trẻ đi khám tại Khoa Cấp cứu bệnh viện gần nhất theo quy trình hỗ trợ trẻ bị XHTD theo Quyết định của Bộ Y tế. Sau khi bệnh viện có chẩn đoán ban đầu, cha mẹ yêu cầu công an huyện/quận phải ra quyết định trưng cầu giám định đối với nạn nhân ngay và yêu cầu các cơ quan phải bảo mật tất cả các thông tin liên quan nạn nhân và gia đình.
Cha mẹ cần giữ bình tĩnh, không thể hiện sự tức giận, hoảng hốt, mất tự chủ sẽ khiến trẻ hoảng sợ hơn. Cha mẹ hãy khẳng định việc con kể ra là điều đúng đắn, đó không phải là lỗi của con, cha mẹ sẽ luôn ở bên giúp con, bảo vệ con.
Khi nghe con kể chuyện và hỏi chuyện con, cha mẹ nên dùng câu hỏi mở, đơn giản như "Con có thể kể về…", "Điều gì đã xảy ra khi…"…
Khi con chưa sẵn sàng kể chuyện, cha mẹ không nên ép trẻ kể về sự việc, làm tổn thương trẻ thêm.Chỉ cần nói đơn giản "Con chưa thể nhớ ra mọi chuyện ngay bây giờ cũng không sao, lúc nào con nhớ cái gì thì lại kể cho bố mẹ nhé".
TS Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng, chúng ta vẫn có những rào cản lớn khiến những ông bố bà mẹ không dám lên tiếng. Nạn nhân và gia đình im lặng bởi họ sợ rằng nếu nói ra, con cái họ sẽ bị mất tương lai, bị đàm tiếu, thậm chí, nhiều gia đình còn phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Cũng chính từ tâm lý đó mà nhiều gia đình chọn phương án hòa giải. "Với các vụ việc nghiêm trọng, hòa giải không những không giải quyết được vấn đề mà còn vi phạm pháp luật".
Trẻ bị XHTD vô cùng tổn thương và căm hận kẻ xâm hại, khi kẻ ác bị pháp luật trừng trị cũng giúp trẻ giải tỏa một phần tâm lý. Cha mẹ dũng cảm lên tiếng sẽ vạch mặt kẻ xấu, không cho chúng có cơ hội tiếp tục phạm tội, tức là đang bảo vệ con em mình và những người khác.
* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn