Hiện nay, khi điều kiện sống tốt hơn, nhiều bậc cha mẹ bắt đầu cho con em mình sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng khác nhau, với hy vọng tăng cường miễn dịch cho trẻ, giảm bệnh tật, giúp con cao lớn, thông minh hơn… Vì vậy, đông trùng hạ thảo, nhân sâm, yến sào, sữa ong chúa… đều có sẵn cho trẻ em chứ không chỉ dành riêng cho lứa tuổi trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên, không phải loại thuốc bổ nào cũng có thể cho trẻ uống, một số loại đồ bổ dưỡng không những không tốt cho sức khỏe mà còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Dưới đây là 5 loại “sản phẩm sức khỏe” không nên cho trẻ ăn
1. Đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo là một trong những thảo dược quý giá, được cho là có nhiều tác dụng như tăng cường sức đề kháng, phục hồi và bồi bổ cơ thể, giảm căng thẳng mệt mỏi, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, chống lão hóa, làm đẹp da… Vậy chúng ta có nên dùng đông trùng hạ thảo cho trẻ em hay không?
Câu trả lời là trẻ dưới 10 tuổi không được sử dụng Đông trùng hạ thảo, bởi độ tuổi này, cơ thể bé không đủ khả năng để hấp thu lượng dinh dưỡng quá lớn từ đông trùng hạ thảo. Nếu sử dụng không đúng cách, bé sẽ có nguy cơ bị phát dục sớm. Nếu trẻ đang bị sốt mà sử dụng trùng thảo sẽ khiến bé sốt cao hơn, dẫn đến co giật, rất nguy hiểm.
2. Nhân sâm
Một trong những đặc tính của nhân sâm là kích thích cơ thể tiết ra các nội tiết tố sinh dục. Nếu tùy tiện cho trẻ dùng thực phẩm hoặc các thức ăn có chứa nhân sâm có thể kích thích quá trình phát dục khiến trẻ dậy thì sớm, nhất là những bé dưới 14 tuổi. Hơn nữa, nhân sâm dùng không cẩn trọng còn có thể khiến trẻ bị rối loạn đường tiêu hóa, thần kinh không bình thường, lâu dài dẫn đến mất ngủ và dễ bị kích động.
Và hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy việc ăn nhân sâm có thể giúp trẻ phát triển tốt hơn, trong khi đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ nhỏ ăn nhân sâm sẽ tăng những rủi ro không đáng có.
3. Sữa ong chúa
Sữa ong chúa được rất nhiều người thích sử dụng, nhưng cần lưu ý tránh cho trẻ nhỏ ăn:
Thứ nhất, sữa ong chúa có chứa một lượng hormone estrogen nhất định. Khi trẻ ăn sẽ kích thích cơ thể tiết estrogen, khiến chiều cao và cân nặng tăng nhanh. Đây là nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm.
Thứ hai, một số hormone và enzym trong sữa ong chúa và các protein dị tính có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người dễ bị dị ứng.
Thứ ba, nếu chất lượng sữa ong chúa không tốt, không đủ độ tinh khiết, có thể chứa phấn hoa… không phù hợp với cơ địa dị ứng, đặc biệt là trẻ em bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn.
4. Sữa non
Sữa non của mẹ rất giàu chất dinh dưỡng, các yếu tố miễn dịch cao gấp mấy lần sữa thông thường nên đây là thức ăn đầu đời quý giá nhất của trẻ. Do đó, sữa non được các thương gia coi trọng.
Tuy nhiên, ngay từ năm 2012, Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Y tế Quốc gia (Trung Quốc) đã cấm bổ sung sữa non của bò vào sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh: không được thêm sữa non và các sản phẩm từ sữa được sản xuất từ sữa non của bò làm nguyên liệu (trong thực phẩm thông thường). Các sản phẩm sữa được bổ sung sữa non của bò làm nguyên liệu phải tuân theo các tiêu chuẩn thực phẩm tương ứng.
Tại sao vậy? Vì sữa non của bò giúp cải thiện khả năng miễn dịch của bê con, nên không chắc liệu nó có hiệu quả đối với trẻ em hay không và liệu có tác dụng phụ hay không. Ngoài ra, hàm lượng protein và canxi trong sữa non của bò cao hơn, các chất dinh dưỡng phức tạp hơn, có khả năng làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa và thận của bé.
5. Yến sào, hải sâm
Những sản phẩm dinh dưỡng này nhìn chung rất đắt tiền, nghe tên thì ai cũng cảm thấy rất quý và bổ dưỡng. Trong thực tế, nó chủ yếu chứa hàm lượng protein cao. Tuy nhiên, hàm lượng protein của hải sâm thực tế chỉ tương đương với tôm sông thông thường và cá diếc.
Protein của yến sào chủ yếu là collagen, thành phần axit amin không gần với mức cơ thể con người cần, nên có thể cho trẻ ăn nhiều sữa, trứng, cá, tôm, thịt… Hải sâm chứa nhiều sắt nhưng về mặt bổ sung sắt thì không bằng gan lợn.
Do đó, cha mẹ không cần phải cho trẻ ăn yến sào hay hải sâm. Những thực phẩm thông thường cũng giúp bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Vậy, những chất dinh dưỡng nào thực sự cần cung cấp cho trẻ?
Vitamin D: Vitamin D thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi, thúc đẩy sự phát triển của xương, chống còi xương.
DHA và sắt: DHA đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển bình thường của não, võng mạc và các mô thần kinh khác, và trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi nên tiêu thụ 100 mg mỗi ngày.
Thiếu sắt và thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng thiếu dinh dưỡng đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thiếu sắt lâu dài có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển phát triển trí tuệ của trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn