Ông Vũ Vinh Phú: Con số 5% số hàng có vấn đề bao đến từ nhiều phía: lỗi từ siêu thị, cũng có cả lỗi từ người sản xuất và nhà cung ứng.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội |
Về lỗi từ phía siêu thị, dù tôi là người đầu tiên mở siêu thị cách đây 21 năm nhưng tôi cảnh giác quản trị siêu thị bởi vì anh giám đốc không có chủ trương nhưng vấn đề có thể đến từ cán bộ nghiệp vụ, họ kiểm định không kỹ.
Trong quá trình bán ra cũng có thể có vấn đề. Cụ thể, nếu thịt hộp hết hạn thì siêu thị phải chịu trách nhiệm. Hoặc như có khi người ta đưa vào là cá tươi nhưng nếu siêu thị không bảo quản tốt thì đó là lỗi của siêu thị.
Ngoài ra, nếu đầu vào bẩn ngay thì anh làm nghiệp vụ ở siêu thị phải chịu trách nhiệm vì tại sao bẩn mà anh vẫn cho nhập? Trước đây tôi phân công từng người theo dõi từng bộ phận, sai ở bộ phận nào, người đó phải chịu trách nhiệm, hạ loại thi đua ngay.
Tuy nhiên, có những những lỗi không thuộc về siêu thị nó cũng nằm trong số 5% đó. Ví dụ như Hợp tác xã rau Ba Chữ hết rau sạch họ đưa cả rau bẩn vào để rao hàng cho siêu thị. Đó hoàn toàn không phải là lỗi của siêu thị. Rau Ba Chữ đã đưa hàng giả vào siêu thị nhưng vì siêu thị không có phòng kiểm nghiệm nên không phát hiện ra được.
Còn một trường hợp nữa, lỗi cũng thuộc về nhà cung ứng, ví dụ như nước uống C2 và Rồng Đỏ của URC có chứa chì thì siêu thị không thể biết được bởi vì họ đã có giấy phép sản xuất, lưu hành. Siêu thị không thể đập cái chai nước đó ra để mà phân tích các chất.
Nếu chai C2 hay Rồng Đỏ hết hạn sử dụng thì đó là lỗi của phía siêu thị nhưng còn hạn và trong ruột như thế nào thì nhà cung ứng phải chịu trách nhiệm.
Con số 5% chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng cũng phải nêu ra nhất là đối với những siêu thị kém chuyên nghiệp.
Tôi nghĩ chúng ta phải rạch ròi ra, công đoạn nào ai chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi hoàn toàn cho nhà cung ứng, mà cũng không đổ lỗi hoàn toàn cho siêu thị.
PV: Dù việc phân trách nhiệm về thực phẩm bẩn đã rõ ràng, nhưng theo ông đâu là lý do khiến con số 5% tồn tại? Phải chăng khâu xử lý sai phạm chưa nghiêm?
Ông Vũ Vinh Phú: Tôi cho rằng xử lý những trường hợp vi phạm phải nghiêm, đừng có đánh phủi bụi. Phạt vài triệu thì đừng có phạt. Theo tôi, nặng là phải rút đăng ký kinh doanh, thậm chí truy tố.
Thứ hai là những thứ ăn uống, mà để hậu kiểm thì chết rồi, vứt đi. Lúc hậu kiểm thì hàng vạn chai nước, hàng chục tấn thịt đã ra thị trường rồi. Lúc đó còn hậu kiểm cái gì nữa. Bài học về việc URC phải thu hồi hàng chục nghìn chai nước nhiễm chì nhưng kết quả là chỉ thu hồi được một phần rất nhỏ. Vấn đề là phải tiền kiểm từng lô, dán tem. Nhưng việc tiền kiểm không được lấy phí và không gây phiền hà cho nhà sản xuất.
Vẫn còn một số lượng hàng hóa trong các siêu thị không đảm bảo vệ sinh anh toàn thực phẩm (Ảnh minh họa) |
PV: Vậy ông thấy việc vừa rồi xử phạt một số đơn vị có thực phẩm, đồ uống "bẩn" đã thuyết phục chưa?
Ông Vũ Vinh Phú: Ăn thua gì. Tôi nghĩ rằng hình thức phạt tiền là rất vô vị, chỉ có tác dụng trong lần đầu thôi, còn lần sau thì hãy kết thúc nó đi, đóng cửa nó đi.
Tuy nhiên, bên cạnh việc họ bị phạt nặng thì cái quan trọng là những nhãn hàng mà đã bị phát hiện là mất vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ mất uy tín đối với siêu thị. Kể cả thu hồi xong thì vẫn mất uy tín dù lỗi không phải của siêu thị. Không phải là vấn đề doanh số hay chỉ là vấn đề thu hồi mà đó là vấn đề về uy tín thương hiệu đối với siêu thị và đối với người tiêu dùng.
Cách đây 10 năm tôi đã nói rằng vấn đề của Việt Nam hiện nay nếu xếp theo thứ tự thì môi trường là số 1, thứ 2 mới là kinh tế. Trong vấn đề môi trường thì có cả môi trường ăn uống. Không khí ô nhiễm, nước ô nhiễm, đất ô nhiễm thì sao có thể có rau sạch được...
PV: Có siêu thị nào báo cáo lên Hiệp hội về cách ứng xử của siêu thị đối với những nhãn hàng đã từng bị thu hồi do bị coi là "bẩn"?
Ông Vũ Vinh Phú: Không. Chẳng có siêu thị nào nói cả. Ngay cả với nước giải khát C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì của URC cũng không. Thực ra trong siêu thị không phải bán nhiều vì nước giải khát thì có nhiều loại.
Ai lại nói ra là tôi bán URC nhiều nhất thì chết luôn. Trong siêu thị mà thu hồi được cũng chỉ là thu hồi số còn lại thôi.
PV: Theo ông, đâu là cái gốc của vấn đề trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn hiện nay?
Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi đó là: Tiền kiểm, xử lý nghiêm, kiểm tra tận gốc. Nếu không thì sau URC sẽ có URB... Các nhà quản lý bây giờ nên chặn từ nhà sản xuất, phải tiền kiểm. Đừng có thả gà ra mà đuổi.
PV: Ông có nghĩ rằng đối với hàng ăn uống, để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc thì chúng ta nên tiến hành tiền kiểm nhiều vòng không?
Ông Vũ Vinh Phú: Tiền kiểm tất cả những gì cho vào bụng. Và hãy làm trong sạch đội ngũ đi kiểm tra, tiền kiểm trước khi họ đi kiểm tra, đi tiền kiểm.
Vấn đề nó phải rõ ràng. Hay cũng như vấn đề đó là đừng gọi người tiêu dùng là người tiêu dùng thông thái mà các cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng. Người tiêu dùng dùng mắt thường thì làm sao mà phát hiện các độc tố hay những thành phần không có lợi cho sức khoẻ ở trong thực phẩm được.
Tôi chỉ lấy một ví dụ về việc các nước trên thế giới đã tiền kiểm thực phẩm trước khi ra thị trường tốt như thế nào, đó là việc tiền kiểm thịt lợn. Ở một số nước trên thế giới, một con lợn được nuôi theo quy trình thì việc nó được ăn những thức ăn như thế nào, được tiêm phòng hoặc tiêm chữa bệnh vào ngày nào đều được ghi lại vào nhật ký sản xuất. Đến khi muốn thịt con lợn thì phải có sự bảo đảm từ một cơ quan giám sát. Nếu không được mổ mà vẫn cố tình mổ thì đi tù ngay.
Quan điểm của tôi trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đó là khen thưởng phải đi đôi với xử phạt chứ không chỉ xử phạt không.
Xin cám ơn ông!