5 hiểu nhầm nguy hiểm về tự tử cha mẹ thường mắc

17:33 | 05/01/2018;
Một trong những nguyên nhân dẫn tới số lượng học sinh trung học tự tử tăng cao đó là phụ huynh và giáo viên đã xao nhãng, không kịp thời phát hiện những vấn đề của trẻ.


Điều này xuất phát từ việc người lớn có những hiểu nhầm đáng tiếc, vì thế không nhận thức rõ về vấn đề tự tử ở trẻ em,

Theo ông David Jobes, người đứng đầu Phòng nghiên cứu phòng chống tự tử, Đại học Catholic ở Washington (Mỹ), hiểu nhầm thường gặp và nguy hiểm nhất về tự tử, đó là “trẻ em không tự giết chính mình”. Điều này hoàn toàn sai. Trẻ em từ 5 tuổi đã biết quyết định tính mạng của mình.

Thêm một hiểu nhầm nữa: Tự tử là một quyết định bốc đồng, được thực hiện trong lúc nóng giận. Điều này không đúng. Trẻ em có thể dành hàng tuần nghĩ về điều này và lên kế hoạch cho cái chết của bản thân. Một lần nữa, Jobes cho rằng, trường học có vai trò quan trọng trong điều này.

“Trẻ sẽ tiết lộ cho bạn bè biết về điều đó, úp mở, viết những bài luận mà giáo viên có thể đoán được...”. Chắc chắn trẻ muốn tự tử không bao giờ nói về ý định đó với bố mẹ của mình.

 

Chuyên gia David Jobes đã thống kê 5 hiểu nhầm nguy hiểm mà phụ huynh và giáo viên thường mắc phải:

  1. Nói với trẻ về tự tử sẽ khiến trẻ tự tử

Có nhiều vấn đề liên quan đến các chứng bệnh tâm thần trong văn hóa và xã hội. Thường thì tự tử bị bêu xấu và kỳ thị. Dường như tốt nhất không nên nói về nó mà hãy né tránh, và đó chính là vấn đề của người lớn. Bởi chúng ta cần phải hỏi, cần phải can thiệp để cứu mạng sống của trẻ.

Chúng ta phải trực tiếp trò chuyện với trẻ về những vấn đề trẻ gặp phải để kịp thời “gỡ rối” cho con, thay vì thờ ơ để con tự đối mặt.

  1. Trầm cảm là nguyên nhân của tất cả các vụ tự tử

Điều này hoàn toàn sai. Có hàng triệu người Mĩ bị trầm cảm. Chỉ một phần nhỏ trong số đó tìm đến cái chết. Vậy nên trầm cảm và tự tử không đồng nghĩa với nhau. Trung bình, mỗi ngày có hơn 100 người Mĩ chết vì tự tử. Chỉ 40 - 50 trong số đó có thể bị trầm cảm.

 
  1. Chúng ta không thực sự ngăn chặn được tự tử

Rõ ràng, với những phát hiện kịp thời và hỗ trợ thích hợp, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt và cứu được tính mạng của trẻ. Khi những người tự tử nói về vấn đề này, phần lớn họ không thực sự muốn chết. Họ đang cho người khác thấy những dấu hiệu, cảnh báo để được giúp đỡ. Một số dấu hiệu cảnh báo chính là trầm cảm, mất tập trung, mất ngủ, khó chịu.

  1. Tự tử là một quyết định bốc đồng

Những người có ý định tự tử thường suy ngẫm, tưởng tượng về nó từ trước đó rất lâu, viết thư tuyệt mệnh, đăng lên Internet. Sau nhiều ngày hoặc nhiều tuần, họ mới thực hiện ý định của mình.

Điều đó cũng tương tự ở trẻ em, vậy nên, phụ huynh và giáo viên cần chú ý theo dõi biểu hiện của trẻ, tìm hiểu thêm thông tin qua bạn bè của trẻ bởi đó là những người trẻ sẽ trò chuyện và rất có thể chia sẻ về ý định của mình.

  1. Trẻ em từ 5 đến 12 tuổi không thể tự tử

Trẻ em vẫn có thể tự tìm đến cái chết. Mỗi năm, có khoảng 30 -35 trẻ em dưới 12 tuổi tại Mĩ tự tử. Thật khó để tưởng tượng rằng một đứa trẻ 5 hay 6 tuổi thực sự biết được ý nghĩa của câu “Tôi muốn giết chính mình!”. Nhưng các kết quả nghiên cứu với trẻ em cho thấy trẻ hiểu được điều này, và có ý định thực hiện nó.

* Một báo cáo mới đây cho thấy, lần đầu tiên, tỷ lệ học sinh trung học tự tử ở Mĩ đã vượt quá tỷ lệ tử vong do tai nạn xe hơi. Mỗi ngày, hàng ngàn thanh thiếu niên ở Mĩ có ý định tự sát - là kết quả khắc nghiệt của việc hàng triệu trẻ em phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe tinh thần.

* Ông David Jobes, người đứng đầu Phòng nghiên cứu phòng chống tự tử, Đại học Catholic ở Washington: Trẻ em dành rất nhiều thời gian ở trường, ở đó như một xã hội thu nhỏ vậy. Việc ngăn chặn tự tử phải tập trung vào các trường học trong dài hạn, vì đó là nơi những biểu hiện bất thường của bọn trẻ sẽ lộ ra. Nhiều giáo viên không thấy thoải mái khi nhắc đến tự tử, hoặc thường xuyên rơi vào tình trạng bối rối không biết làm gì hay nói gì khi học sinh của họ cần tới sự giúp đỡ. Thật sự rất khó để ngăn chặn nếu chúng ta không được biết tới nguy cơ tiềm ẩn. Do vậy giáo viên không nên sợ hãi cụm từ “tự tử”, bởi việc cứu sống một người thường bắt đầu bằng việc “hỏi một câu hỏi”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn