Nếu như Tết với sinh viên là bức tranh của sự xả hơi sau kỳ thi thì với những anh chị đã ra trường, lăn lộn với đời đôi ba năm, Tết đến gắn liền với mong đợi tháng lương thứ 13, với các deadline theo sát gót chân, những trăn trở chi tiêu đón Tết.
Tất niên sinh viên Rẻ - Nhanh - Vui, tất niên công sở Ngon - Kéo dài bất tận - Niềm vui lơ lửng
Trong văn hóa lâu đời của Việt Nam, tất niên hay cúng tất niên là một nghi thức nhằm ghi nhận việc kết thúc một năm và chuẩn bị bước sang năm mới. Đón Tết đến mà thiếu một bữa tiệc tất niên hay liên hoan cuối năm sẽ khó tránh khỏi cảm giác trống vắng trong đời sống tinh thần người Việt.
Với số tiền ít ỏi, tất niên của sinh viên rất đơn giản, siêu Rẻ - siêu Nhanh – siêu Vui. Nó có thể là nồi lẩu tự nấu hoặc con gà nướng, ổ bánh mì dài, một ít bánh tráng trộn, trái cây, nước ngọt, vài lon bia mua từ siêu thị hoặc tiệm tạp hóa, góp thêm chút văn nghệ cây nhà lá vườn. Chi phí bình quân cao nhất 70.000đ - 100.000 đồng/người.
Khác với sinh viên, bữa tiệc tất niên của dân công sở là một hoạt động thường niên của công ty, công ty càng ăn nên làm ra thì quy mô tổ chức tiệc càng lớn. Nó có thể trong một sảnh lớn của nhà hàng khách sạn 5 sao, hoặc tại các hàng quán uy tín – nơi anh chị em cùng công ty được dịp gặp gỡ, giao lưu, cùng nhìn lại chặng đường một năm, cùng lắng nghe chia sẻ của cán bộ lãnh đạo về các mục tiêu chiến lược cho năm sau.
Ngoài ra, tùy theo từng chính sách của công ty, dân công sở đi dự tiệc còn có thể mang về nhiều phần quà hấp dẫn. Tiệc tất niên công sở không chỉ diễn ra ở cấp công ty, nó nhân bản lên thành các tiệc trong bộ phận, trong phòng ban và cả tiệc từ anh em cùng lĩnh vực. Vậy nên nó thường kéo dài bất tận từ một tuần trước 29, 30 tháng Chạp. Chi phí bình quân một cuộc vui từ 500.000 đồng/người, chưa kể đến tăng 2, tăng 3. Niềm vui của dân công sở cũng theo đó lơ lửng theo từng lon bia, chai rượu và hóa đơn thanh toán.
Tết đến, sinh viên mua quà tặng gia đình - Dân công sở mua quà tặng thân giao
Tâm lý sinh viên về quê đón Tết cũng muốn làm ba mẹ vui lòng không chỉ bởi bảng thành tích học tập mà còn là những món quà đơn giản được mua từ tiền làm thêm hoặc tiết kiệm từ tiền sinh hoạt. Với sự đa dạng mẫu mã, chủng loại và giá cả từ các chợ, các siêu thị giá rẻ bình dân, không khó để các bạn sắm thêm được cho ba chiếc áo sơ mi, cho mẹ tấm vải, cho bàn thờ tổ tiên giỏ quà Tết hay cho đứa em nhỏ chiếc quần jeans ưa thích. Giá trị quà tặng tính theo tiền tệ dao động từ 150.000 - 200.000 đồng nhưng về tinh thần lại vô giá.
Dân công sở đi làm có tiền hơn, đương nhiên vẫn sẽ nghĩ đến gia đình nhưng thêm vào đó còn ngược xuôi lo quà Tết chất lượng dành tặng anh em xã hội – những người đã giúp đỡ mình trong công việc. Giá trị món quà có khi đến tiền triệu, tùy vào khả năng từng người. Nó không chỉ là tình nghĩa mà còn là cơ hội cho biết bao kế hoạch của năm mới.
Đêm giao thừa, sinh viên không ở nhà thì ở phố - Dân công sở giao thừa không nhà, không phố thì ở công ty
Giao thừa là thời khắc vô cùng quan trọng đối với mọi nền văn hóa. Mọi người luôn tin rằng vào thời khắc ấy, mọi bộn bề của năm cũ sẽ được gác lại, chỉ còn niềm vui, sự hân hoan hiện diện cho một năm mới sang.
Không kể đến các bạn sinh viên chọn ở lại phố làm thêm kiến tiền mùa Tết, hầu hết sinh viên về quê với gia đình thì thường đón giao thừa bên nồi bánh trưng, mâm cỗ, coi truyền hình, xem pháo hoa trên TV hoặc ra phố phường, hòa vào dòng người, thích thú xem pháo hoa trực tiếp, đi hái lộc đến sáng mùng 1.
Cũng giống như sinh viên, đại đa số dân công sở cũng có những niềm vui tương tự vào đêm giao thừa. Tuy nhiên, có một số công việc đặc thù như công an, bác sĩ, lễ tân khách sạn... buộc dân công sở vẫn phải đón giao thừa ngay tại nơi làm việc, không pháo hoa, không mâm cơm sum vầy, họ tạm gác lại những niềm vui đời thường ấy để tiếp tục miệt mài hoàn thành trách nhiệm công việc.
Sinh viên hân hoan nhận lì xì - Dân công sở chóng mặt đi lì xì
Tết đặc biệt không chỉ bởi mai đào mà còn từ màu đỏ thắm của những phong bao lì xì với biết bao câu chúc năm mới đầy ý nghĩa.
Sinh viên, dù đã qua tuổi 18 nhưng vẫn còn nhỏ bé trong mắt người thân, vẫn được lì xì mừng tuổi như một cách gia đình động viên, khích lệ học tập chăm chỉ hơn, đạt nhiều thành tích tốt hơn. Không thể phủ nhận rằng, được lì xì càng nhiều thì cảm giác càng vui.
Sau khi ra trường, dân công sở ngay lập tức được truyền ngôi đi lì xì, tiếp nối truyền thống của gia đình, nuôi dưỡng tiếp niềm vui cho các em thơ và thay cha mẹ trả “nợ” tình thân. Câu hỏi lì xì bao nhiêu khó tránh không lởn vởn trong tâm trí dân công sở bởi ít quá thì mang tiếng trong nhà, nhiều thì viêm màng túi, giữa giữa thì vẫn chưa thực sự làm ba mẹ nở mày nở mặt với bạn bè, họ hàng.
Ra Tết, sinh viên tiếp tục học - Dân công sở loay hoay nên tiếp tục hay dừng lại
Sinh viên từ các tỉnh thành lại khăn gói về với giảng đường, mang theo tình yêu thương và hy vọng của mẹ cha, hành lý ngày về chỉ có quần áo nhưng khi đi lại nặng hơn vì có cả đòn bánh tét, bịch mứt, trái cây quê nhà. Thế rồi, những màu áo trắng ấy lại cặm cụi trên ghế nhà trường, lắng nghe thầy cô dạy và viết tiếp giấc mơ đời sinh viên.
Dân công sở đi làm trọn một năm để hưởng tháng lương thứ 13 nhưng thực sự thích công việc hiện tại hay không thì mỗi năm đều không ngừng tự hỏi. Dù vậy, với áp lực cơm áo gạo tiền, ra tết, gần như tất cả dân công sở vẫn bỏ ngõ câu hỏi ấy, vẫn kiên trì tiếp tục hành trình của mình với hy vọng mỗi năm thu nhập sẽ tốt hơn; một số khác vẫn đi làm trong sự đắn đo, tiếp tục hay dừng lại; một cơ số ít còn lại sẽ mạnh dạn rẽ ngang, thay đổi và chấp nhận thử thách, quyết tâm giải mã được con đường thực sự mình thuộc về.
Dù bạn đang là sinh viên hay là dân công sở, bạn vẫn luôn có những cảm xúc rất riêng ở từng chặn đường, vì thế Tết không chỉ vui mà còn chứa đựng nhiều nỗi niềm khác nhau. Điều duy nhất không đổi đó là Tết vẫn luôn khoác lên mình màu xanh của hy vọng, màu đỏ của nhiệt huyết, màu vàng của sự kiên định và vô vàn gam màu đẹp đẽ khác. Chỉ cần bạn luôn nhìn nó với ánh mắt của tình yêu và và một trái tim ấm áp, Tết sinh viên hay Tết công sở đều sẽ an lành và hạnh phúc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn