Vào mùa hè, mẩn ngứa và rôm sảy là tình trạng phổ biến mà nhiều người gặp phải, nhất là trẻ em. Do thời tiết nóng nực, các loại vi khuẩn trú ngoài da và bài tiết chất nhờn khiến cho các tuyến mồ hôi của cơ thể bít tắc và gây ra các vấn đề về da như phát ban, mẩn ngứa, rôm...
Theo dân gian, sử dụng lá cây để tắm có thể giảm ngứa và cải thiện nhanh chóng tình trạng mẩn ngứa và rôm sảy. Dưới đây là 5 loại lá cây có trong vườn nhà mà mọi người có thể sử dụng.
Trà xanh không chỉ là một loại đồ uống có nhiều lợi ích đối với sức khỏe mà còn có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý da liễu.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy hợp chất polyphenolic chính có trong trà xanh, EGCG (epigallocatechin-3-gallate), được phát hiện có nhiều đặc tính trị liệu, trong đó bao gồm cả chống viêm, ức chế và tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại.
Vì vậy, trà xanh rất hữu ích trong việc điều trị các tình trạng về da như viêm da, mẩn ngứa, rôm sảy... Mọi người chỉ cần dùng khoảng 30g lá trà xanh, đun sôi rồi lọc lấy nước tắm. Để tăng hiệu quả có thể cho thêm khoảng 3g muối vào nước tắm trà xanh.
Diếp cá là một loại rau được sử dụng hàng ngày, đặc biệt được ưa chuộng vào những ngày hè vì có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trị phế ung, nhọt lở, nhiệt lâm, tiểu tiện đau buốt... (Theo Đông y).
Ngoài ra, diếp cá có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn coli, leptospira, nấm... Cũng nhờ đặc tính chống viêm nên rau diếp cá có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý ngoài da như mụn, mẩn ngứa.
Mọi người có thể đun rau diếp cá làm nước tắm hoặc uống để thanh nhiệt từ bên trong. Tuy nhiên, rau diếp cá có mùi hơi tanh và có thể gây khó chịu cho nhiều người. Do đó, khi tắm bằng loại lá này, cơ thể có thể sẽ lưu hương của diếp cá.
Một số nghiên cứu về các chất chiết xuất từ lá ổi khác nhau, bao gồm cả trà lá ổi, đã chứng minh các đặc tính chống vi khuẩn và chống nấm. Có một số hợp chất trong lá có thể góp phần tạo nên những đặc tính này bao gồm flavonoid (chất chống oxy hóa), tanin và axit (gallic và betulinic).
Do đó, dùng nước lá ổi để tắm có thể ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh da liễu mà vi khuẩn gây ra. Hơn nữa, chiết xuất lá ổi cũng hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn gây mụn nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.
Để giảm tình trạng mẩn ngứa, mề đay hay rôm sảy bằng lá ổi, mọi người có thể thực hiện theo cách sau:
- Đầu tiên hái khoảng một nắm lá ổi to, có thể chọn lá bánh tẻ hoặc lá già, sau đó đem rửa sạch
- Cho lá ổi vào nồi, đổ nửa nồi nước rồi đun sôi
- Lọc nước và đem đi tắm. Tuy nhiên, mọi người nên chờ cho nước nguội tự nhiên, không nên đổ thêm nước lạnh để pha loãng.
Thực hiện mỗi ngày một lần cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
Theo Đông y, kinh giới có tính ấm, cay, không chỉ hỗ trợ điều trị cảm mạo, sốt, cúm, nhức đầu, hoa mắt... mà còn có tác dụng cải thiện tình trạng sởi, lở ngứa, mụn nhọt… nhờ đặc tính kháng virus, kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa.
Để giúp thanh nhiệt, giải độc, trị mẩn ngứa, mụn nhọt, rôm sảy, mọi người có thể sắc kinh giới sao vàng nên uống trong ngày hoặc đun kinh giới tươi để làm nước tắm.
Duy trì hàng ngày đến khi thấy các triệu chứng đã được cải thiện rõ rệt.
Ngải cứu được biết đến như một vị thuốc trong Đông y, có rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ như hỗ trợ điều trị đau nửa đầu, điều hoà kinh nguyệt, hoạt huyết cầm máu, tốt cho hệ tiêu hóa...
Ngoài ra, ngải cứu có đặc tính sát khuẩn, chống viêm nên hữu ích trong việc giảm ngứa ngáy do nổi mẩn. Hơn nữa, trong tinh dầu của ngải cứu có chứa một số hoạt chất tương tự như chất kháng sinh và chất làm giảm đau tự nhiên nên thường được dùng để giảm mụn nhọt, rôm sảy...
Đun ngải cứu tắm hàng ngày có thể cải thiện tình trạng mẩn ngứa ngoài da. Trong trường hợp bị nổi mề đay, mọi người có thể giã nát ngải cứu đã được làm sạch cùng với một chút muối. Sau đó, đắp trực tiếp lên vùng da bị mề đay, nhưng nên lưu ý không được đắp vào vết thương hở.
Các loại là cây trên đều có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm nên có thể được dùng để hỗ trợ điều trị một số tình trạng da liễu như nổi mẩn, rôm sảy. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại lá này, mọi người nên lưu ý:
- Sử dụng lá cây để tắm giúp giảm mẩn ngứa, rôm sảy là các bài thuốc dân gian, chỉ mang tính hỗ trợ điều trị và không thể thay thế được các chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị mẩn ngứa, rôm sảy từ lá cây thường không có tác dụng nhanh nên bạn cần kiên trì thực hiện.
- Đối với những người có làn da nhạy cảm hoặc bị các bệnh da liễu khác, nên thận trọng khi tắm bằng nước lá cây, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Khi tắm nước lá cây mà thấy da bị đỏ rát, triệu chứng mẩn ngứa, rôm sảy không thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám và điều trị theo chỉ định từ bác sĩ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn