5 loại thuốc mùa mưa bão cần có trong tủ thuốc gia đình

11:23 | 19/07/2023;
Mùa mưa bão đang bắt đầu, để đảm bảo sức khỏe thì ngoài việc liên hệ với các cơ sở y tế khi có bệnh, các gia đình nên dự phòng một số loại thuốc OTC trong nhà phòng trường hợp cần thiết.

Mưa bão kéo dài khiến cho nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm, đây là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn sinh sôi, phát triển, dễ dẫn đến bùng phát nhiều căn bệnh nguy hiểm như: sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tiêu chảy, cảm cúm… Dưới đây là các loại thuốc mà gia đình nên dự phòng trong mùa mưa bão năm nay:

1. Thuốc hạ sốt và giảm đau nhức

Một số loại bệnh dễ gặp trong mùa mưa bão như cúm, cảm lạnh, sốt xuất huyết... có thể gây sốt và đau mỏi người. Gia đình nên dự phòng paracetamol các liều cho trẻ nhỏ và người trưởng thành phòng ngừa khi sốt cao, tránh co giật và gây nhiều biến chứng nguy hiểm (tai biến) do sốt cao không kịp hạ gây ra.

Ngoài paracetamol thì gia đình có thể dự phòng ibuprofen. Loại này thường được sử dụng cho trẻ em để hạ sốt và giảm đau đơn giản khi mọc răng, sốt do bệnh lý thông thường. Tuy nhiên với những trẻ bị hen suyễn, đang có các vấn đề gan thận, có nguy cơ chảy máu cao, trẻ mắc bệnh viêm ruột bao gồm Crhohn hay viêm loét đại tràng, thủy đậu thì cha mẹ không nên cho trẻ dùng ibuprofen.

Một số gia đình dự phòng Aspirin nhưng nên thận trọng với thuốc giảm đau hạ sốt này, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Aspirin dùng không đúng cách có thể gây hội chứng Reye.

5 loại thuốc mùa mưa bão cần có trong tủ thuốc gia đình - Ảnh 1.

Chuẩn bị thuốc hạ sốt và giảm đau OTC theo độ tuổi của các thành viên trong gia đình (Ảnh: Internet)

Hướng dẫn sử dụng paracetamol:

- Liều lượng: 10 - 15mg/1kg cân nặng

- Thời gian dùng cách nhau từ 4 - 6 tiếng

- Cho người sốt uống nhiều nước, phòng nguy cơ mất nước

- Theo dõi bất thường, nếu sốt cao không hạ và không đáp ứng với thuốc cần liên hệ ngay với cơ sở y tế.

2. Nhóm thuốc tiêu hóa

Dưới điều kiện môi trường (bao gồm nước uống và thức ăn) dễ bị nhiễm khuẩn sau mưa bão mà các nhóm bệnh liên quan tới tiêu hóa cũng có nguy cơ gia tăng. Đặc biệt là ở các khu vực bị lũ lụt, trẻ em và người già hệ miễn dịch kém dễ mắc bệnh như tiêu chảy, tả lỵ, thương hàn, ngộ độc thực phẩm, nhiễm độc thực phẩm từ vi khuẩn E.coli hay Campylobacter hơn.

Các loại thuốc tiêu hóa OTC thông thường có thể dự phòng trong gia đình có thể là berberin (kháng sinh trị tiêu chảy có nguồn gốc thực vật); dung dịch bù điện giải oresol (gói bột hoặc pha sẵn); smecta hoặc loperamid 2mg.

5 loại thuốc mùa mưa bão cần có trong tủ thuốc gia đình - Ảnh 2.

Tiêu chảy phổ biến vào mùa mưa bão (Ảnh: Internet)

Lưu ý khi sử dụng các thuốc tiêu hóa tại nhà:

- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc để kiểm tra về thời gian uống, liều lượng uống và độ tuổi phù hợp dùng thuốc. Chẳng hạn như loperamid là thuốc điều trị tiêu chảy cấp tính không sử dụng cho trẻ dưới 8 tuổi...

- Chú ý các dấu hiệu chuyển nặng như mất nước không bù được bằng đường uống, phân lẫn dịch nhầy màu hồng (lẫn máu), đau bụng co thắt, nôn mửa liên tục không cầm... để di chuyển tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

- Với các thuốc cần kê đơn, người dân không nên tự ý mua và sử dụng khi không có chỉ định từ bác sĩ.

3. Nhóm thuốc bôi ngoài da

Sau mưa bão, độ ẩm không khí cao cộng với nguồn nước nguy cơ bị ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh sẽ gây các bệnh ngoài da thường gặp như nấm ăn chân, ghẻ lở, viêm nang lông… hầu hết nguyên nhân do thiếu nước sạch sinh hoạt, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Những vết lở loét này nếu không điều trị kịp thời sẽ nhiễm trùng lan rộng hoặc lây lan ra cộng đồng rất nhanh.

Các gia đình nên dự phòng một số thuốc bôi ngoài da và dung dịch sát khuẩn như dung dịch cồn iod, nước oxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B… để rửa vết thương hoặc sát trùng sau khi lội hoặc tiếp xúc với nguồn nước bẩn. Thuốc/kem bôi làm dịu và ẩm da chứa thành phần lành tính. Nếu có tiền sử mắc các bệnh ngoài da, có thể dự phòng sẵn các thuốc điều trị và bôi khi bệnh bùng phát.

5 loại thuốc mùa mưa bão cần có trong tủ thuốc gia đình - Ảnh 3.

Sau mưa bão, độ ẩm không khí cao cộng với nguồn nước nguy cơ bị ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh sẽ gây các bệnh ngoài da (Ảnh: Internet)

Lưu ý với các bệnh ngoài da:

- Cần vệ sinh và sát khuẩn vết thương sạch sẽ, đặc biệt với các vết thương hở; hạn chế gãi ngứa gây trầy xước da và tăng nguy cơ nhiễm trùng

- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nước, nhất là nước bẩn sau lũ ở các vùng da bị tổn thương. Nếu cần di chuyển, cần có các trang bị bảo hộ như ủng, găng tay, áo mưa để hạn chế tiếp xúc

- Nếu vết thương có dấu hiệu lở loét, mưng mủ, chảy dịch cần nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế để được hỗ trợ điều trị kịp thời.

4. Thuốc nhỏ mắt

Trong các bệnh về mắt thì đau mắt đỏ là bệnh có nguy cơ bùng phát cao sau mưa lũ do nguồn nước bị ô nhiễm. Bệnh đau mắt đỏ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm... có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa. Thậm chí, viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ túi lệ, giả mạc, sẹo kết mạc và khô mắt cũng gây nhiều khó chịu cho người bệnh.

Các gia đình cần dự phòng nước muối sinh lý nồng độ 0.9% để vệ sinh mắt, mũi và họng hàng ngày khi tiếp xúc với mưa lũ.

5 loại thuốc mùa mưa bão cần có trong tủ thuốc gia đình - Ảnh 4.

Đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn gây ra (Ảnh: Internet)

Với người bị đau mắt đỏ, cầ vệ sinh bằng nước muối sinh lý đúng cách. Các nhóm thuốc điều trị đau mắt đỏ có thể bao gồm: Thuốc chứa corticoid cần sử dụng dưới sự theo dõi của bác sĩ; thuốc kháng sinh (thuốc nhỏ hoặc mỡ tra mắt) tùy thuộc vào các chủng mà thuốc sẽ sử dụng với liều lượng khác nhau; thuốc kháng histamine trong trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng.

5. Thuốc điều trị bệnh lý mãn tính theo đơn

Với tình hình mưa bão diễn biến phức tạp thì những bệnh nhân đang điều trị theo đơn của bác sĩ có thể hỏi thêm về các loại thuốc dự phòng từ 2 - 4 tuần phòng trường hợp khó khăn khi mua thuốc hoặc tái khám.

Các bệnh lý mãn tính có thể là viêm đau xương khớp, viêm mũi xoang, bệnh tim mạch, tiểu đường...

Ngoài các loại thuốc trên thì một số nhóm thuốc khác như: 

- Thuốc giảm nhẹ triệu chứng bệnh đường hô hấp như thuốc kháng histamine giảm chảy nghẹt mũi; thuốc ho dạng siro bởi mưa bão kéo dài cũng dễ làm tăng các bệnh về đường hô hấp, dễ gặp nhất ở người cao tuổi, trẻ em với các triệu chứng phổ biến như viêm họng, cảm cúm. Bệnh hô hấp ban đầu không nặng nhưng lại khiến nhiều người chủ quan không chữa trị dứt điểm nên trở thành các biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi…

- Thuốc bôi da chống và trị côn trùng đốt/cắn cũng nên được dự phòng trong tủ thuốc gia đình mùa mưa bão.

Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để dự phòng thuốc phù hợp với tình trạng và độ tuổi của các thành viên trong gia đình. Đồng thời có kế hoạch cho chế độ ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng chống lại nguy cơ bệnh tật; thực hành ăn chín uống sôi; vệ sinh cá nhân sạch sẽ...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn