Quả kỷ tử (hay còn gọi là goji berries), không chỉ là một nguyên liệu quan trọng trong Y học cổ truyền Trung Quốc mà còn có nhiều công dụng trong phương pháp điều trị Ayurvedic (Ấn Độ) và các bài thuốc của phương Tây.
Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, quả câu kỷ tử có vị ngọt và tính bình, có thể nuôi dưỡng gan và thận đồng thời nâng cao tinh lực và thị lực của một người. Với nhiều chất dinh dưỡng và các hợp chất hoạt tính sinh học, loại quả này được ca ngợi là siêu trái cây.
Cách dùng kỷ tử tốt nhất đó là ngâm quả kỷ tử khô trong nước nóng để pha thành trà và uống buổi sáng. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha chúng cùng 1 muỗng cà phê mật ong và một vài lát gừng. Hoặc, bạn có thể thêm quả kỷ tử vào nước trái cây và sinh tố của mình.
1. Cải thiện thị lực
Kỷ tử được nhiều người tin là tốt cho mắt. "Loại quả này là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào. Chúng rất giàu vitamin A, rất cần thiết cho sự phát triển của mắt, xương, da và tế bào. Lượng beta-carotene trong quả kỷ tử thuộc hàng cao nhất trong số các loại thực vật ăn được. Với hàm lượng zeaxanthin cao, quả kỷ tử có thể mang lại lợi ích cho thị lực và có thể giúp ích cho các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác", Lim Sock Ling, bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc của Eu Yan Sang cho biết.
Những lợi ích này được chứng minh trong kết quả của một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên tạp chí Optometry and Vision Science. Trong đó các đối tượng cao tuổi tiêu thụ thực phẩm bổ sung hàng ngày với kỷ tử trong khoảng 3 tháng. Kết quả cho thấy có sự gia tăng zeaxanthin trong huyết tương - một hợp chất có lợi cho mắt - và mức độ chống oxy hóa trong điểm vàng, là một phần của võng mạc.
Quả kỷ tử có chứa chất chống oxy hóa giúp vô hiệu hóa tác hại của các gốc tự do. Điều này giúp duy trì sức khỏe tế bào tốt, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Folia Medica cho thấy quả kỷ tử có tác dụng tích cực trong việc phòng bệnh ung thư vú. Để có được kết luận này, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm các phân số của quả kỷ tử trên 3 dòng tế bào ung thư vú và nhận thấy sự ức chế đáng kể ở hai trong số ba dòng này.
Tiêu thụ quả kỷ tử cũng có thể giúp giảm mức cholesterol và chất béo. Theo Tạp chí Các biện pháp tự nhiên (Hoa Kỳ), việc tiêu thụ chiết xuất từ bột câu kỷ tử giúp giảm đáng kể lượng cholesterol toàn phần, chất béo trung tính và mức cholesterol-lipoprotein mật độ thấp.
Quả kỷ tử có lợi cho việc cân bằng lượng đường trong máu. Nghiên cứu của khoa học hiện đại cho biết quả câu kỷ giúp ổn định lượng đường trong máu và cân bằng lượng insulin trong máu ở bệnh nhân tiểu đường loại 2. Nghiên cứu cũng báo cáo sự gia tăng mức cholesterol tốt (HDL) ở những bệnh nhân mắc tiểu đường khi tiêu thụ loại quả này.
Những người tiêu thụ quả câu kỷ tử đã cho biết sức khỏe họ tốt hơn, nhiều năng lượng hơn và tỉnh táo hơn sau một thời gian ăn loại quả này. Bên cạnh những tác dụng tích cực này, quả kỷ tử có khả năng làm giảm lo lắng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Một nghiên cứu trên động vật năm 2020 được công bố trên Tạp chí Sinh học Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy quả kỷ tử có thể làm giảm hành vi lo lắng. Nghiên cứu sâu hơn có thể giúp đánh giá tiềm năng sản xuất thuốc chống lo âu từ loại quả này trong tương lai gần.
Những người có bệnh lý nền nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về việc tiêu thụ quả câu kỷ tử. Một số nhóm người dưới đây nên tránh tiêu thụ loại quả này:
Quả kỷ tử nói chung là an toàn để tiêu thụ. Tuy nhiên, những người bị dị ứng thực phẩm nên thận trọng vì nó có thể gây dị ứng trong một số trường hợp hiếm gặp.
Bác sĩ Lim Sock Ling cho biết: "Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị dị ứng với protein chuyển lipid có thể bị dị ứng với quả câu kỷ tử. Vì lý do này, những người bị dị ứng thực phẩm nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn".
Những người đang dùng một số loại thuốc điều trị huyết áp cao hoặc tiểu đường, cũng như liệu pháp chống đông máu (warfarin), nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng quả câu kỷ tử.
Quả kỷ tử có chứa betaine, một hợp chất có thể gây hại cho sức khỏe thai nhi. Tuy nhiên, cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem quả kỷ tử có an toàn khi tiêu thụ trong thai kỳ hay không.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn