Thạc sĩ, bác sĩ Cao Ngọc Duy, Phó trưởng khoa - Khoa Hàm Mặt thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội cho biết, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra. Ngoài ra, còn do một số hoạt động tự nhiên khác có tác động tiêu cực tới môi trường.
Ô nhiễm không khí là sự có mặt một chất lạ hoặc một sự biến đổi quan trọng trong thành phần không khí, làm cho không khí không sạch hoặc gây ra sự toả mùi, có mùi khó chịu, giảm tầm nhìn xa (do bụi).
Tác hại của bụi phụ thuộc vào bản chất (thành phần) của bụi, nồng độ bụi, kích thước hạt bụi, thời gian tiếp xúc và đáp ứng cá nhân. Khi bụi vào phổi gây kích thích cơ học, xơ hóa phổi dẫn đến các bệnh về hô hấp. Bụi có thể gây ung thư cũng như các bệnh ở mắt, da, bệnh đường máu, bệnh về tim mạch và các hệ thống khác của cơ thể.
Chưa kể, một số hoá chất độc hại có trong không khí gây bệnh cho con người như: SO2 ảnh hưởng tới chức năng của phổi, gây viêm phổi, viêm phế quản mãn tính, gây bệnh tim mạch... H2S (Hydro sulfua là hợp chất khí ở điều kiện nhiệt độ thường, không màu, mùi trứng thối, nặng hơn không khí) sẽ gây thiếu oxy đột ngột, có thể dẫn đến tử vong do ngạt thở.
Dấu hiệu nhiễm độc cấp tính bao gồm buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, mũi họng khô và có mùi hôi, mắt có biểu hiện phù mi, viêm kết mạc nhãn cầu, tiết dịch mủ và giảm thị lực...
Gần đây, sự việc cháy nhà máy Rạng Đông khiến nhiều người dân vô cùng lo ngại về 1 lượng Thuỷ Ngân (Hg) phát tán ra ngoài môi trường. Sở dĩ, Hg dễ dàng hấp thụ qua da, qua hô hấp hay tiêu hoá gây các biểu hiện ngộ độc, nặng hơn ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, và các cơ quan nội tạng như gan thận...
Bác sĩ Cao Ngọc Duy đưa ra một số lời khuyên đối với người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em:
1. Hạn chế đi ra ngoài.
2. Đeo kính, đeo khẩu trang vừa khít với khuôn mặt khi đi ra ngoài để:
Ngăn ngừa sự xâm nhập vào đường hô hấp của các hạt bụi cực nhỏ và các chất thải ô nhiễm khác.
Lọc mùi hôi, hóa chất, mùi xăng, khói quang hóa, khói đen, phấn hoa. Ngăn bụi, khí độc như CO, SO2, NO2, H2S, NH3….
Bảo vệ hệ hô hấp, hạn chế viêm mũi dị ứng do các chất ô nhiễm không khí gây ra.
3. Ăn uống khoa học: bổ sung thêm nhiều rau xanh, thực phẩm giầu vitamin A,C,E...
4. Lắp thiết bị làm sạch không khí trong phòng. Đóng chặt cửa nhất là nhà gần đường.
5. Vệ sinh mũi họng mỗi khi đi ra đường về nhà bằng nước muối sinh lí 0,9%
Để cải thiện chất lượng không khí, rất cần sự chung tay của tất cả cộng đồng và xã hội. Cụ thể, chúng ta cần trồng nhiều cây xanh, sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm thiểu việc sử dụng những nhiên liệu đốt cháy từ than, dầu hoả...