Trên thực tế, việc đạt được mục tiêu có liên quan nhiều đến những thói quen mà bạn tạo ra. Cho dù mục tiêu của bạn có liên quan đến tài chính cá nhân, sức khỏe, các mối quan hệ hay bất cứ điều gì khác, thói quen cuối cùng sẽ quyết định liệu bạn có thành công hay không. Đầu năm mới cùng tìm hiểu những thói quen tài chính mà bạn có thể áp dụng vào năm 2023 giúp đạt được các mục tiêu tài chính và cả năm được thịnh vượng.
Để thay đổi bất cứ điều gì trong vấn đề tài chính, bạn cần biết hiện tại mình đang ở đâu, kể cả tiền của bạn đang đi đâu. Và theo dõi chi tiêu có thể giúp bạn hiểu rõ tiền của bạn đang đi đâu. Nó cho bạn biết bạn đang chi tiêu quá mức ở đâu và có thể giúp bạn thiết lập ngân sách cho tương lai.
Nhiều người không biết nên tiết kiệm bao nhiêu hoặc làm thế nào để tiết kiệm. Và ngay cả khi họ biết, họ cũng không thực sự có động lực để làm điều đó. Đây là điều xảy ra khi bạn không có mục tiêu tài chính cụ thể. Sẽ khó tiết kiệm hơn nhiều khi bạn thực sự không biết tại sao mình lại cần phải tiết kiệm.
Nhưng khi đặt mục tiêu tài chính, bạn sẽ biết chính xác tại sao mình tiết kiệm và cần tiết kiệm bao nhiêu. Ngoài ra, ý nghĩ đạt được mục tiêu sẽ cung cấp động lực bạn cần.
Nhiều người luôn tự nhủ rằng mình sẽ tiết kiệm tất cả số tiền còn lại vào cuối mỗi tháng. Nhưng cứ đến cuối mỗi tháng và bằng cách nào đó số tiền lại chẳng còn là bao. Thế nên giải pháp cho vấn đề này là bạn cần trả tiền cho bản thân mình trước.
Khi bạn tự trả trước, bạn quyết định trước số tiền bạn muốn tiết kiệm mỗi tháng, cho dù đó là quỹ khẩn cấp, tài khoản hưu trí hay hướng tới một mục tiêu tài chính. Sau đó, bạn chuyển số tiền đó sang khoản tiết kiệm ngay, trước khi bạn có cơ hội tiêu tiền.
Nhiều người đặt toàn bộ chi phí 1 tháng của họ vào thẻ tín dụng và sau đó thanh toán bằng thu nhập của tháng tiếp theo. Điều này có nghĩa là họ đang tiêu số tiền mà họ thậm chí còn chưa kiếm được. Một thói quen khác khi mọi người sử dụng thẻ tín dụng là tiêu trước và chỉ trả số tiền nợ tối thiểu.
Dưới đây là một số quy tắc nhỏ để sử dụng thẻ tín dụng một cách có trách nhiệm:
- Chỉ tiêu số tiền bạn đã có trong tài khoản
- Giữ mức sử dụng thẻ tín dụng của bạn dưới 30%
- Thanh toán thẻ tín dụng của bạn đầy đủ mỗi tháng
Những năm trở lại đây, mọi người dần nhận ra tầm quan trọng của việc có quỹ khẩn cấp. Nếu bạn mới bắt đầu và có khoản nợ lãi suất cao như thẻ tín dụng phải trả, thì lời khuyên là nên tiết kiệm chi phí ít nhất một tháng vào quỹ khẩn cấp của mình. Còn tốt hơn có thể để tối đa 3-6 tháng.
Chỉ bằng cách thực hiện một số thói quen tài chính tốt bạn sẽ ngạc nhiên về sự tiến bộ trong năm mới đấy.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn