5 lưu ý cha mẹ không thể bỏ qua khi con bị bó bột

17:34 | 07/05/2018;
Bó bột là phương pháp giúp bất động xương gãy và giữ cho xương ở tư thế giải phẫu, tránh bị di lệch, thúc đẩy quá trình liền xương (nếu gãy xương); bảo vệ và giúp phần mềm chóng hồi phục (nếu tổn thương phần mềm)...

Ngoài ra, bó bột còn giúp bệnh nhân giảm đau, giảm sưng nề và giảm co cơ sau chấn thương. Trong một số trường hợp, bó bột nhằm bất động tạm thời trong thời gian chờ phẫu thuật. Thời gian bó bột tùy theo lứa tuổi, tình trạng bệnh của trẻ, vị trí xương, khớp bị tổn thương hoặc viêm thường kéo dài từ 4 - 8 tuần hoặc lâu hơn.

Theo các bác sỹ Khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong quá trình trẻ bó bột, cha mẹ cần lưu ý để tránh những biến chứng có thể xảy ra. Cụ thể:

1. Sau khi bó bột, cần lau sạch đầu chi cho trẻ để theo dõi màu sắc và mức độ sưng nề. Nếu đầu chi tím có nghĩa là bột bị chặt hoặc bị chèn ép, phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra nới bột ra, nếu cần thiết có thể tháo bột bó lại.

2. Kiểm tra cảm giác đầu chi bó bột của trẻ, nếu tê bì hoặc mất cảm giác, đầu chi lạnh, phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để tháo bột. 

3. Sau khi bó bột không được đi lại trên bột ngay, cần chờ ít nhất 1 giờ đối với bột thủy tinh và sau 2 - 3 ngày đối với bột thạch cao. Nếu đi lại sớm sẽ làm hỏng bột, một số trường hợp còn có thể làm di lệch xương bị gãy.

4. Trong thời gian 24 - 72 giờ đầu, do hiện tượng sưng nề tăng lên làm cho bột có xu hướng chặt lại, người bệnh có cảm giác chật chội, căng tức phần chi bó bột. Do vậy, nên kê chi bó bột cao hơn mức tim. 

5. Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ hoặc khám lại ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: Tím, lạnh đầu chi, mất cảm giác hoặc vết thương bị thấm dịch có mùi hôi…

gay-xuong-ban-chan-bo-bot-bao-lau.png
Nếu đầu chi của trẻ có dấu hiệu: tím, lạnh, có mùi hôi..., cần đưa trẻ đi khám ngay

Ngoài ra, cha mẹ cần giúp trẻ giữ cho bột khô ráo. Nếu để bột ẩm hoặc thấm nước, nước có thể thấm vào lớp vải hoặc giấy lót trên da, làm cho bột bở ra, dễ nứt gãy bột và gây kích ứng da. Tuyệt đối không được dùng các vật dụng cứng hoặc có đầu nhọn như que, bút, thìa… để luồn dưới bột gãi ngứa, nếu làm vậy dễ gây tổn thương da, dẫn đến viêm nhiễm da.

Tuyệt đối không được tự ý cắt bỏ/ cắt ngắn bột hoặc xén mép bột, trường hợp mép bột cứng chà sát vào cơ thể gây đau thì dùng bông không thấm nước hoặc gạc độn lót thêm vào đầu mép bột. Nếu trẻ khó chịu nhiều thì đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra.

 Khi trẻ bó bột, dễ xuất hiện tình trạng teo cơ cứng khớp. Vì vậy cần cho trẻ tập phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ nhằm phục hồi sức mạnh của cơ, biên độ vận động của khớp. Có thể tập từ ngày thứ 3 sau mổ hoặc sau bó bột.

Cùng với đó, cha mẹ thực hành chế độ ăn cho trẻ giàu đạm (thịt cá, trứng, sữa … ), vitamin và nguyên tố vi lượng (hoa quả, rau xanh…), đồng thời, chăm sóc, vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày, lau sạch các đầu chi. Không làm ướt, bẩn bột. Khi tắm thì lấy khăn quấn bên ngoài bột rồi bọc trùm băng túi nylon, để tránh làm ướt bột (trừ trường hợp bó bằng các loại bột cho phép tắm rửa trực tiếp trên bột).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn