Nội dung hấp dẫn
Cuộc sống muôn màu luôn là nguồn cảm hứng bất tận và đầy xúc cảm cho các tác phẩm điện ảnh. Cũng chính bởi thế, các bộ phim dựa trên những câu chuyện, sự kiện, nhân vật có thật luôn có chỗ đứng trong trái tim khán giả.
“Kẻ du hành trên mây - The Aeronauts” tái hiện chuyến hành trình lịch sử trên khinh khí cầu năm 1862 của nhà khoa học, thiên văn, khí tượng học người Anh James Glaisher (Eddie Redmayne đóng). Với khao khát tìm hiểu về khí quyển và khám phá quy luật của thời tiết, Glaisher thực hiện cuộc phiêu lưu vươn lên độ cao kỉ lục hơn 10,000 mét chưa ai từng đạt được trước đó cùng người bạn đồng hành của mình do nữ diễn viên Felicity Jones thủ vai.
Phim mang tới cho khán giả một cuộc chiến sinh tử khốc liệt và đầy kịch tính. Mỗi độ cao mà hai nhân vật chính chinh phục được là một khám phá, một cột mốc mới cho lịch sử nhân loại. Song hành cùng với đó là hàng loạt những chướng ngại, hiểm nguy mà những “kẻ du hành trên mây” phải đối mặt như thiếu oxy, nhiệt độ thay đổi đột ngột từ 25 xuống âm 30 độ C, bão tố kèm sấm chớp tưởng chừng như xé toạc khí cầu trên không trung,... đe dọa mạng sống của cả hai.
Thông điệp nhân văn
Có lẽ, một trong những sức mạnh lớn lao mà môn nghệ thuật thứ bảy làm được là đem đến cho người xem những xúc cảm mãnh liệt, truyền cảm hứng để chúng ta dũng cảm theo đuổi những gì con tim mình thực sự khao khát. Và “Kẻ du hành trên mây” là một trong những bộ phim như vậy.
Nhân vật James Glaisher cả trên phim lẫn ngoài đời thực là một nhà khoa học có tầm nhìn, là người tiên phong trong lĩnh vực khí tượng và dự báo thời tiết cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay. Nhưng ở thời đại nào cũng vậy, kẻ tiên phong không phải lúc nào cũng được ủng hộ. Câu thoại ấn tượng “Chúng ta hiểu nhiều về thế giới xung quanh hơn bất kỳ lúc nào trong lịch sử. Vậy mà, chúng ta vẫn bị giới hạn bởi sự ngu dốt của chính mình” phần nào đã thể hiện được điều đó. Nhưng không vì thế mà Glaisher bỏ cuộc, đằng sau đám mây u ám của ngờ vực và thách thức là bầu trời bao la đang chờ đợi.
Đạo diễn kiêm biên kịch của phim Tom Harper cũng từng chia sẻ: “Đã từng có rất nhiều câu chuyện phiêu lưu kỳ thú xoay quanh những chuyến thám hiểm bằng khinh khí cầu hấp dẫn trong suốt 200 năm qua. Chúng tôi nghĩ rằng thật tuyệt vời khi kết hợp một vài khía cạnh thú vị trong các câu chuyện có thật đó để tạo nên một bộ phim hấp dẫn, ca ngợi những nỗ lực phi thường của nhân loại khi vượt qua các thử thách để mở mang kho tàng kiến thức của thế giới”.
Dàn diễn viên thực lực
Nam chính Eddie Redmayne hiện sở hữu 21 chiến thắng và 70 đề cử các giải thưởng lớn nhỏ của điện ảnh, trong đó có chiến thắng tại Oscar, Quả Cầu Vàng, BAFTA. Là một trong những diễn viên thực lực hàng đầu với loạt thành công trước đó như “Thuyết yêu thương” (The Theory Of Everything), “Cô gái Đan Mạch” (The Danish Girl) hay loạt phim “Sinh vật huyền bí” tiền truyện của “Harry Potter”, anh được đạo diễn Tom Harper tin tưởng và gửi gắm cho vai diễn nhà khoa học làm nên lịch sử trong “Kẻ du hành trên mây”.
Đồng hành cùng Redmayne là bông hồng Xứ sở sương mù Felicity Jones. Nữ diễn viên tài năng được đông đảo khán giả biết tới qua vai diễn từng giúp cô nhận được đề cử Oscar, BAFTA, SAG và Quả Cầu Vàng trong The Theory of Everything năm 2014 của đạo diễn James Marsh. Cô cũng góp mặt trong bộ phim ngoại truyện ấn tượng của “Chiến tranh giữa các vì sao” mang tên Rogue One: A Star Wars Story do Disney/Lucas sản xuất và ra mắt năm 2016.
Đặc biệt, phim là còn là bộ phim đánh dấu sự tái hợp của hai diễn viên 5 năm sau bộ phim "Thuyết yêu thương" về cuộc đời nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking đầy nhân văn và khiến hàng triệu khán giả thổn thức.
Một bữa tiệc thị giác đặc sắc, một trải nghiệm điện ảnh ấn tượng
Một trong những nhà sản xuất của phim Todd Lieberman từng chia sẻ với người hâm mộ: “Điều khiến tôi yêu thích ở kịch bản này chính là xen lẫn những tình tiết phiêu lưu kịch tính trên bối cảnh là bầu trời bao la”, “đó là điều giúp cho “Kẻ du hành trên mây” trở nên đặc biệt”.
Trong quá trình thực hiện bộ phim, nhân vật Amelia Wren (Felicity Jones đảm nhận) có cảnh quay trèo ra bên ngoài khinh khí cầu, cũng là cảnh quay vô cùng nguy hiểm. Để tạo được hiệu ứng chân thực nhất, cảnh quay này đã được ghi hình thành 3 lần và được cắt cúp lại với nhau sau đó. Đầu tiên là thực hiện cảnh Jones trèo ra khỏi khí cầu trên phim trường, sau đó, diễn viên đóng thế Helen Bailey trèo ra khỏi khí cầu ở độ cao 914 mét (gần gấp đôi độ cao của tòa nhà The Landmark 81), và cuối cùng là những cảnh quay ghi lại hình ảnh bầu trời bao la ở độ cao khoảng 11.300 mét được thực hiện từ máy bay trực thăng.
Loạt phản hồi tích cực từ giới chuyên môn
Phim đã được giới chuyên môn đón nhận với cơn mưa lời khen và những nhận xét tích cực khi phim được trình chiếu tại liên hoan phim Telluride hồi tháng 8 và liên hoan phim Toronto tháng 9/2019 vừa qua.
Phần đông các nhà phê bình dành lời khen cho diễn xuất ấn tượng và vô cùng ăn ý của cặp đôi thực lực đến từ Xứ sở sương mù Eddie Redmayne và Felicity Jones. Bên cạnh đó, phim cũng được ngợi ca là những thước phim, khung hình “choáng ngợp đến nghẹt thở”, “một sử thi phiêu lưu kinh điển, và là “một chiến thắng vút bay”. “Kẻ du hành trên mây” ra mắt khán giả Việt Nam từ 6/12.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn