Chùa Nam Sơn là ngôi chùa nổi tiếng ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Sogou
Chùa Nam Sơn nằm ở chân núi Nam Sơn, trong khuôn viên khu Trung tâm Văn hóa Phật Giáo Nam Sơn (tỉnh Hải Nam) và được coi là ngôi chùa phật giáo lớn nhất được xây dựng ở Trung Quốc, với tổng diện tích tới 40.000 m2. Ngôi chùa được hoàn thành xây dựng vào năm 1998 để kỷ niệm 2.000 năm Phật giáo ở Trung Quốc.
Chùa Nam Sơn có quy mô lớn mô phỏng theo phong cách thời thịnh vượng của nhà Đường và hướng ra biển.
Cận cảnh bức tượng Phật Bà Quan Âm ở chùa Nam Sơn. Ảnh: Kknews
Bên cạnh quang cảnh tuyệt vời, tâm điểm của ngôi chùa chính là một bức tượng Phật Bà Quan Âm màu trắng cao tới 100 m được xây dựng tại một mỏm đá nhô ra. Ngoài ra, chùa Nam Sơn còn có một hồ nước tuyệt đẹp nằm ở một bên của lối đi.
Chùa Oeosa nhìn từ trên cao. Nằm ngay cạnh một hồ nước cùng các ngọn núi phủ đầy cây xanh, tạo nên vẻ đẹp vô cùng ấn tượng cho ngôi chùa cổ này. Ảnh: Pinterest
Oeosa là ngôi chùa nằm ở ấp Ocheon-eup, làng Hangsari, quận Pohang, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc. Đây được coi là một trong những ngôi chùa đẹp nhất tại "Xứ sở kim chi" khi bao quanh là những vách đá dựng đứng và một mặt nhìn ra hồ nước.
Những ai từng đặt chân tới đây đều không thể quên được cảnh sắc đẹp như bức tranh thủy mặc ở ngôi cổ tự này. Ảnh: Pinterest
Ngôi chùa Oeosa được xây dựng vào năm 570 – 632, do vị hoàng đế thứ 26 của triều đại Silla kiến tạo. Oeo trong tiếng Hàn có nghĩa là "Con cá của tôi". Ngôi chùa Oeosa có cái tên đặc biệt và ngộ nghĩnh như vậy xuất phát từ một truyền thuyết xưa.
Chùa Oeosa được xây dựng trong triều đại Silla. Ảnh: Tripadvisor
Tên của chùa Oeosa bắt nguồn từ một truyền thuyết xưa. Ảnh: Tripadvisor
Theo đó, tương truyền rằng, hai vị thiền sư Wonhyo Daisa và Hyegong Sunsa, hai trong số bốn nhân vật Phật giáo quan trọng nhất trong triều đại Silla, cùng thi xem ai có khả năng làm cho một con cá cải tử hoàn sinh. Cụ thể, mỗi người đều thử sức hồi sinh một con cá, nhưng kết quả chỉ có một con sống và một con chết. Vì ai cũng nhận con cá chết đi sống lại là của mình. Do đó, ngôi chùa này mới có cái tên ngộ nghĩnh là "Con cá của tôi".
Chùa Daigoji được thiên nhiên vô cùng ưu ái khi sở hữu vẻ đẹp vô cùng đa dạng, kỳ vĩ. Ảnh: Japantravel
Daigoji là một trong những ngôi chùa cổ kính nổi tiếng tại trung tâm thành phố Kyoto, Nhật Bản. Tên gọi của ngôi chùa này xuất hiện từ những năm 800, với ý nghĩa là chân lý tuyệt đối trong Phật giáo. Sau nhiều lần cải tạo, chùa Daigoji dù có những nét hiện đại hơn, những vẫn mang đậm lối kiến trúc xa xưa của Nhật Bản.
Chùa Daigoji rất nổi tiếng ở Kyoto. Ảnh: Discoverkyoto
Chùa Daigoji được công nhận là di sản văn hóa thế giới khi sở hữu nhiều di sản văn hóa, bảo vật quốc gia, tượng Phật quý giá, tranh ảnh…
Trải dài gần như toàn bộ trên ngọn núi Daigo ở phía Đông Nam của Kyoto, chùa Daigoji có cấu trúc được chia thành 3 phần, bao gồm Sanbo-in, Shimo-Daigo ở phía dưới chân núi, Kami-Daigo ở đỉnh núi, và 80 công trình kiến trúc khác nhau trong khuôn viên chùa.
Mỗi dịp xuân sang, chùa Daigoji có hơn 800 cây hoa anh đào cùng khoe sắc. Do đó, nơi đây cũng là một trong những điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng ở Nhật Bản. Ảnh: Twitter
Trong đó, tại khu Shimo-Daigo, sảnh Bentendo là nơi nổi bật nhất. Nơi đây được xây dựng ở phía sau một hồ nước rộng lớn. Điều này khiến cho quang cảnh nơi đây càng trở nên đặc sắc hơn khi tiết trời vào thu, do đó được rất nhiều khách du lịch ghé thăm và chụp hình.
Nhật Nguyệt song tháp là ngôi chùa rất nổi tiếng ở tỉnh Quế Lâm, Trung Quốc. Ảnh: citsguilin
Nhật Nguyệt song tháp (hay còn được biết tới với cái tên chùa Vàng và chùa Bạc) ở hồ Quế và nằm trong danh thắng "hai sông bốn hồ" nổi tiếng của tỉnh Quế Lâm, Trung Quốc. Chùa Vàng cao 41 m và được mệnh danh là ngôi chùa bằng đồng cao nhất thế giới, trong khi chùa Bạc chỉ cao 35 m.
Nhật Nguyệt song tháp được xây dựng lại vào năm 2001, dựa trên cơ sở chùa cũ vào thời nhà Đường. Trong chùa có trưng bày nhiều đồ vật, cổ vật Phật giáo có niên đại từ thời nhà Đường.
Nhật Nguyệt song tháp có nghĩa là tỏa sáng. Ảnh: citsguilin
Nhật Nguyệt song tháp khi ghép với nhau sẽ được chữ "Minh", trong tiếng Hán có nghĩa là tỏa sáng. Hai ngôi chùa đặc biệt này được kết nối với nhau bằng một đường hầm ở dưới lòng hồ. Do đó, du khách có thể đi từ tòa tháp này sang tòa tháp kia bằng đường hầm này.
Nhật Nguyệt song tháp đẹp lung linh vào ban đêm. Ảnh: citsguilin
Chùa Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất ở Việt Nam. Ảnh: Thúy Hà
Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, và được coi là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km, khu du lịch tâm linh này có tổng diện tích gần 50 km2. Trong đó bao gồm có hồ nước rộng tới 10 km2, núi rừng tự nhiên 30 km2 và các thung lũng rộng 10 km2.
Trong quần thể chùa Tam Chúc có hồ nước rộng tới 10 km2. Ảnh: Thúy Hà
Ngôi chùa Tam Chúc được xây dựng từ thời nhà Đinh. Ngày nay, sau khi được tu bổ, xây mới nhiều hạng mục ấn tượng như cổng Tam Quan, vườn Cột Kinh, điện Quan Âm, điện Giáo chủ, điện Tam Thế, chùa Ngọc, chùa Tam Chúc vừa có vẻ đẹp cổ kính, thiêng liêng, vừa có khung cảnh sơn thủy hữu tình.
Một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất tại chùa Tam Chúc là pho tượng Phật nặng 200 tấn được đặt tại điện thờ Pháp Chủ Thích Ca Mâu Ni. Tính đến thời điểm hiện tại, đây cũng là pho tượng Phật bằng đồng lớn nhất tại Đông Nam Á. Ảnh: Thúy Hà
Dự kiến, quần thể chùa Tam Chúc sẽ hoàn thành vào năm 2048. Sau khi xây dựng xong, chùa Tam Chúc có thể là một trong những ngôi chùa lớn nhất trên thế giới.
Bài viết tham khảo nguồn: CNN, Discoverkyoto, Baidu
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn