'5 nhà’ cùng tìm giải pháp cho nông sản an toàn

13:25 | 17/12/2018;
Trước vấn nạn thực phẩm bẩn đang len lỏi khắp mọi nơi, sáng 17/12, TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị hỗ trợ xây dựng, kết nối cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện 5 ‘nhà’ bao gồm nhà khoa học - chuyên gia, nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà tiêu dùng đã cùng tham gia hội nghị bàn tròn kết nối để tìm giải pháp hỗ trợ xây dựng phát triển, tìm đầu ra, quảng bá cho nông sản và thực phẩm an toàn tại Hội nghị do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức.
 
Hội nghị có sự tham gia của các đại biểu đến từ Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đại diện Hội LHPN các tỉnh/thành phố phía Bắc và đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm tại Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định.
 
pct.JPG
Bàn tròn kết nối giữa cơ quan quản lý, các chuyên gia, người sản xuất, người phân phối và người tiêu dùng
 
Đại diện nhà sản xuất, chị Trịnh Thị Nguyên đến từ HTX rau an toàn Trác Văn, tỉnh Hưng Yên; chị Tôn Thị Tần đến từ HTX sản xuất hoa quả Việt, tỉnh Hưng Yên; chị Ngô Thị Năm đến từ HTX Phú Xuân Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã chia sẻ những khó khăn trên con đường sản xuất nông sản thực phẩm an toàn như: khó khăn về kinh tế, về khoa học kỹ thuật, về quảng bá sản phẩm…

 

Tháo gỡ những khó khăn đó, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, bà Lê Việt Nga, đã giới thiệu đến hội nghị các chương trình kết nối cung cầu do Bộ Công thương tổ chức và mong muốn Hội LHPN Việt Nam sẽ là đầu mối để kết nối chi em phụ nữ với các chương trình này.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương cho biết: Với những nỗ lực của mình, trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực vào cuộc để góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiểm tra, ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn.  
 
pct-tran-thi-huong.JPG
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương chia sẻ một số mô hình, hoạt động về đảm bảo an toàn thực phẩm của Hội với nhiều cách làm sáng tạo, thu hút được hội viên tham gia

 

Nhiều mô hình, hoạt động về đảm bảo an toàn thực phẩm của Hội với nhiều cách làm sáng tạo, thu hút được hội viên tham gia như: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sach”, trong đó nội dung về an toàn thực phẩm đưa vào tiêu chí Bếp sạch; các mô hình tổ phụ nữ trồng rau an toàn, sản xuất sạch, chế biến sạch; CLB “Phụ nữ kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn”, “Nói không với thực phẩm bẩn”... Hàng năm, hàng trăm HTX, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý được các cấp Hội hỗ trợ thành lập, trong đó có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác về lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn... đã góp phần cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng.
 
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều vấn đề đặt ra: Nhiều người sản xuất nông sản an toàn gặp khó khăn trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm; nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chưa liên kết, hợp tác để có những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu để tiêu thụ với giá trị cao...
 
nong-san-2.jpg
Kết nối, tiêu thụ sản phẩm là một trong những vấn đề khó khăn với nhiều người sản xuất nông sản an toàn 

 

Giải quyết những vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cần trách nhiệm và sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và cả cộng đồng, trong đó có vai trò quan trọng của hội viên phụ nữ, những người có mặt trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến kinh doanh, đến tiêu dùng.
 
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm tại Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang đã trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng và các nhà phân phối để tìm đầu ra cho sản phẩm.
nong-san-7.jpg
Những sản phẩm an toàn do chị em sản xuất được giới thiệu đến người tiêu dùng
 

Chỉ tính trong năm 2017, cả nước phát hiện tới 123.914 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý hành chính 35.759 cơ sử với số tiền trên 61 tỉ đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn