5 nhóm mô hình sinh kế hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ biên cương

23:40 | 29/08/2023;
100% Hội LHPN xã tại 26 tỉnh khu vực dân tộc thiểu số miền núi biên giới đã triển khai được các mô hình sinh kế hỗ trợ phụ nữ. Từ năm 2018 đến tháng 4/2023, số mô hình sinh kế đã triển khai được là 1.346.

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm của Hội

Sáng 29/8, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng... phối hợp tổ chức Hội thảo "Chia sẻ kết quả đánh giá và tham vấn giải pháp nâng chất lượng, nhân rộng mô hình sinh kế hiệu quả khu vực dân tộc thiểu số, biên giới" tại TP Việt Trì (Phú Thọ). 

100 đại biểu là chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện Hội LHPN, bộ đội biên phòng các cấp, đại diện mô hình sinh kế tại 26 tỉnh khu vực dân tộc thiểu số miền núi biên giới dự hội thảo.

Hơn 1.300 mô hình sinh kế "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" - Ảnh 1.

Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh; Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ Phùng Khánh Tài đồng chủ trì Hội thảo

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi biên giới phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt qua các nhiệm kỳ Đại hội Phụ nữ. Đặc biệt, trước yêu cầu đổi mới của công tác vận động phụ nữ, năm 2022, ngay sau Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương Hội LHPN Việt Nam sớm ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ "Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế" cho phụ nữ nói chung và đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số miền núi biên giới nói riêng, nhằm góp phần đạt, vượt chỉ tiêu số 2 trong 8 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết: "Hằng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh; đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 HTX có phụ nữ tham gia quản lý"

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh khẳng định: "Để cụ thể hóa các nhiệm vụ trên, thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã tập trung triển khai Chương trình, Đề án, dự án lớn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế như: Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025"; Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2018-2020 và 2021-2025; Tham gia thực hiện các nội dung liên quan tại 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (Giảm nghèo bền vững; Xây dựng Nông thôn mới) và chủ trì thực hiện Dự án 8 "Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: 2021-2025; Chủ trì thực hiện Đề án số 01 "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022 - 2030"…

Các Chương trình, dự án, đề án đã được các địa phương hưởng ứng, triển khai và đạt được những kết quả tích cực.

Hơn 1.300 mô hình sinh kế "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Ban Dân tộc - Tôn giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam: “Thông qua các hoạt động hỗ trợ của Chương trình đồng hành và hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ vùng biên đã góp phần đưa 49/210 xã tại 26 tỉnh trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" hoàn thành các chỉ tiêu về đích Nông thôn mới.

Nhằm đánh giá lại những kết quả đạt được cũng như khó khăn, thách thức, cũng như có căn cứ lý luận, thực tiễn trong chỉ đạo, định hướng các hoạt động phù hợp cho giai đoạn tiếp theo, trong quý III/2023, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai rà soát, đánh giá bằng văn bản tại 26 tỉnh thuộc khu vực dân tộc thiểu số miền núi biên giới và khảo sát thực địa tại 3 tỉnh đại diện vùng miền là Lạng Sơn, Nghệ An, Đắk Nông.

5 nhóm mô hình sinh kế 

Kết quả của cuộc rà soát đã được chia sẻ tại Hội thảo với một số phát hiện chính quan trọng. Đó là, trong giai đoạn từ 2018 tại 26 tỉnh trong Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, đã có 100% Hội LHPN xã khu vực dân tộc thiểu số miền núi biên giới triển khai được 1.346  mô hình sinh kế, trong đó Giai đoạn 1 (từ 2018-2020) có 324 mô hình; giai đoạn 2 (từ 2021 đến tháng 4/2023) có 1.022 mô hình với sự tham gia của 12.610 thành viên. Hầu hết các mô hình hiện có đang tập trung phổ biến ở 5 nhóm đó là: (1) Hỗ trợ sinh kế trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi/sản xuất nông nghiệp; (2) Hỗ trợ tiếp cận tài chính phát triển sinh kế; (3) Hỗ trợ sinh kế gắn với duy trì, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống; (4) Hỗ trợ khởi nghiệp, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, du lịch, sinh kế gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ; (5) Hỗ trợ sinh kế thông qua đào tạo, dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm…

Hơn 1.300 mô hình sinh kế "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" - Ảnh 3.

Bà Vi Thị Trọng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quan Sơn, Thanh Hóa: “Để các mô hình đạt hiệu quả, Hội Phụ nữ và các đơn vị đồng hành cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực. Với mô hình thuộc nguồn cho vay không tính lãi, đề xuất có nhiều nguồn hơn, cho vay nhiều hơn để chị em mua được nhiều con giống đỡ lãng phí công chăm sóc. Đối với một số mô hình khó khăn về vùng chăn nuôi, thiếu đất trồng cỏ và nuôi bò hiệu quả kinh tế không cao thì Hội Phụ nữ cơ sở cần linh hoạt trong chuyển đổi giống vật nuôi sang nuôi loại khác có giá trị kinh tế cao và phù hợp với thực tế địa phương”

Nhóm mô hình hỗ trợ sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đang phổ biến nhất. Tại 26/26 tỉnh đều xây dựng loại mô hình này và đã hỗ trợ được hơn 34.000 con giống, hơn 51.000 cây giống giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo, có hoàn cảnh khó khăn... có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Với nhóm mô hình tiếp cận tài chính phát triển sinh kế - bên cạnh hỗ trợ vốn còn chú trọng hướng dẫn cách quản lý, chi tiêu, xây dựng thói quen tiết kiệm. Hiện khu vực dân tộc thiểu số miền núi biên giới đã có dư nợ là 562,32 tỷ đồng vốn vay và cơ chế hỗ trợ chủ yếu theo các hình thức lãi suất 0 đồng hoặc cho vay vốn tín dụng - tiết kiệm lãi suất thấp; xây dựng được gần 200 mô hình tiết kiệm và hướng dẫn chị em tạo thói quen tiết kiệm, quản lý tài chính, chi tiêu và tạo vốn phát triển sinh kế…

Với nhóm mô hình hỗ trợ sinh kế gắn với duy trì, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở khu vực dân tộc thiểu số miền Trung, Tây Nguyên. Hội LHPN các cấp xây dựng, duy trì hoạt động được tổng 34 mô hình góp phần giúp chị em vừa có thu nhập vừa giữ gìn được làng nghề truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.

Với nhóm mô hình hỗ trợ mua bán, khởi nghiệp, kinh doanh/tiêu thụ sản phẩm và đào tạo nghề… hiện tập trung nhiều ở miền Trung và Nam bộ. Tại 6 tỉnh khu vực này, Hội Phụ nữ cơ sở thành lập được 22 mô hình hỗ trợ cho 188 chị khởi nghiệp kinh doanh và mua bán nhỏ; phối hợp mở 123 lớp/khóa dạy nghề cho cho hơn 5.500 chị; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.163 chị. Về thành phần, đối tượng tham gia tập trung đông thuộc nhóm phụ nữ khó khăn, đặc thù với 80% là phụ nữ dân tộc thiểu số. Hình thức hỗ trợ, đa số là chú trọng triển khai theo hướng "có điều kiện và xoay vòng" nhằm phát huy nội lực của chị em.

Hơn 1.300 mô hình sinh kế "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" - Ảnh 4.

PGS.TS Tô Thế Nguyên, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội: “Để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi tiếp cận và ứng dụng thông tin trong việc tiêu thụ hàng hóa, cần tính đến các nhóm giải pháp về hoàn thiên hệ thống hạ tầng; nâng cao năng lực cho phụ nữ trong tiếp cận thông, ứng dụng công nghệ số; thúc đẩy, phát triển các hình thức kinh doanh liên kết của nông hộ; giáo dục hỗ trợ, tư vấn về phát triển các kênh tiêu thụ nông sản…”

Hiệu quả từ các mô hình sinh kế

Về tác động hiệu quả, qua đánh giá cho thấy thông qua mô hình sinh kế đã góp phần không nhỏ nhằm giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và cộng đồng. Đã có 1.974 phụ nữ và hộ gia đình dân tộc thiểu số tại 9/26 tỉnh được giúp thoát nghèo. Hơn 25% thành viên mô hình được khảo sát cho biết mức độ thụ hưởng đời sống văn hóa, tinh thần của bản thân được cải thiện; hơn 20% cho biết có nhiều hơn các cơ hội về học hành, đào tạo nghề cho con em; hơn 61% nhận thấy thông qua các buổi sinh hoạt, chị em có cơ hội nâng cao kiến thức về bình đẳng giới; gần 31% nhận thấy có giúp phụ nữ tăng quyền quyết định về kinh tế.

Hơn 1.300 mô hình sinh kế "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" - Ảnh 5.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 100 đại biểu là chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện Hội LHPN, bộ đội biên phòng các cấp, đại diện mô hình sinh kế tại 26 tỉnh khu vực dân tộc thiểu số miền núi biên giới...

Về phía tổ chức Hội LHPN, kết quả rà soát cũng cho thấy qua triển khai mô hình sinh kế thực sự góp phần không nhỏ giúp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội ở cơ sở. Các hình thức hỗ trợ hội viên, phụ nữ đã theo hướng tập trung, phù hợp, thiết thực hơn. Hội LHPN các cấp đã có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hơn. Khảo sát thực địa cho thấy, đã có hơn 61% thành viên mô hình cho biết, thông qua sinh hoạt mô hình, chị em được tiếp cận nhiều hơn các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các chương trình, phong trào Hội; hơn 36% đi sinh hoạt Hội nhiều, thường xuyên hơn; 53,5% cho biết, mô hình đã góp phần nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở, giúp tăng tỷ lệ thu hút hội viên và xây dựng điển hình, nòng cốt, cốt cán…

Bên cạnh các thông tin, chia sẻ về kết quả đạt được trong triển khai mô hình sinh kế, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã chia sẻ những khó khăn, thách thức và có những tham vấn về giải pháp cho Hội LHPN Việt Nam trong các hoạt động can thiệp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng các mô hình sinh kế góp phần đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực dân tộc thiểu số, biên giới thời gian tiếp theo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn