Đối với một thương hiệu nổi tiếng, khâu tiếp thị hay còn gọi là marketing nắm một vai trò quan trọng để giúp người mua tiếp cận được với sản phẩm của mình. Với một chiến dịch truyền thông, các công ty này luôn muốn mang lại cho họ những hiệu quả về doanh thu hay độ nhận diện.
Tuy nhiên, không phải lần nào các thương hiệu này cũng thành công rực rỡ dù họ có chi rất nhiều tiền cho hoạt động marketing của mình. Trong lịch sử, có rất nhiều ví dụ về những ý tưởng quảng cáo được cho là tài tình nhưng hóa ra lại đem lại thất bại ê chề và khiến những thương hiệu này không chỉ hao tổn tiền bạc mà còn là danh tiếng.
Vào năm 2012, khi mạng xã hội đã trở thành xu thế trên toàn cầu, nhiều công ty, trong đó có Mc Donald's đã thực hiện một chiến dịch trên Twitter với mục đích làm bạn với người tiêu dùng trên mạng xã hội cũng như quảng bá cho "Happy Meal" (Bữa ăn Hạnh phúc) của mình.
Theo đó, gã khổng lồ trong ngành đồ ăn nhanh đã sử dụng hashtag #McDStories và hy vọng rằng các khách hàng sẽ chia sẻ nhiều chuyện ấm áp khi sử dụng Happy Meal của họ. Tuy nhiên, thay vì sử dụng hashtag để chia sẻ những câu chuyện tích cực, người dùng đã dùng nó để nói về những trải nghiệm và ý kiến tiêu cực khi trải nghiệm dịch vụ của Mc Donald's.
Việc chiến dịch đi sai hoàn toàn ý tưởng ban đầu đã khiến #McDStories hoàn toàn bị hủy bỏ chỉ sau 2 tuần ra mắt.
Trong nhiều năm, người tiêu dùng luôn nhận diện thương hiệu Tropicana với hình ảnh một quả cam có ống hút nhô ra ngoài. Tuy nhiên, vào năm 2009, công ty này đã quyết định thay thế thiết kế bao bì cho sản phẩm nước cam bán chạy nhất của mình. Được biết, Tropicana đã đầu tư tới 35 triệu đô la vào chiến dịch quảng cáo nhằm quảng bá bao bì mới cho nhãn hiệu nước ép trái cây và giới thiệu sản phẩm này tại các cửa hàng.
Dù vậy, chỉ vài ngày sau, người tiêu dùng đã bắt đầu chỉ trích thiết kế mới, đặc biệt là trên mạng xã hội. Chi trong vòng 2 tháng sau, doanh số loại nước cam này đã giảm tới 20%. Tổng cộng, sáng kiến này tiêu tốn của Tropicana hơn 50 triệu đô la. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của Tropicana đã tận dụng "cuộc khủng hoảng Tropicana" và giành được một lượng khách hàng và doanh thu từ tay Tropicana.
Nổi tiếng với chiến dịch thương hiệu "vẻ đẹp đích thực", Dove được cho là thương hiệu được định hướng tôn trọng vẻ đẹp riêng của mỗi người phụ nữ.
Vào năm 2017, Dove đã tung ra một bộ sữa tắm phiên bản giới hạn với nhiều hình dáng khác nhau tượng trưng cho nhiều hình dáng của phụ nữ với thông điệp: "Vẻ đẹp có hàng triệu hình dạng và kích cỡ khác nhau. Các thiết kế chai độc quyền của chúng tôi tôn vinh sự đa dạng này".
Thoạt đầu, chiến dịch này tưởng chừng có khả năng thành công rất cao nhưng trên thực tế, nó đã thất bại thảm hại do đa phần phụ nữ không có ý định chọn chai phù hợp với loại cơ thể của họ. Một loạt người dùng Twitter đã bức xúc bày tỏ rằng Dove được cho là truyền cảm hứng cho sự tích cực của cơ thể chứ không phải nâng cao ý thức về bản thân, do đó nó đi ngược lại hoàn toàn so với tôn chỉ của thương hiệu.
Vào năm 2018, để thúc đẩy doanh số bán hàng nhân dịp kỷ niệm 100 năm, Domino's Pizza tại Nga đã tạo ra một chiến dịch tặng miễn phí Pizza trọn đời cho mỗi khách hàng có hình xăm Domino's Pizza trên cơ thể và chia sẻ hình ảnh chụp hình xăm này trên mạng xã hội.
"Chưa từng có trong lịch sử, chúng tôi chính thức triển khai chương trình ưu đãi trọn đời, cung cấp pizza miễn phí lên đến 100 năm cho tất cả khách hàng sở hữu hình xăm logo của Domino's Pizza"- tài khoản của Domino's Pizza tại Nga viết.
Ban đầu, chương trình này được cho là sẽ kéo dài trong 2 tháng. Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày, chiến dịch này đã phải thông báo kết thúc khi có quá nhiều người thấy tiềm năng lớn của khuyến mãi này và lập tức đi xăm. Để "chữa cháy", công ty đã phải thông báo khẩn cấp rằng họ sẽ chỉ cung cấp pizza trọn đời cho 350 người đầu tiên chia sẻ hình xăm Domino.
Vào tháng 5/1990, Coca-Cola đã phát động chiến dịch "Mùa hè kỳ diệu" trị giá lên tới 100 triệu USD. Trong chiến dịch này, Coca-Cola đã phân phối 200 triệu lon Coca có hình dạng y như bình thường. Tuy nhiên, 750.000 lon trong đó lại không chứa nước ngọt mà thay vào đó là có tiền mặt trị giá từ $1 đến $500 hoặc phiếu giảm giá có thể đổi lấy các chuyến du lịch hoặc hàng hóa giá trị.
Những lon đặc biệt chứa quà này được Coca-Cola gọi với cái tên MagiCan (Lon kỳ diệu). Để trà trộn 750.000 lon đặc biệt này vào các sản phẩm bình thường, Coca-cola đã gắn phần thưởng vào lò xo để khi người dùng bật lon, phần thưởng sẽ lập tức trồi ra ngoài một cách bất ngờ.
Nhiều người dùng không hề biết về việc lon MagiCan nhìn giống hệt như lon bình thường
Đồng thời, để làm cho lon có cảm giác trọng lượng bình thường và ngăn mọi người dễ dàng tìm thấy lon giải thưởng, một khu vực kín bên trong lon được đổ đầy hỗn hợp clo hóa, nước và một chất có mùi hôi để ngăn cản việc uống.
Tuy nhiên, họ đã không thông báo cho người tiêu dùng rằng MagiCan trông giống như một lon thông thường. Và kết quả là công ty đã nhận được rất nhiều lời phàn nàn về việc đồ uống có mùi hôi, giải thưởng bị hủy hoại và một số người tiêu dùng đã phải nhập viện. Công ty đã phải kết thúc chương trình khuyến mãi chỉ sau 3 tuần.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn