5 thói quen thường ngày giúp tăng trí nhớ

15:42 | 17/08/2016;
Những thói quen đơn giản như ngủ đủ giấc, thay đổi quy luật thường ngày, sống chậm... lại có thể trở thành phương thuốc hữu hiệu cho não.
cai-thien-tri-nho-1.jpg
  1. Tối đa chu kỳ giấc ngủ

Khi ngủ chúng ta sẽ trải qua các chu kỳ giấc ngủ, mỗi chu kỳ kéo dài 90 phút và được chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 30 phút sẽ được lặp lại nhiều lần trong suốt một đêm. 30 phút đầu tiên trong chu kỳ là giai đoạn ngủ nông. Phút thứ 30 đến 60 trong chu kỳ là giai đoạn ngủ sâu, trong giấc ngủ sâu cơ thể chúng ta có thể tự chữa lành mọi vết thương, đau nhức. Ở giai đoạn thứ hai cơ thể sẽ giải phóng hormone HGH để tự khôi phục trạng thái khỏe mạnh, giúp chúng ta không còn cảm thấy mệt hay đau mỏi vào sáng hôm sau thức dậy.

Giai đoạn thứ ba cũng là giai đoạn cuối cùng trong một chu kỳ giấc ngủ, sau khi khôi phục thể chất ở giai đoạn thứ hai, giấc ngủ sẽ giúp chúng ta khôi phục trí não ở giai đoạn cuối này. Đây là giai đoạn ngủ mơ hay còn được gọi là REM, nó giúp ta phân loại tư duy và trí nhớ.

Trong suốt một đêm ngủ, các chu kỳ có thể điều chỉnh các giai đoạn theo mức ưu tiên khác nhau, trạng thái thể chất sẽ được ưu tiên trước, sau đó mới đến não bộ. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải ngủ đủ từ 7,5 - 9 tiếng mỗi ngày để có được tâm trạng tốt và đầu óc tỉnh táo.

  1. Viết ra giấy

Khi thực hiện động tác viết, não bạn sẽ ghi nhớ nội dung tốt hơn khi gõ chữ trên điện thoại hay máy tính. Viết ra những gì cần nhớ cũng giống như việc ghim chặt thông tin vào trong não. Một số học sinh trí nhớ không tốt có ý định dùng “phao” trong giờ kiểm tra cho biết, khoảng nửa tiếng trước giờ kiểm tra các em viết ra mẩu giấy nhỏ kiến thức dễ quên, phòng trường hợp câu hỏi rơi vào nội dung đó mà không thể nào nhớ có thể lấy ra dùng. Nhưng trên thực tế, những em này không cần dùng đến “phao” bởi trong khi làm bài các em vẫn còn nhớ nội dung mình vừa viết ra trước đó không lâu.

Hãy tập thói quen viết ra giấy những hoạt động hoặc nhiệm vụ của ngày mới vào buổi tối hôm trước, điều này giúp bạn không còn lo lắng việc quên đi điều cần làm, bạn sẽ có một giấc ngủ thoải mái và ngày hôm sau chỉ cần yên tâm thực hiện kế hoạch chính tay mình liệt kê.

  1. Thay đổi những gì gần như trở thành “quy luật”

Các thông tin chuyển đến não bộ lần nào cũng như lần nào, không có gì khác lạ sẽ khiến não chúng ta trở thành bộ điều khiển tự động. Không chịu “an phận” và cố gắng thử những điều mới mẻ là cách tác động tích cực lên não bộ. Não của chúng ta sẽ có những phản ứng khác trong môi trường, hoàn cảnh mới.

Khi bạn thay đổi khung cảnh quanh mình, não sẽ “nhìn thấy” điều mới lạ và cảm nhận được sự khác biệt. Thay đổi thói quen là cách đơn giản, dễ dàng nhất tác động lên não. Thay vì lái xe về nhà theo con đường quen thuộc, bạn hãy thử đổi tuyến đường để não được “cải tổ”. Hãy thêm hình thức mới khi tập thể dục thay vì chỉ chạy trên một con đường như mọi ngày.

  1. Tập thể dục

Tập thể dục không chỉ cho cơ thể khỏe mạnh mà còn mang lại lợi ích tuyệt vời cho não. Khi tập thể dục, não sẽ giải phóng endorphins khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ thoải mái hơn, đồng thời làm giảm hormone cortisol gây stress. Cortisol làm rối suy nghĩ và giảm khả năng nhận thức của chúng ta, do đó tập thể dục giúp tâm trạng tốt hơn và suy nghĩ rõ ràng hơn.

Bạn không cần phải đến phòng tập gym mới có thể tập thể dục, có rất nhiều bài tập có thể thực hiện ngay trong nhà bạn, hoặc đơn giản là chạy bộ vài vòng quanh khu bạn ở. Khi cảm thấy căng thẳng bạn có thể vận động bằng cách lên xuống cầu thang bộ hoặc ra ngoài đi dạo để giúp não khôi phục năng lượng.

  1. Sống chậm lại

Làm việc chậm có thể bị coi là lười biếng, nhưng trên thực tế đây lại là cách giúp não duy trì trạng thái khỏe mạnh. Khi quá bận rộn và tập trung vào nhiều thứ cùng lúc, chẳng hạn như thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ thì bạn sẽ làm việc ở mức 50% mỗi nhiệm vụ, tương tự như vậy với ba nhiệm vụ, bạn sẽ giảm xuống còn 33% mỗi việc. Trong khi đó, bạn kéo dài thời gian để làm các công việc nhưng tập trung 100% vào mỗi nhiệm vụ thì bạn sẽ làm việc tốt hơn và đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó bạn sẽ ít căng thẳng hơn, điều này cho phép bạn suy nghĩ thấu đáo và ít gây ra sai sót hơn.

Nếu có quá nhiều việc cần phải giải quyết nhanh chóng, bạn hãy viết thứ tự những nhiệm vụ cần thiết làm trước trong vài giờ tới, những việc cần xử lý trong ngày để mình không rơi vào căng thẳng, lo lắng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn