5 thông điệp sâu sắc về sức khỏe tâm thần trong một bộ phim Hàn Quốc

07:05 | 19/08/2020;
Bộ phim Hàn Quốc "Điên thì có sao" thu hút sự chú ý của khán giả quốc tế khi đề cập tới vấn đề sức khỏe tâm thần.

Điên thì có sao (It’s Okay Not Be Okay) là bộ phim mới nhất gia nhập danh sách phim truyền hình Hàn Quốc chiếu trên Netflix, sau các bộ phim đình đám khác như Tầng lớp Itaewon (Itaewon Class) và Hạ cánh nơi anh (Crash Landing On You). 

Điên thì có sao phát sóng trên Netflix vào đầu tháng này, đã thu hút được sự chú ý của người hâm mộ quốc tế vì mạch phim chân thực về chủ đề sức khỏe tinh thần. Bộ phim tập trung khai thác câu chuyện của các nhân vật Gang-tae ( Kim Soohyun ), Sang-tae (Oh Jungse), Moon-young (Seo Yeji).

Điên thì có sao xoay quanh câu chuyện về nhân viên y tế cộng đồng làm việc ở khoa tâm thần tại một bệnh viện tên Gang-tae. Anh phải vất vả mưu sinh và chăm sóc người anh trai tự kỷ tên Sang-tae, người sợ mùa xuân và bươm bướm do cả hai đều gắn liền với cái chết bi thảm của người mẹ quá cố. Sau nhiều lần chuyển nhà, cuối cùng họ chọn sống trên mảnh đất quê hương tại thành phố Seongjin. 

Tại đây Gang-tae làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Ổn Định và gặp nhà văn viết truyện thiếu nhi nổi tiếng Moon-young – người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Nhờ vào tình yêu của Gang-tae cũng như sự giúp đỡ của cả hai anh em, Moon-young cuối cùng cũng trút bỏ vết thương lòng và có một cuộc sống tốt hơn.

Không chỉ là một bộ phim tình cảm lãng mạn đơn thuần, Điên thì có sao còn mang đến cho khán giả nhiều hơn thế nữa. Thông qua việc khắc họa 3 nhân vật chính của bộ phim và từng bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Ổn Định, Điên thì có sao còn mang đến những thông điệp quan trọng về sức khỏe tâm thần, một chủ đề thường bị "bỏ quên" trong xã hội và truyền thông Hàn Quốc.

5 thông điệp sâu sắc về sức khỏe tâm thần trong một bộ phim Hàn Quốc - Ảnh 1.

Các nhân vật chính trong "Điên thì có sao"

 

Mỗi người có tổn thương khác nhau

Mặc dù Moon-young có vẻ lạnh lùng và thiếu thông cảm trong nửa đầu bộ phim, nhưng những hành vi của cô sau đó đã được giải thích. Moon-young đã trải qua một tuổi thơ đau thương và có mối quan hệ không mấy êm đẹp với mẹ mình. Qua việc chiến đấu với nỗi sợ hãi và các vấn đề gia đình chưa được giải quyết với sự giúp đỡ từ Gang-tae, cô dần học cách kiểm soát những cơn bốc đồng. 

Tương tự, Gang-tae luôn là một người em trai tốt, vừa chăm sóc anh trai tự kỉ vừa làm việc tại bệnh viện. Tuy nhiên, lúc nhỏ cả hai đã từng gặp một tai nạn suýt chết trên bãi băng tuyết, Gang-tae đã suýt bỏ mặc anh trai mình chết cóng. Bộ phim là câu chuyện riêng của mỗi nhân vật, cho thấy rằng "Đừng chỉ nên đánh giá quyển sách chỉ qua trang bìa".

5 thông điệp sâu sắc về sức khỏe tâm thần trong một bộ phim Hàn Quốc - Ảnh 2.

Cảnh trong phim "Điên thì có sao"

 

Đối mặt với đau thương để vượt qua nó

Sang-tae liên tục tự nhủ với bản thân sau buổi làm việc với giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ổn Định, Tiến sĩ Oh Ji-wang (Kim Chang-wan) rằng "Cánh bướm vừa là tổn thương lẫn sự chữa lành". Trải qua biến cố đau thương với loài bướm trong suốt cuộc đời, Sang-tae không muốn vẽ loài côn trùng này lên bức tranh tường mà anh vẽ trong bệnh viện. Vào cuối bộ phim, Sang-tae đã học cách vượt qua nỗi sợ, trút bỏ gánh nặng tâm lý bằng cách đối mặt và tập vẽ những con bướm, thay vì hoàn toàn trốn tránh chúng như trước đây. 

Trong khi đó, Kwon Ki-do (Kwak Dongyeon), một bệnh nhân có cha là đại biểu Quốc hội, phải vật lộn với căn bệnh trầm cảm do thiếu quan tâm của gia đình trong quá trình trưởng thành. Bằng cách đối mặt với vấn đề của bản thân và quyết định nhảy trên sân khấu trước mặt cha mình, tình trạng của Kwon Ki-do đã được cải thiện đáng kể.

Cần có thời gian để chữa lành vết thương

Như đã thấy trong suốt bộ phim, các vấn đề sức khỏe tâm thần bao gồm rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), chứng mất trí và trầm cảm không thể khỏi trong một sớm một chiều. Để chữa khỏi bệnh và tận hưởng cuộc sống của mình, các nhân vật đã phải vượt qua vô số trở ngại và đối mặt với nỗi sợ hãi. 

Chẳng hạn, Kang Eun-ja là một bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Ổn Định. Bà phải vật lộn với chứng trầm cảm sau khi mất con gái trong một vụ tai nạn xe hơi thảm khốc. Việc mất đi đứa con gái thân yêu dẫn đến nỗi ám ảnh của bà về chiếc khăn choàng lông mà cô con gái đã tặng ngay trước khi qua đời. Trải qua nhiều sự cố, cuối cùng bà ấy tặng chiếc khăn choàng cho Moon-young, ngụ ý rằng bà sẽ loại bỏ cảm giác tội lỗi vì đã la mắng con gái mình và chấp nhận sự thật rằng con gái không còn ở bên cạnh.

5 thông điệp sâu sắc về sức khỏe tâm thần trong một bộ phim Hàn Quốc - Ảnh 3.

Cảnh trong phim "Điên thì có sao"

 

Người tự kỉ không nên bị phân biệt đối xử

Sang-tae được chẩn đoán mắc chứng Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) phải đấu tranh để nhận ra cảm xúc của người khác; anh thích đọc truyện thiếu nhi và xem phim hoạt hình Dooly the Little Dinosaur những năm 1980 của Hàn Quốc. 

Gang-tae, người đã chăm sóc anh trai mình suốt cuộc đời, luôn đảm bảo rằng Sang-tae không bao giờ bị người khác đối xử khác biệt. Vào cuối bộ phim, Sang-tae học cách trở nên độc lập hơn bằng cách chiêu đãi Gang-tae một bữa ăn và giúp Go Moon Young hoàn thành tác phẩm cuối cùng trước khi gác bút với tư cách họa sĩ. 

Cuốn truyện do Moon Young viết và Sang Tae vẽ minh họa, Đi tìm gương mặt thật là một sự công nhận cho tài năng của anh. Và cũng từ đây Sang-tae muốn tiếp tục phát huy tài năng hội họa của mình. 

Khía cạnh này ở "Điên thì có sao" là một trong nhiều điểm nổi bật của bộ phim, vì việc khám bệnh tâm thần và thảo luận cởi mở về vấn đề này vẫn được coi là điều cấm kỵ ở Hàn Quốc từ xưa cho đến ngày nay.

Hãy nói ra và tìm kiếm giúp đỡ

Nhan đề của bộ phim đã nói lên tất cả. Câu chuyện của các nhân vật trong Điên thì có sao nhấn mạnh rằng mỗi người đều có câu chuyện riêng của họ, và không phải mọi chuyện lúc nào cũng ổn. 

Mọi người đều sẽ có thể vượt qua vết thương tâm lý nếu như họ chịu nói ra và tìm kiếm sự giúp đỡ. Như hình ảnh ẩn dụ của những con bướm trong suốt các tập phim, việc hàn gắn vết thương tâm lý cũng như tình cảm phải trải qua với thời gian và nỗ lực.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn