Kiểm tra di truyền (GT) được xem là "người thay đổi cuộc chơi". GT tập trung vào nhóm người và gia đình có nguy cơ ung thư cao để nhận biết và loại bỏ rủi ro. Kể từ năm 2003, khi các nhà khoa học lập bản đồ thành công bộ gene người, liệu pháp cá nhân hóa dựa trên thông tin di truyền đã trở thành "chén thánh" trong điều trị ung thư. Trước đây, các bác sĩ phụ thuộc vào hóa trị, phẫu thuật và xạ trị, thì giờ đây có thể phân tích ADN khối u của một người và sử dụng các liệu pháp được thiết kế để nhắm mục tiêu, các đột biến cụ thể được tìm thấy. Ngoài ra, bằng cách phân tích ADN cá nhân, bác sĩ có thể xác định các đột biến làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Sau đó, chúng có thể được đưa vào các phác đồ sàng lọc và điều trị cụ thể.
Khoa học phát hiện ra các đột biến bổ sung dẫn đến ung thư trong tương lai, với nhiều đột biến trong số này có thể phát hiện sớm. Thực tế, rất nhiều bệnh nhân bị đột biến nên không phù hợp với các mô hình điều trị hiện tại nên test di truyền được coi là "tương lai của ngành ung thư học."
Một mũi tên khác trong cuộc chiến chống ung thư được y học quan tâm, đó là liệu pháp miễn dịch nhắm mục tiêu (TI). Liệu pháp TI là tìm kiếm các bất thường về gene hoặc protein trong khối u của bệnh nhân và kết hợp chúng với các liệu pháp miễn dịch để nhắm mục tiêu cụ thể diệt trừ. Nói ngắn hơn, TI khai thác sức mạnh của hệ thống miễn dịch để tấn công các tế bào ung thư. Chúng ta đã nghe nói đến liệu pháp tế bào CAR-T, chất ức chế điểm kiểm tra miễn dịch, kháng thể đơn dòng, vaccine điều trị và bộ điều biến hệ thống miễn dịch. Liệu pháp TI cho thấy nhiều hứa hẹn đối với nhiều loại ung thư khác nhau.
Liệu pháp tế bào CAR-T thực chất là quá trình tái cấu trúc lại các tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân để tấn công ung thư, là một bước đột phá thực sự trong liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp này đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cho điều trị bệnh ung thư máu và nó có nhiều hứa hẹn trong việc điều trị các khối u rắn.
Một loại thuốc đột phá được gọi là pembrolizumab (Keytruda), hay chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, được thiết kế để ngăn chặn hoạt động của một protein ngăn chặn hệ thống miễn dịch có tên là PD-L1 để các tế bào miễn dịch có thể tiêu diệt ung thư. Nồng độ PD-L1 trong tế bào ung thư có thể cao hơn 90%, làm cho nó trở thành một loại protein có khả năng nhắm mục tiêu hiệu quả. Thuốc đã được sử dụng thành công để điều trị ung thư hắc tố và các bệnh ung thư da khác, cũng như ung thư vú, phổi, nội mạc tử cung, thận, thực quản và nhiều loại ung thư khác, khiến các căn bệnh này tiến triển nặng, thậm chí có thể gây tử vong.
Phát hiện và điều trị ung thư cùng lúc là cách mới, dùng máy chiếu xạ đạt được mục tiêu phân phối bức xạ tiêu diệt khối u trong "thời gian thực". Đây là một bước tiến đối với nhóm mắc bệnh ung thư giai đoạn muộn, trước đây không được xem xét dùng liệu pháp này.
Thiết bị có tên RefleXion X1 sẽ cung cấp khả năng rộng, định hình chùm tia bức xạ nhắm vào khối u và tính đến chuyển động của cơ thể và cơ quan, giúp bác sĩ định hình liều lượng và phơi nhiễm bức xạ theo cách hạn chế thiệt hại cho các mô quanh khối u. Nó cũng có thể phát hiện các khối u ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể trong cùng một đợt điều trị. Tiềm năng trị liệu của máy vẫn chưa được khám phá đầy đủ. Nó đang chờ kết quả thử nghiệm để FDA cấp phép. Dự kiến, FDA sẽ đưa ra quyết định trong năm 2022. Nếu thành công, nó sẽ thay đổi mô hình điều trị, có thể chữa được các ca bệnh mà khối u đã di căn.
Ung thư học phóng xạ (Radiation Oncology) giúp tăng tính đa dạng trong các thử nghiệm lâm sàng. Những người thuộc các chủng tộc, dân tộc, lứa tuổi và khuynh hướng tình dục khác nhau có các yếu tố thể chất, di truyền và môi trường khác nhau nên dễ bị tổn thương do bệnh tật gây ra. Ví dụ, một loại thuốc có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân thuộc các chủng tộc khác nhau, thậm chí độ tuổi khác nhau. Nếu điều này không được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng thì các thông tin quan trọng có thể dễ bị bỏ qua. Vì lý do trên mà y khoa đang hướng tới ung thư học phóng xạ nhằm khắc phục những thiếu sót còn tồn tại.
PIPAC là viết tắt của cụm từ tiếng Anh "pressurized intraperitoneal aerosol chemotherapy" (tạm dịch: phương pháp hóa trị khí dung trong phúc mạc có áp suất). Kết quả bước đầu cho thấy phương pháp này ít tác dụng phụ hơn so với hóa trị liệu truyền thống.
Đối với bệnh nhân bị di căn nhiều vùng ổ bụng với những nốt cực nhỏ tăng sinh nên khó phẫu thuật, hóa trị IV đã chứng minh là kém hiệu quả nhưng PIPAC lại phát huy tác dụng, cung cấp hóa trị trực tiếp vào các nốt cực nhỏ này. Đây là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, sử dụng một kỹ thuật tiêu chuẩn khí carbon dioxide được đưa trực tiếp vào ổ bụng, tạo ra áp lực nâng thành bụng và tạo ra khoảng trống xung quanh các cơ quan.
PIPAC sử dụng một bút phun sương được kết nối với một vòi phun áp suất cao để đưa một dạng hóa trị liệu khí dung vào sâu trong các khe bụng, tạo sương mù trong nửa giờ để các khối u nhỏ tắm trong đó, trước khi khí dung được hút ra. Quá trình này mất khoảng 90 phút, sau đó là một thời gian nằm viện qua đêm. Các bệnh nhân thử nghiệm sẽ trải qua quy trình tối đa 6 chu kỳ. PIPAC cho thấy tác dụng phụ tối thiểu vì nó chỉ sử dụng 10% đến 20% liều hóa trị liệu thông thường. Giai đoạn I thử nghiệm ban đầu thu nhận 16 bệnh nhân. Kết quả rất hứa hẹn nên được ứng dụng tiếp cho 22 bệnh nhân bị ung thư biểu mô phúc mạc qua ít nhất một chu kỳ điều trị hóa trị liệu tiêu chuẩn nhưng không thành công.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn