Phát biểu chủ trì khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN, nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới và là quốc gia đầu tiên trong khu vực Châu Á phê duyệt Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em. Trong 30 năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến bảo vệ, phát triển trẻ em nói chung. Quốc hội cũng lưa chọn chuyên đề về phòng chống xâm hại trẻ em để giám sát tối cao trong năm 2020.
Tuy nhiên, tình trạng xâm hại trẻ em (XHTE) vẫn diến biến gia tăng, phức tạp. Đau lòng hơn, ngày càng nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại ngay tại gia đình, do người thân quen, ruột thịt gây ra. "Qua thực tế giám sát, chúng tôi thấy hầu hết các địa phương đều có tình trạng này, có những địa phương, tỷ lệ trẻ bị xâm hại bởi người thân quen, ruột thịt lên đến hơn 90%, tỷ lệ trung bình phổ biến là 60 - 70%", bà Nguyễn Thị Thu Hà nhận định.
Trong khuôn khổ hội thảo, Chủ tịch Hội LHPNVN đặt ra 5 vấn đề bức thiết của tình trạng xâm hại trẻ em.
Thứ nhất, khoảng trống về pháp luật, chính sách trong bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trong gia đình.
Thứ hai, các dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa và can thiệp hỗ trợ trẻ em khi xảy ra rủi ro, trong đó theo hướng vừa xã hội hóa, đảm bảo vai trò quản lý Nhà nước trong quy hoạch hoạt động nhằm đa dạng hóa hình thức dịch vụ, dễ tiếp cận hơn với trẻ em.
Thứ ba, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các bên liên quan về công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em.
Thứ thư, các vấn đề đặt ra trong giáo dục gia đình và trang bị kỹ năng cho trẻ trước nguy cơ xâm hại. Đây được xem là giải pháp căn bản gốc rễ trước các biến động và thay đổi quan điểm về đạo đức, lối sống, các vấn đề về di cư, đặc biệt là sự tác động của mạng xã hội.
Thứ năm, các vấn đề về thanh kiểm tra, giám sát, quá trình tố tụng… đối với xâm hại trẻ em hiện nay.
Thách thức từ chính gia đình?
Nói về nạn xâm hại trẻ em trong gia đình, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nhìn nhận, còn nhiều vấn đề liên quan đến quan niệm, văn hóa trong gia đình, trong đó có quan niệm rất truyền thống là "yêu cho roi cho vọt" được sử dụng phổ biến, xã hội chấp nhận.
"Lấy lý do người lớn đánh và quát mắng trẻ con là nóng giận, bực tức nhưng không thể vin vào điều này đến mức giết cả con như những vụ việc thương tâm xảy ra ở Đà Nẵng và Phú Thọ", bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, hiểu biết của trẻ em và người lớn về quyền được bảo vệ - 1 trong 6 quyền cơ bản của trẻ em, vẫn còn vô cùng thấp. Trong đó, trách nhiệm của gia đình, nhận thức của cha mẹ còn nhiều hạn chế.
"Cha mẹ đi làm ăn xa cũng để lo cho con ăn học đàng hoàng, nhưng dành ít thời gian trò chuyện với con, có đi xa về cũng chỉ quan tâm đến việc học. Nhiều gia đình lơ là mất cảnh giác. Có gia đình đi ăn đám giỗ đông đủ, người này tưởng người kia trông cháu nhưng đến lúc phát hiện cháu có nguy cơ xâm hại mới nháo nhào lên đi tìm. Hoặc khi phát hiện cũng không ngăn chặn kịp thời vụ việc", bà Thanh Hòa nêu thực tế
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội, thẳng thắn chỉ ra, trẻ em không những không tự bảo vệ được mình mà chính gia đình cũng không bảo vệ được trẻ em. Điều này xuất phát từ các vấn đề về đạo đức, nhận thức của các thành viên trong gia đình, sự thờ ở của chính quyền địa phương. "Cán bộ địa phương khi biết chuyện liền khua tay "Chuyện nhà người ta, kệ họ!". Tôi khẳng định có thực trạng chính quyền xã biết nhưng lên án về đạo đức thì không làm. Chưa kể xử lý vi phạm hành chính, chúng ta thu được bao tiền về xử lý hành chính bạo lực gia đình? Chắc chắn không có!", ông Mai Bộ cho hay.
Một điều nữa, theo ông chính là đặc tính cam chịu bao lâu nay của người phụ nữ. "Phải có cách nào đó để khắc phục tính cam chịu - vấn đề cố hữu, đặc biệt với phụ nữ vùng nông thôn. Khi bị bạo lực hành hạ thì gần như phụ nữ chỉ cam chịu, cho đó là số phận của mình", ông Mai Bộ nói.
Dẫn chứng một số vụ việc đau lòng về xâm hại tình dục trẻ xảy ra gần đây, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết, có thực tế là nhiều bà mẹ dù cảnh giác, quan tâm con không dám buôn bán xa để bảo vệ con, nhưng vẫn không hiểu tại sao con mình lại bị hàng xóm xâm hại, thậm chí bé còn bị ép uống thuốc kích dục.
"Vừa qua ở quận Thủ Đức, Hội LHPN TPHCM phát hiện vụ việc cha đánh mẹ và bắt con ngồi xem. Khi ngồi trước phiên tòa, bà mẹ đã nói "Bé này chém bạn nó y chang ngày xưa cha nó chém tôi". Điều chúng tôi quan tâm chính là những đứa trẻ bị ảnh hưởng đến mức đáng báo động, đau lòng. Bạo lực gia gia đình dẫn đến việ trẻ em đứng trước phiên tòa phạm tội", luật sư Ngọc Nữ cho biết.
Cũng liên quan đến thực trạng về XHTE trong gia đình, bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF, còn cảnh báo về tình trạng xâm hại qua mạng xã hội. "Ngồi trong gia đình nhưng các em giao tiếp ảo, có nhiều chat room tán gẫu, chat sex… ngay khi các em ngồi gần cha mẹ của mình", bà Loan nêu thực trạng.
Cũng theo bà Loan, các nghiên cứu quốc tế liên quan đến tâm thần, thần kinh của trẻ em đã đưa ra nhiều thông tin làm rung chuyển cách tiếp cận về vấn nạn XHTE. Đó là trẻ bị xâm hại ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của não bộ, từ đó ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của quốc gia
Một nghiên cứu của UNICEF cũng chỉ ra những tổn hại xã hội về chi phí tài chính với con số giật mình đối với vấn đề XHTE. Điển hình là khu vực Thái Bình Dương có 14 nước, trong đó có Việt Nam mỗi năm tổn hại khoảng 2% GDP từ việc khắc phục hậu quả các hành vi XHTE.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn