50% doanh nghiệp chưa từng nghe đến nguyên tắc kinh doanh gắn với quyền trẻ em

20:01 | 18/12/2018;
“Mặc dù 98% doanh nghiệp biết đến quyền trẻ em, nhưng lại có tới 50% doanh nghiệp chưa từng nghe đến nguyên tắc kinh doanh gắn với quyền trẻ em”- thông tin được ông Lê Quang Vinh, CEO Nexedu chia sẻ ngày 18/12/2018.
tu-thien.jpg
Có tới - Ảnh minh họa

Phát hiện bất ngờ

Theo ông Lê Quang Vinh: “Khảo sát mô hình doanh nghiệp thân thiện với trẻ em” được tiến hành với 103 doanh nghiệp, trong đó có phỏng vấn sâu đại diện của 20 doanh nghiệp lớn đã có những phát hiện bất ngờ, trong đó có nội dung dù 98% doanh nghiệp biết đến quyền trẻ em, nhưng lại có tới .

Đặc biệt, dù không kinh doanh hoặc có các sản phẩm liên quan đến trẻ em nhưng thực tế cho thấy, mọi doanh nghiệp đều liên quan đến trẻ em bởi trẻ em không chỉ là khách hàng của doanh nghiệp mà còn là con em cán bộ nhân viên, con em khách hàng, đối tác…

Do đó, khi doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc kinh doanh gắn với quyền trẻ em có thể thúc đẩy môi trường kinh doanh ổn định, bền vững”; 63,1% thấy “nâng tầm thương hiệu”, 71% đơn vị thấy trẻ em quan trọng, rất quan trọng với doanh nghiệp…

Vẫn còn 17% sản phẩm dịch vụ “chưa an toàn” với trẻ em. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc 44% doanh nghiệp còn chưa nhận biết trẻ em không sử dụng sản phẩm của họ nhưng vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sản phẩm của họ.

Gần 2/3 doanh nghiệp chưa có chính sách chính thức để bảo đảm thực hành các nguyên tắc bảo vệ quyền trẻ em; 49% không có hoặc “không rõ, không nhớ”; 19% đang cân nhắc xây dựng cơ chế phản hồi về hành vi xâm phạm quyền trẻ em.

Các quảng cáo, marketing chưa cam kết thúc đẩy quyền trẻ em bởi 64% các doanh nghiệp có quảng cáo, marketing nhưng không nhắm đến trẻ em và không có sự tham gia của trẻ em, chưa nhận thức hoạt động marketing/quảng cáo vẫn có thể ảnh hưởng tới trẻ em.

Hơn 91% doanh nghiệp tham gia từ thiện, cứu trợ trẻ em thường niên, trong đó 46,6% không có ngân sách. Đối tượng được quan tâm nhiều nhất gồm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (58%), trẻ em bị thiên tai (53%), con em nhân viên (50%)…

31% nói sẵn sàng tham gia chương trình thúc đẩy “doanh nghiệp thân thiện với trẻ em”…

Hướng đến trẻ em

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Phần mềm FPT chia sẻ, FPT không làm sản phẩm nào liên quan đến trẻ em, nhưng hoạt động từ thiện được công ty duy trì từ nhiều năm nay với suy nghĩ “làm bằng cái tâm”.

2.jpg
Các hoạt động thiện nguyện của nhiều công ty thường hướng tới trẻ em - Ảnh minh họa

Cán bộ FPT có 365 ngày hạnh phúc nên sẽ mang 1 ngày lương để sẻ chia với những người kém may mắn. Hoạt động thiện nguyện được lên kế hoạch cho cả năm, hướng đến những trường học nghèo khó nhất. Ở những địa phương bị thiên tai, lũ lụt, khi bão rút đi thì FPT sẽ đến để tái thiết lại trường học, cuộc sống cho các bé. Ngoài ra, còn nhiều chương trình hướng đến đối tượng trẻ em, giúp trẻ đam mê công nghệ thay vì vùi đầu vào game…

“FPT không phải doanh nghiệp sinh ra để làm từ thiện, vẫn đặt trách nhiệm với cộng đồng như một điều tất yếu. Khi triển khai các chương trình bao giờ cũng liên lạc với cán bộ nằm vùng địa phương xem người dân cần gì để có sự giúp đỡ thiết thực nhất. Năm 2018, quỹ Hy vọng được thành lập, mong rằng có thể làm việc ý nghĩa hơn cho cộng đồng. FPT đã khảo sát thấy ở đồng bằng sông Cửu Long, học sinh phải đi học qua cầu treo không an toàn vì thế năm 2019 sẽ xây 100 cây cầu để kết nối các miền quê ra thành phố, không phải đi học qua cầu tre lắt lẻo. Mới bắt đầu nhưng đã có 10 cầu được xây. Bên cạnh đó, sẽ cố gắng phủ tri thức tới thêm nhiều trường học thông qua tủ sách ước mơ”- bà Hải Vân chia sẻ.

Cũng là một doanh nghiệp không có sản phẩm liên quan đến trẻ em, ông Malcom Andersons, Giám đốc Tài chính Damen Sông Cấm (Hải Phòng) cho biết, ở Úc cũng có một số doanh nghiệp lớn cung cấp dịch vụ cho trẻ em để người lao động yên tâm làm việc. Tuy nhiên, sau này Chính phủ đã trợ giá cho các Trung tâm chăm sóc trẻ em thay vì để người lao động mang con đến nơi làm việc- cách này an toàn cho trẻ và chuyên nghiệp hơn.

“Damen Sông Cấm là doanh nghiệp đóng tàu tại Việt Nam với 650 nhân viên, trong đó có 50 nhân viên nữ. Chúng tôi hạn chế việc đưa con đến nhà máy bởi đó là môi trường nguy hiểm với trẻ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn có ý thức về trách nhiệm cống hiến cho cộng đồng thông qua việc xây dựng thư viện, trang bị sách, máy tính cho trường học trên địa bàn. Sơn tường, vẽ tranh ở trường học… Tất cả các hoạt động này đều do nhân viên công ty tự tay làm”, ông Malcom Andersons thông tin.

Không dừng ở đó, Damen Sông Cấm còn trực tiếp tham gia vào dự án “Con thuyền bình yên” tại xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng- với mục tiêu nâng cao nhận thức của trẻ em từ mẫu giáo cho tới THCS về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em cũng như nâng cao hiểu biết và trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cán bộ chính quyền địa phương và các bên liên quan trong việc bảo vệ trẻ em.

Dự án nhằm khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế doanh nghiệp song hành cùng với sự phát triển bền vững của xã hội, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng địa phương.

Các doanh nghiệp có mặt tại Hội thảo “Tạo xu hướng - Dẫn dắt thay đổi 2018” do Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững tổ chức (MSD) ngày 18/12/2018 tại Hà Nội đều thừa nhận lợi ích khi áp dụng nguyên tắc kinh doanh gắn với quyền trẻ em có thể thúc đẩy môi trường kinh doanh ổn định và nâng tầm thương hiệu… Thậm chí, bà Nhi Lê, Quản lý chương trình cộng đồng khu vực Đông Nam Á, Microsoft khẳng định, từ thiện phát triển được lồng ghép vào sứ mệnh của Microsoft. Không phải ngẫu nhiên mà Microsoft là 1 trong 30 công ty đóng góp tích cực vào hoạt động nhân đạo. “Microsoft làm từ thiện xuất phát từ con người, không nói về việc công nghệ làm được gì mà luôn hỏi các bạn cần gì và tìm cách biến mong muốn đó thành hiện thực”.

10 nguyên tắc kinh doanh gắn với quyền trẻ em của UNICEF

- Đáp ứng trách nhiệm tôn trọng quyền trẻ em và cam kết hỗ trợ quyền con người của trẻ em.

- Góp phần xóa bỏ lao động trẻ em, kể cả trong mọi hoạt động kinh doanh và các mối quan hệ kinh doanh.

- Cung cấp công việc tốt cho người lao động trẻ, cha mẹ và người chăm sóc.

- Đảm bảo sự bảo vệ và an toàn của trẻ em trong mọi hoạt động và cơ sở kinh doanh.

- Đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ được an toàn và tìm cách hỗ trợ quyền trẻ em thông qua các sản phẩm và dịch vụ này.

- Sử dụng tiếp thị và quảng cáo tôn trọng và hỗ trợ quyền trẻ em.

- Tôn trọng và hỗ trợ quyền trẻ em liên quan đến môi trường và thu hồi, sử dụng đất.

- Tôn trọng và hỗ trợ quyền trẻ em trong các thỏa thuận an ninh.

- Giúp bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi các trường hợp khẩn cấp.

- Củng cố cộng đồng và nỗ lực của chính phủ để bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn