Tại hội thảo, bà Lò Thị Phong ở xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết: “Gia đình tôi trồng cà phê gần 10 năm, được Hội khuyến nông xã tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê nhưng chúng tôi gặp nhiều khó khăn do thời tiết, giá cả bấp bênh, thiếu vốn đầu tư và chưa biết tự hoạch toán”.
Quả thật, nông dân quy mô nhỏ là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đang tham gia chuỗi giá trị sản xuất cà phê Arabica tại Việt Nam với vị thế và thu nhập kém. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên và Sơn La, hầu hết chị em tham gia chuỗi giá trị sản xuất cà phê Arabica đang áp dụng mô hình hộ sản xuất nhỏ lẻ thay vì sản xuất tập trung. Tình trạng này dẫn đến sức mặc cả kém, nhiều thách thức trong tiếp cận sản phẩm đầu vào (như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật) cũng như thiếu thông tin và cơ hội cải thiện khả năng sản xuất, chế biến và sinh lời.
Ông Nguyễn Vĩnh Đức, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến, chi nhánh tại Sơn La cho rằng, bà con trồng cà phê đang phải đối mặt với thời tiết rét và sương muối, việc trồng cây che tán để hạn chế sương muối vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, bà con tự chế biến rất nhiều, tự làm thì thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất… dẫn đến chất lượng cà phê kém. Do đó, việc hỗ trợ nông dân nói chung và phụ nữ nói riêng về kinh nghiệm sản xuất là rất cần thiết.
Bà Vừ Đào My - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên - cũng cho biết Hội sẽ kết nối nguồn lực giúp chị em vùng sâu vùng xa, chị em khó khăn lập các tổ nhóm liên kết để hỗ trợ nhau trong chuỗi sản xuất cà phê. Bên cạnh đó, cần lồng ghép giới và vận động phụ nữ tham gia làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia vào cuộc vận động “5 không 3 sạch” và xây dựng nông thôn mới.
Thông qua các hoạt động, phụ nữ DTTS nói riêng và cộng đồng nói chung sẽ được tiếp cận công nghệ, kỹ thuật canh tác phù hợp. Đặc biệt, người dân tham gia dự án sẽ có cơ hội nhìn nhận lại các quan niệm định kiến giới đang gây cản trở cho người phụ nữ DTTS trong việc phát huy khả năng kinh tế và gia tăng tiếng nói của mình trong gia đình và cộng đồng.
Sau 4 năm thực hiện dự án, các nhà tổ chức kỳ vọng sẽ giúp phụ nữ tham gia vào các nhóm sản xuất chính thức và không chính thức như hợp tác xã, tổ hợp tác. Phụ nữ sản xuất cà phê tiếp cận tốt hơn nguồn vốn cho sản xuất/tài chính toàn diện; cải thiện kỹ thuật/công nghệ về trồng, chăm sóc và sơ chế sau thu hoạch thông qua các cải tiến công nghệ/kỹ thuật mới; tăng cường tiếp cận thông tin về thị trường và giá cả cho đầu vào và đầu ra của cà phê; thúc đẩy phát triển thị trường… Qua đó, vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong chuỗi cà phê được nâng cao, thúc đẩy vai trò ra quyết định của phụ nữ trong gia đình cũng như nâng cao vai trò nam giới trong việc hỗ trợ phụ nữ và chia sẻ các công việc gia đình một cách bình đẳng hơn.