550 chiến dịch diệt muỗi, Hà Nội vẫn đứng thứ 2 về số người mắc SXH

21:45 | 28/07/2017;
Từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức trên 500 chiến dịch diệt bọ gậy, trên 50 chiến dịch phun hóa chất; tập huấn cho hàng ngàn cán bộ và tổ chức nhiều đợt tuyên truyền. Thế nhưng, Hà Nội là địa phương có số bệnh nhân SXH cao thứ 2 cả nước.
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, từ đầu năm đến nay TP. đã thực hiện trên 550 chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy; trên 500.000 hộ gia đình được kiểm tra; 60.308 ổ bọ gậy đã được loại bỏ; thả 56.767 con cá; sử dụng 1.239 lọ Abate, 2.243 gói Mosquiron diệt bọ gậy.

Thành phố cũng tổ chức 56 chiến dịch phun hóa chất diện rộng và 36 lượt phun bằng máy phun cỡ lớn. Vì vậy, đã có trên 55.000 hộ gia đình đã được phun hóa chất; sử dụng hết 826 lít hóa chất diệt côn trùng. Huy động gần 10.000 lượt cán bộ y tế, chính quyền các cấp, tổ dân phố, cộng tác viên tham gia chống dịch.

Ngoài ra, chính quyền Hà Nội cũng đã tổ chức tập huấn về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cho trên 1.500 cán bộ tại các tuyến về giám sát phát hiện ca bệnh, điều trị, chăm sóc bệnh nhân SXH; phát 550.400 tờ rơi, tờ cam kết phòng chống SXH tới các hộ gia đình; huy động hệ thống loa truyền thanh, xe cổ động đi phòng chống SXH,…
20476527_10207435734690843_2429118061692896513_n.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bên trái) kiểm tra các dụng cụ có nước, nơi lăng quăng có thể sống

 Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 28/7 của UBND TP Hà Nội, tại Hà Nội đến nay đã ghi nhận 7.987 bệnh nhân mắc SXH, trong đó 4 trường hợp tử vong. Hà Nội cùng là đơn vị có người mắc SXH cao thứ 2 cả nước sau TP.HCM.

Lý giải nguyên nhân SXH gia tăng, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết năm nay mùa hè đến sớm ở miền Bắc, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến vectơ truyền bệnh SXH phát triển mạnh.
 
Hơn nữa, điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt. Nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người ở, công trường xây dựng chứa nước... tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản. Đặc biệt, Hà Nội là thành phố có dân số đông, mật độ cao, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều dân ngoại tỉnh đến làm ăn và sinh sống trọ trên địa bàn nên vệ sinh không đảm bảo.

Trong khi đó, virus Dengue có 4 tuyp là D1, D2, D3, D4. Những năm trước tại Hà Nội chỉ ghi nhận hai tuyp gây bệnh là D1 và D2, hiện nay đã phát hiện thêm tuýp D4​. Vì vậy nguy cơ sẽ làm tăng số trường hợp mắc bệnh. Ngoài ra, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao. Dù đã được tuyên truyền, hướng dẫn nhưng một số còn chủ quan, lơ là xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch.
9_zing.JPG
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm nơi sinh hoạt của người dân trong vùng có dịch SXH của quận Đống Đa

Trước diễn biến phức tạo của dịch bệnh SXH, chiều ngày 28/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp thị sát, kiểm tra các bể nước, ổ dịch tại điểm khu dân cư, công trình dễ xuất hiện SXH trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội). Ghi nhận thực tế điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế Hà Nội phải sát sao, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch SXH. Tuyên truyền mạnh mẽ đến từng người dân về phòng chống SXH, nếu không dịch SXH chắc chắn sẽ còn tăng mạnh. 

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện về việc tăng cường công tác phòng chống SXH. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần quyết liệt diệt muỗi, bọ gậy, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ. UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tổ chức cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời; tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ về dịch bệnh trên địa bàn, xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; bố trí kinh phí kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn