Chiều nay 13/3, tại buổi thông tin báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết: Khảo sát hiện trạng sử dụng bếp than tổ ong cho thấy trên địa bàn Thủ đô có khoảng 55.000 bếp. Tỉ lệ bếp than tổ ong ở các quận nội thành chiếm tới hơn 60%. Còn ngoại thành chiếm hơn 30%.
Đặc biệt, nơi sử dụng loại bếp này tập trung nhiều nhất là ở các quận lõi, tập trung rất đôn dân cư là Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình. Cũng theo kết quả khảo sát này, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 528 tấn than, phát thải khoảng gần 2.000 tấn khí CO2 vào bầu không khí.
Như vậy cũng có nghĩa Thủ đô đang phải gánh chịu lượng khí có hại khổng lồ. Điều nguy hại hơn là lượng bếp than tổ ong đang tập trung với số lượng lớn tại những phường có mật độ dân số dày đặc của Thủ đô, dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe và môi trường.
Trước thực tế này, Hà Nội đã đưa ra lộ trình từ nay đến năm 2020 sẽ loại bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn, cụ thể: năm 2018 sẽ giảm 70% số lượng bếp than tổ ong, năm 2019 thay thế 100% số lượng, năm 2020 duy trì kết quả thay thế 100% bếp than tổ ong.
Ông Lê Tuấn Định cho biết sở này đã đề xuất các giải pháp thay thế để người dân không sử dụng bếp than tổ ong. Đồng thời phối hợp với các đơn vị, viện nghiên cứu để tìm kiếm các bếp cải tiến đạt tiêu chuẩn môi trường, an toàn và hiệu quả để thay thế.
Sở TN&MT Hà Nội đã lựa chọn quận Ba Đình tổ chức thí điểm mô hình tuyên truyền tác hại của bếp than tổ ong, đồng thời giới thiệu các mẫu bếp mới thân thiện với môi trường là bếp đun đa năng không dùng quạt, bếp đun viên nén có quạt thổi…