Không khó để bắt gặp những đoạn mời chào, giới thiệu sản phẩm như vậy khi lướt trên mạng xã hội Facebook. Nhiều người dùng mạng xã hội cảm thấy khó chịu vì bỗng dưng một người lạ nhảy vào trang Facebook, nói liến thoắng, hết chỉ vào ngực, mông, thậm chí... cởi áo, chỉ mặc mỗi áo ngực ngay trước hàng trăm người xem qua màn hình. Tuy vậy, số lượt xem, theo dõi các tài khoản này có thể lên tới hàng nghìn người, thậm chí hàng triệu người. Mỗi lần livestream, họ sẽ có đến hàng trăm, hàng nghìn người đặt mua hàng.
Người livestream chủ yếu là cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada đều có khu vực trải nghiệm livestream, cho phép người dùng có thể mua ngay món hàng mà họ thấy trong phần livestream.
Không phải đến cửa hàng để mua sắm, có shipper giao hàng đến tận nơi... đó là những ưu điểm của mua hàng online khi mạng xã hội và công nghệ 5G phát triển. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng đã phải "khóc dở mếu dở" khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Chị Nguyễn Thuỳ Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, chị xem livestream bán hàng trên mạng và có mua một bộ ga trải giường có giá 1,5 triệu đồng. "Nhìn qua hình ảnh, mình thấy bộ ga rất đẹp, có màu đỏ tươi. Song khi nhận hàng, mình lại nhận được một bộ ga màu đỏ đun, khác hẳn với sản phẩm mình xem trong livestream", chị Thuỳ Anh cho biết. Điều đáng nói, khi chị Thuỳ Anh trao đổi với người bán thì người này cho biết, do ánh sáng đèn điện khiến sản phẩm livestream lên hình có màu khác thực tế. Người bàn từ chối yêu cầu trả lại hàng của chị Thuỳ Anh.
Chị Như Quỳnh (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết, chị có đặt mua một chiếc túi thương hiệu Coach trên mạng với giá 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận được hàng, chị phát hiện đây là hàng nhái. Chị gọi điện cho người bán thì người này tắt máy và chặn số điện thoại của chị.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, việc ngăn chặn và loại bỏ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử là điều nan giải nhất mà cơ quan quản lý đang tập trung giải quyết. Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các chủ sở hữu website thương mại điện tử siết chặt kiểm duyệt hàng hóa trên sàn. Tuy nhiên, với các website tự phát hay trang mạng xã hội cá nhân, ngành công thương chỉ có thể khuyến cáo người dùng chọn mua hàng trên nền tảng có uy tín, thương hiệu rõ ràng.
Theo luật sư Đào Thị Liên (Công ty luật Tiền phong, Đoàn luật sư TP Hà Nội), Luật bảo vệ người tiêu dùng quy định bên cung cấp hàng hoá phải có trách nhiệm lưu giữ những tài liệu chứng từ giao dịch giữa các bên để làm cơ sở bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc mua sắm trên không gian mạng có nhiều rủi ro. Một trong những rủi ro là chứng từ, đề xuất giao kết, chứng từ thanh toán thực hiện qua phương thức online dễ bị bên bán hàng cố tình huỷ đi. Sự phối hợp và khả năng phản ứng nhanh khi có sự việc xảy ra của những bộ phận chức năng phòng chống vi phạm trên không gian mạng đôi khi còn chậm trễ. "Tôi cho rằng, hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật của ta cần được hoàn thiện sớm để bảo vệ chứng cứ cho cả người bán và người mua trên không gian mạng. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng cần nhanh và hiệu quả hơn", luật sư Đào Thị Liên nhấn mạnh.
Luật sư Đào Thị Liên cho rằng, để tránh gặp những rủi ro khi mua sắm online, người tiêu dùng cần lưu ý, những giao dịch đặt mua phải được lưu giữ cẩn thận. Nếu đối tác có dấu hiệu vi phạm, cần mời bên thứ 3 tới lập vi bằng để lưu giữ chứng từ làm cơ sở cung cấp cho các cơ quan chức năng trước khi rủi ro trên thực tế xảy ra. Ngay khi xảy ra sự việc, cần tập hợp chứng từ chuyển hoá sang file văn bản kèm theo đơn để chuyển tới các cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Ngoài ra, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi lựa chọn mua hàng trên mạng, tránh những sản phẩm "quảng cáo trên trời" về công dụng.
Thiết nghĩ, ngoài sự cẩn trọng từ phía người tiêu dùng, cần xiết chặt quản lý quảng cáo và chất lượng sản phẩm mua bán trên mạng, bảo vệ người tiêu dùng theo nguyên lý như ngoài đời thực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn