Trước khi đồ inox ra đời thì đồ nhôm đã tạo ra một đế chế rộng khắp trên toàn thế giới. Nhôm được sử dụng làm đồ gia dụng trong nấu ăn do là vật liệu ít bị hoen rỉ.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia Công nghệ thực phẩm cho biết, nhôm là một kim loại mà ở trong không khí (bình thường) sẽ phản ứng với oxy tạo ra oxit nhôm khá bền ở nhiệt độ bình thường. Oxit nhôm sẽ tạo thành một lớp màng bao quanh nồi giúp ngăn tác động của môi trường vào nhôm ở bên trong, đồng thời cũng ngăn không cho nhôm ở bên trong tan ra ngoài. Cũng chính vì lẽ đó mà nhôm không bị hoen rỉ.
Lớp màng bảo vệ nhôm này sẽ khiến cho nồi mất đi độ bóng và xỉn màu. Nhiều người khi thấy nồi xỉn màu vàng mang ra chà, cọ cho sạch khiến cho lớp bảo vệ bị mất đi. Chỉ sau thời gian ngắn sử dụng nồi nhôm sẽ bị rỗ mặt, có hiện tượng ăn mòn, độ bền không cao.
Những nồi nhôm được làm từ nhôm tinh khiết nếu biết cách sử dụng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách sẽ khiến quá trình ăn mòn diễn ra nhanh, nhất là khi dùng nồi nhôm để nấu/đựng đồ ăn có muối hoặc đồ ăn chua.
Với các loại nồi nhôm giá rẻ, được làm bằng phế liệu, pha tạp thì có thể chứa các chất độc hại vượt quá quy định cho phép đối với sức khỏe.
Theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, hàm lượng chì có trong sản phẩm nhôm tái chế là 7mg/kg, nếu vượt quá sẽ tích tụ trong gan, thận gây ung thư, giảm chức năng gan, thậm chí là ngộ độc cấp tính.
PGS Thịnh khuyến cáo: "Khi nấu nồi nhôm nếu có muối sẽ tạo ra phản ứng với lớp màng bảo vệ của nhôm khiến cho nồi nhanh bị rỉ, muối nhôm sẽ bị đùn ra ngoài. Oxit nhôm hoà tan vào thực phẩm. Tuy oxit nhôm không phải là kim loại nặng nhưng khi đưa vào cơ thể quá nhiều sẽ không tốt cho sức khoẻ".
Để sử dụng nồi nhôm an toàn, các chuyên gia lưu ý:
- Không nấu canh chua, kho thức ăn bằng nồi nhôm vì sẽ tạo ra phản ứng với oxit nhôm và làm nó tan một phần vào canh, khi ăn vào sẽ gây hại sức khỏe.
- Không nên dùng nồi nhôm nấu ăn trong khoảng thời gian dài: Điều này sẽ khiến hình thành nên các chất không tốt cho sức khoẻ.
- Không sử dụng nồi nhôm đựng đồ ăn có muối: Do nhôm tác dụng với muối khiến cho oxit nhôm hoà tan vào thực phẩm sẽ không tốt cho sức khoẻ.
- Không dùng đồ nhôm để muối hay đựng dưa cà.
- Không đựng các thức ăn có chất axid, chất kiềm bằng đồ nhôm vì sẽ sinh phản ứng hóa học, tạo nên một hợp chất có hại cho cơ thể. Không nên đựng thức ăn, cơm, canh, rượu, các thức ăn có mì chính trong đồ bằng nhôm.
Lưu ý, khi nấu nồi nhôm nên nấu nhỏ lửa để tránh bị cháy, bong tróc lớp bảo vệ và làm gia tăng hiện tượng ăn mòn, dễ sinh ra các chất có hại cho cơ thể.
Các chuyên gia lưu ý nồi nhôm tái chế chứa nhiều tạp chất thường có màu xỉn, màu sắc của bề mặt không đều, có thể có vết rỗ, thường đúc bằng khuôn. Nhôm tái chế giòn, không dẻo. Còn nhôm nguyên chất thường bóng sáng, màu không xỉn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn