Đau xương khớp
Triệu chứng của bệnh là bị đau, sưng tấy các khớp trên cơ thể, nhất là các khớp tay, khớp chân. Người bệnh thường có biểu hiện xanh xao, nhức mỏi cơ thể. Do vậy cần phải chú ý khi giao mùa, thời tiết thay đổi, chuyển lạnh, cần giữ ấm cơ thể, sau khi ra mồ hôi thì không nên tắm bằng nước lạnh mà nên tắm sớm với nước ấm. Đối với người khỏe cũng nên có chế độ ăn uống nhiều sữa, rau xanh, hải sản giúp ngăn ngừa bệnh xương khớp.
Hệ hô hấp suy yếu
Khi chuyển mùa, thời tiết có nhiều thay đổi, do vậy, cơ thể chưa kịp thích nghi nên rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh đường hô hấp như cảm cúm, viêm phổi và sốt. Các bệnh này chủ yếu do virus gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc gần gũi với người bệnh. Hiện tượng là nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, chán ăn...
Các bệnh có thể dễ dàng thuyên chuyển sang cấp độ nặng hơn một cách nhanh chóng. Do vậy, nếu thấy cơ thể bất thường, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Virus cảm lạnh và cảm cúm còn dễ lây lan khi tiếp xúc với những vật trong nhà. Do đó, để hạn chế mầm bệnh, bạn nên rửa tay đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đồng thời thường xuyên ăn các thực phẩm chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, luyện tập thể dục đều đặn, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.
Bệnh dị ứng
Trong nhóm bệnh dị ứng theo mùa thì bệnh đau mắt đỏ, dị ứng da khá phổ biến. Bệnh thường có biểu hiện rõ nhất là mắt đỏ và có dử mắt, mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt... Biểu hiện của bệnh về da là da nổi mẩn đỏ, xuất hiện những nốt đỏ li ti trên da gây ngứa ngáy, khó chịu.
Để phòng bệnh, chúng ta phải vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh những môi trường ẩm thấp, bụi bẩn tiềm ẩn nguy cơ bệnh cao. Cùng với đó là bôi kem dưỡng ẩm cho da. Tuy nhiên, khi sử dụng mỹ phẩm hay thuốc thì cần phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.
Tăng nguy cơ đau dạ dày
Nhiều nghiên cứu cho thấy vào mùa thu, những người có vấn đề về dạ dày sẽ tăng nguy cơ và tái phát triệu chứng. Nguyên nhân của bệnh này là do sự kích thích của không khí lạnh, lượng histamin trong máu tăng lên, dịch chua trong dạ dày bài tiết nhiều, đường tiêu hóa bị co bóp mạnh làm giảm sức đề kháng và tính thích ứng với khí hậu của cơ thể.
Huyết áp cao và bệnh tim
Áp suất khí quyển thay đổi là điều cơ thể cảm nhận một cách rõ rệt. Khi áp suất khí quyển tăng lên có thể gây thắt chặt các mạch máu và tăng huyết áp của bạn. Ngay cả khi bạn không có bệnh thì tình trạng bất lợi về mạch, tim vẫn có thể xảy ra gây những biểu hiện mệt mỏi, đau nhức và có thể kéo theo nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Tâm trạng chán nản
Rối loạn tình cảm theo mùa - được gọi là SAD rất dễ xảy ra khi thời gian cơ thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời giảm đi. Thời tiết lúc nắng, lúc mưa bất thường hay nóng lạnh đột ngột khiến tâm trạng con người cũng bất thường. Nhất là những người có nguy cơ trầm cảm rất cần được lưu ý, quan tâm.
Thậm chí, khi bạn đang khỏe mạnh cũng khó tránh khỏi những tác động từ thời tiết. Cách khắc phục là có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, tham gia hoạt động thể chất và gặp bác sĩ ngay khi có biểu hiện bất thường.