Theo BSCKII Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ Sản, BV Đại học Y Dược TP.HCM, đái tháo đường (ĐTĐ) hay còn gọi là tiểu đường, là hội chứng liên quan đến rối loạn chuyển hóa chất đường trong cơ thể, dẫn đến tăng lượng đường huyết. Nguyên nhân là do tuyến tụy không sản xuất hay sản xuất không đủ Insulin, hoặc do tăng các chất đề kháng với Insulin, làm giảm tác dụng sinh học của Insulin lên tế bào đích. Hiện ĐTĐ, trong đó có đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) đang gia tăng nhanh chóng do lối sống ít vận động và tiêu thụ nhiều thức ăn giàu năng lượng như đường, tinh bột và chất béo. “Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới, tỷ lệ mắc ĐTĐTK ngày càng tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số các bà mẹ mang thai”, BS Dung cho biết.
Thai phụ cần kiểm soát tốt tình trạng đái tháo đường để tránh những biến chứng cho cả mẹ và bé |
- Gia tăng tỉ lệ dị tật thai.
- Thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (quá to hoặc quá nhỏ). Thai to gây sinh khó và sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay...
- Thai nhi có thể bị chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao.
- Bé sơ sinh dễ bị suy hô hấp do phổi chậm trưởng thành khi có tình trạng tăng đề kháng với Insulin.
- Trẻ sơ sinh dễ bị hạ đường huyết, hạ can xi, vàng da nặng và có thể hôn mê.
- Khi lớn lên bé dễ bị béo phì, ĐTĐ, cao huyết áp.
Để phòng tránh các biến chứng từ ĐTĐTK, BS Dung khuyến cáo, tất cả phụ nữ có thai đều nên tầm soát ĐTĐ và thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết (OGTT) uống 75 gram glucose để tầm soát ĐTĐTK. “Nếu thai phụ không có yếu tố nguy cơ, nên thực hiện OGTT từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ, nếu thai phụ có yếu tố nguy cơ, thực hiện OGTT ở lần khám thai đầu tiên. Nên ăn đủ chất, không nên ăn nhiều; hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo, đặc biệt là không nên uống nhiều nước mía, vì dễ làm tăng chỉ số đường huyết trong thai kỳ”, BS Dung lưu ý.